Sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vốn đã long đong, những người đam mê theo đuổi học nghề là những người trực tiếp lao động sản xuất, vất vả làm ra của cải vật chất cho xã hội lại chẳng ngờ con đường học hành phấn đấu của mình lại bị “ngáng trở” khó khăn đến vậy.
Tưởng là dễ nhưng “khó không tưởng”
Ngày 28/5/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Trong đó qui định rõ nhiệm vụ của từng Bộ, ngành, với tinh thân phải tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người học trong các cơ sở GDNN. Theo đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ Bộ GD&ĐT tạo phải hoàn thành thông tư qui định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN trong quý III năm 2020.
Sau hơn 1 năm chờ đợi, ngày 15/5/2021 Bộ GD&ĐT mới đưa dự thảo lần 1 thông tư qui định khối lượng kiến thức văn hóa THPT giảng dạy trong các cơ sở GDNN ra lấy ý kiến rộng rãi. Tuy nhiên theo giáo viên nhiều trường cao đẳng, dự thảo thông tư không có gì mới, nếu không nói là vẫn như cũ, thậm chí có những qui định như “gài bẫy” người học nghề.
Hiệu trưởng một trường cao đẳng chia sẻ, mới đọc qua dự thảo thông tư tưởng là dễ cho HSSV nhưng nghiên cứu kỹ thì là “khó không tưởng” cho người học. Vị này phân tích: “Thứ nhất, theo thông tư cũ HSSV trong các cơ sở GDNN, tùy theo nghề học, có nghề phải học 4 môn văn hóa, có nghề như tài chính kinh tế các em phải học 5 – 6 môn văn hóa. Dự thảo thông tư mới đây lại qui định tất cả học sinh học nghề nào cũng chỉ phải học 4 môn văn hóa cơ bản phù hợp với từng ngành nghề. Rút gọn các môn học hơn so với thông tư cũ, nhưng như vậy các em sẽ lại không đủ điều kiện để thi tốt nghiệp phổ thông. Nếu muốn thi tốt nghiệp THPT các em vẫn phải ra Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) học đủ 7 môn mới đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT.
Trong khi cũng theo dự thảo thông tư mới, số tiết học 4 môn văn hóa cơ bản giảng dạy trong các cơ sở GDNN lại ít hơn so với số tiết học các môn văn hóa giảng dạy ở Trung tâm GDTX. Như vậy Trung tâm GDTX sẽ không chấp nhận kết quả học tập 4 môn văn hóa được giảng dạy tại các cơ sở GDNN. Và không được chấp nhận kết quả đó thì các em sẽ không được thi tốt nghiệp THPT. Nếu muốn thi lấy bằng tốt nghiệp THPT các em phải học lại từ đầu 7 môn văn hóa theo chương trình GDTX.
Như vậy, Bộ GD&ĐT vẫn làm khó cho GDNN, thậm chí còn như “gài bẫy” người học. Vị Hiệu trưởng này kiến nghị Bộ GD&ĐT nên thực hiện các Chỉ thị nghị quyết của Chính phủ, tạo điều kiện để các cơ sở GDNN được giảng dạy 7 môn văn hóa và học sinh đủ điều kiện được thi tốt nghiệp THPT mà không cần phải qua đơn vị trung gian là Trung tâm GDTX.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Khánh Cường – Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lialama 2 nhận xét, dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT chưa có thay đổi hay đột biến nào. Trước nay, các trường nghề vẫn đang giảng dạy 4 môn, dự thảo dường chỉ nhắc lại nhiều ý cũ.
Tuy nhiên, về khung chương trình đào tạo văn hóa trong dự thảo đang để thời lượng học tập các môn học ít hơn so với chương trình GDTX cấp THPT, cụ thể: Toán 270h/368h, Văn 270h/304h, Vật lý 180h/192h, Hóa học 180h/190h, các môn khác số giờ cao hơn, như vậy kết quả học 4 môn văn hóa tại cơ GDNN của các em sẽ không dược các Trung tâm GDTX công nhận để có thể học và thi tốt nghiệp THPT.
Theo ông Cường, nét mới mà các trường mong muốn là được cho phép dạy chương trình văn hóa để học sinh có thể thi tốt nghiệp THPT. Hoặc Bộ GD&ĐT cần có một cơ chế để học sinh học khối lượng kiến thức văn hóa THPT vẫn được cấp bằng tốt nghiệp THPT…
Không thể thi tốt nghiệp THPT
Ông Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn đông Tp HCM cũng cho rằng, dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT dù mở rộng đối tượng áp dụng nhưng vẫn chỉ cho phép các cơ sở GDNN dạy 4 môn, bao gồm 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 môn tự chọn trong các môn hóa học, vật lý, sinh học, lịch sử, địa lý.
