Sáng ngày 22/10, chuỗi hoạt động quốc tế ArtTech Fusion 2024 (ATF) do ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng 11 trường đại học thế giới tổ chức chính thức khai mạc. Nhiều nội dung chia sẻ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo khách mời là chuyên gia, doanh nghiệp, giảng viên và các sinh viên của ngành.
Phát biểu tại lễ khai mạc chương trình, GS.TS. Nguyễn Đông Phong – Chủ tịch Hội đồng ĐH Kinh tế TP. HCM nhấn mạnh: “ATF24 là một nền tảng tích hợp công nghệ nghệ thuật ArtTech nhằm thúc đẩy tiềm năng sáng tạo và đổi mới của thế hệ trẻ, nuôi dưỡng tư duy độc đáo, khả năng giải quyết vấn đề linh hoạt và óc sáng tạo không giới hạn của thế hệ những nhà lãnh đạo tương lai. ATF24 không chỉ góp phần vào sự phát triển bền vững của cá nhân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội bền vững. Bằng cách khuyến khích sự giao thoa giữa công nghệ và nghệ thuật, ATF24 tạo tiền đề cho những sáng kiến và giải pháp mới góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển hài hòa và bền vững của cộng đồng”.
Chia sẻ về Blockchain và thương mại hóa nghệ thuật, GS. Alvaro Barbosa và GS. Daniel Farinha (Đại học Saint Joseph, Macau) cho biết, những xu hướng phát triển mới nhất dựa trên Công nghệ Blockchain ứng dụng trao đổi tác phẩm nghệ thuật thương mại NFT. NFT đã trải qua chu kỳ khuếch đại (dựa trên mô hình Gartner), cụ thể: Trong giai đoạn đầu, NFT đã thu hút sự chú ý đáng kể với những thương vụ trị giá hàng triệu đô la, tạo nên cơn sốt trên thị trường. Tuy nhiên, sau đó, sự hoài nghi bắt đầu xuất hiện khi nhiều người đặt câu hỏi về tính hợp pháp và giá trị nội tại của NFT. Hiện tại, thị trường đang dần ổn định và bước vào giai đoạn trưởng thành.
Các Giáo sư cũng đưa ra những dẫn chứng cụ thể về các dự án NFT tiêu biểu trong lĩnh vực nghệ thuật như Bored Ape Yacht Club, phân tích những thành công và hạn chế của chúng, đồng thời, các ứng dụng tiềm năng của NFT trong việc quản lý bản quyền, chứng nhận sở hữu tác phẩm và những vấn đề về mặt pháp lý và đạo đức cũng được thảo luận. Ngoài ra, những thách thức và cơ hội mà NFT đặt ra cho ngành công nghiệp sáng tạo và giới nghệ thuật trong tương lai cũng được phân tích kỹ lưỡng.
Đồng quan điểm trên, GS. Martin Kaltenbrunner (Đại học Arts Linz, Áo) đã mang đến một góc nhìn thấu đáo và đầy tham vọng về tương lai của nghệ thuật truyền thông trong kỷ nguyên hậu kỹ thuật số. Giáo sư giới thiệu khái niệm “thiết kế hậu kỹ thuật số” (postdigital design), một cách tiếp cận mới trong việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật truyền thông kết hợp giữa công nghệ số và kỹ thuật thủ công truyền thống. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa sự tinh tế của các phương pháp thủ công và sức mạnh của công cụ kỹ thuật số trong quá trình sáng tạo.
Trong phần chia sẻ của mình, GS. Carsten Baumgarth (Đức) giải mã bí ẩn đằng sau sự giao thoa giữa trí tuệ nhân tạo và nghệ thuật, từ đó đưa ra những nhận định về tác động của AI trong nghệ thuật kỹ thuật số. The Art Infusion Effect – Hiệu ứng Nghệ thuật lan tỏa là một khái niệm gần như kinh điển trong thiết kế sản phẩm, tiếp thị và quản lý thương hiệu. Hiệu ứng này đã được khẳng định qua nhiều nghiên cứu thực nghiệm, chỉ ra rằng việc tích hợp nghệ thuật vào thiết kế sản phẩm, bao bì, quảng cáo,… sẽ tự động dẫn đến đánh giá tích cực hơn về sản phẩm hoặc thương hiệu. Tuy nhiên, ngày nay, nghệ thuật ngày càng được tạo ra một cách kỹ thuật số và trong một số trường hợp, hoàn toàn bởi Trí tuệ Nhân tạo (AI).
Trao đổi về công tác đào tạo, ươm mầm những nhà sáng tạo liên ngành tiên phong trong lĩnh vực Công nghệ Nghệ thuật, GS. Zhiyong Fu (Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc) đã vạch ra định hướng tương lai và chia sẻ những kinh nghiệm sâu sắc về việc đào tạo nhân tài đa ngành, có khả năng đổi mới sáng tạo thông qua giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ.
Với bề dày kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, Giáo sư Fu tập trung vào ba lĩnh vực chính gồm: (1) Xây dựng hệ thống giáo dục nghệ thuật – công nghệ đa ngành, (2) Tích hợp thực hành sáng tạo vào các khóa học xây dựng năng lực đổi mới của trường đại học, và (3) Kết hợp thiết kế với nghiên cứu tương lai để hình thành định hướng chuyên môn xuyên ngành.
Bài tham luận mang đến góc nhìn toàn diện về mô hình đào tạo tài năng đổi mới sáng tạo đa ngành dựa trên sự kết hợp giữa giáo dục liên ngành, thực hành sáng tạo và nghiên cứu tương lai trong lĩnh vực thiết kế. Đây là nguồn cảm hứng và bài học hữu ích cho các tổ chức giáo dục Đại học trong việc nuôi dưỡng thế hệ nhân tài mới, sẵn sàng đương đầu với những thách thức về bền vững toàn cầu.
Quang Trung