Ông Hải nhấn mạnh nếu học chương trình 4 môn theo khối lượng kiến thức văn hóa THPT này các em vẫn không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu muốn dự thi, các em phải học thêm chương trình GDTX bậc THPT gồm cả 7 môn học, trong đó có thể phải học lại cả các môn văn hóa đã học tại các trường nghề, vì số tiết học ít hợn so với số tiết tại các Trung tâm GDTX.
Theo ông Hải, Bộ GD&ĐT nên cho các cơ sở GDNN được phép giảng dạy chương trình 7 môn, để tạo thuận lợi hơn cho học sinh. Đây cũng là mong muốn của nhiều trường nghề bởi hiện nay, để giúp học sinh có thể thi tốt nghiệp THPT, trường buộc phải liên kết với Trung tâm GDTX dù cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên đủ chất và lượng thì nhiều cơ sở GDNN vẫn không được độc lập dạy văn hóa mà phải phối hợp cùng các Trung tâm GDTX.
Phó Hiệu trưởng, Trường cao đẳng Cơ khí nông nghệp NGƯT.ThS Phạm Tố Như kiến nghị: “Hiện nay, mặc dù theo tại khoản 2a, Điều 4, Quyết định 18/2017/ADD- TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học đã thể hiện việc người học được phép liên thông nếu có bằng tốt nghiệp trung cấp và đảm bảo học và thi đạt yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa tối thiểu theo quy định. Tuy nhiên, hầu hết các trường đại học đều ban hành quy chế tuyển sinh riêng và thể hiện người học phải có bằng THPT mới được tham gia học tập liên thông lên đại học. Vậy đề nghị Bộ GD&ĐT có yêu cầu cụ thể với các trường đại học về nội dung này, tránh việc học sinh sẽ không có nhiều cơ hội học tập sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp và hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa tối thiểu.
Kiến nghị tạo cơ chế thuận lợi cho các cơ sở GDNN đủ điều kiện được giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT
Ông Phạm Tố Như đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi để các cơ sở GDNN đủ điều kiện (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất…) được thực hiện giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT(nếu người học có nhu cầu học đồng thời chương trình đào tạo nghề trình độ trung cấp và GDTX cấp THPT để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT).
Tại Điều 14 và Điều 15 của Dự thảo Thông tư đề nghị quy định cụ thể hơn những nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo và cơ sở GDNN để thực hiện đánh giá và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT.
Ông Đào Sỹ Tam – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc:
Không có gì mới so với Thông tư ban hành cách đây 10 năm
So với Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT ban hành cách đây 10 năm, Dự thảo Thông tư Bộ GD&ĐT vừa công bố không có gì mới, đặc biệt không giải quyết được bài toán về phân luồng học sinh.
Dự thảo chỉ đưa ra hướng dẫn tổ chức giảng dạy và cấp Giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT, trong khi rất nhiều vấn đề đặt ra chưa được giải quyết. Chẳng hạn, với các em đã có bằng trung cấp nghề và Giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT thì trong Sơ yếu lý lịch, sẽ kê khai “Trình độ văn hóa” theo loại 9/12 hay 12/12? Các em có đủ điều kiện thi đại học bình thường như học sinh học và tốt nghiệp THPT tại các Trung tâm GDTX không? Với những vị trí việc làm nhà tuyển dụng yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp THPT, các em có được công nhận tương đương trình độ văn hóa 12/12 để được tuyển dụng hay không?
Rõ ràng, nguyện vọng của học sinh và phụ huynh sau khi đi học trung cấp nghề và học thêm các môn văn hóa là các em được công nhận tương đương trình độ văn hóa 12/12 để phục vụ cho các nhu cầu học tập, làm việc sau này. Nếu không được công nhận, nhiều học sinh sẽ lựa chọn theo học tại các trung tâm GDTX. Các trung tâm này lại không có chức năng đào tạo nghề ở bậc trung cấp hay cao đẳng.
Việc theo học các khóa học nghề ngắn hạn 3 tháng, dưới 3 tháng chỉ trang bị cho các em một số kỹ năng nghề nghiệp giản đơn, không thể cung cấp được những kiến thức kỹ năng cần thiết để tạo thành nghề nghiệp bền vững, có năng suất lao động vượt trội để năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Do đó, theo tôi, cần nghiên cứu, quy định thống nhất công nhận tương đương trình độ văn hóa 12/12 đối với học sinh lớp 9 đã tốt nghiệp trung cấp nghề và hoàn thành khối lượng 4 môn văn hóa. Có như vậy, việc khuyến khích, phân luồng học sinh đi học nghề GDNN sau tốt nghiệp mới hiệu quả trên thực tế. Còn việc đào tạo song song 2 chương trình trung cấp nghề + chương trình 7 môn văn hóa hiện nay cũng là bất đắc dĩ thôi.
Q. Trang – Thu Thủy – Hải An