Du học nghề tại Đức những năm gần đây được đánh giá là một trong những lựa chọn hấp dẫn đối với hàng ngàn sinh viên quốc tế, vì chính sách đi học có lương.
Nhiều cơ hội
Theo Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) và Viện Nghiên cứu Lao động và Đào tạo Nghề Đức (BIBB), hiện có khoảng 80.000 sinh viên quốc tế theo học các chương trình đào tạo nghề tại Đức. Trong đó, sinh viên Việt Nam khoảng 5.000 – 6.000 người, chiếm 6.25% – 7.5%.
Có khoảng 80.000 sinh viên quốc tế theo học các chương trình đào tạo nghề tại Đức
Theo các chuyên gia tư vấn du học nghề, con số trên phản ánh sự quan tâm và nỗ lực của sinh viên Việt Nam trong việc tìm kiếm cơ hội học tập và làm việc tại Đức. cũng như sự phù hợp của các chương trình đào tạo nghề của Đức đối với nhu cầu và khả năng của sinh viên Việt Nam.
Khi được hỏi vì sao chọn chương trình du học nghề Đức, anh Phạm Thanh Luân, Hà Tĩnh cho biết, chi phí du học vừa phải, đi học có việc làm, có lương và học xong dễ tìm kiếm việc làm là. Điều này giúp anh giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Già hoá dân số ở Đức chính là cơ hội việc làm cho người trẻ nhập cư, ông Phạm Anh Tuấn, tư vấn du học nghề Đức nói. Theo ông Tuấn, Đức là một trong những nước có tỉ lệ người già cao nhất thế giới. Con số từ Cục Thống kê Liên bang Đức cũng cho thấy, đến năm 2050, tỉ lệ người trên 60 tuổi ở Đức sẽ chiếm hơn 1/3 dân số.
Phỏng vấn anh Trần Hoàng, đã tốt nghiệp Đại học Văn Lang, đang học thêm tiếng Đức tại một trung tâm, anh chia sẻ: “Tôi chọn du học nghề tại Đức vì Đức có hệ thống đào tạo nghề kép, có sự kết hợp giữa học lý thuyết tại các trường nghề và thực hành tại doanh nghiệp, sinh viên sẽ dành khoảng 3-4 ngày mỗi tuần tại nơi thực tập nghề và 1-2 ngày tại trường để học lý thuyết. Điều này không chỉ giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn thành thạo kỹ năng thực tế, đáp ứng ngay yêu cầu của thị trường lao động”
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp là một yếu tố quan trọng thu hút sinh viên quốc tế đến với Đức. Nhờ vào mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo nghề tại Đức thường dễ dàng tìm được việc làm với mức thu nhập hấp dẫn.
Theo ông Felix Wagenfeld, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD), mức lương trung bình của người tốt nghiệp đào tạo nghề dao động từ 2.300 đến 3.500 EUR (63-97 triệu đồng) một tháng. Đặc biệt, trong các ngành như kỹ thuật cơ khí, công nghệ thông tin, điều dưỡng và nhà hàng khách sạn, nhu cầu lao động luôn ở mức cao. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên không phải lo lắng nhiều về việc làm sau khi ra trường.
Vẫn khó nhằn
Cơ hội việc làm tốt và chi phí du học thấp là một điểm cộng lớn cho các chương trình du học nghề tại Đức. Tuy nhiên, theo anh Trần Hoàng, để đáp ứng đủ điều kiện cũng không phải là vấn đề đơn giản. Tiếng Đức là một trong những ngoại ngữ khó, lấy được chứng chỉ B1 tiếng Đức, cũng “trầy da tróc vảy”.
Nhiều ngành nghề thậm chí còn yêu cầu chứng chỉ B2 mới đủ điều kiện du học. Một chi nhánh của công ty tư vấn du học nghề Đức tại TP.HCM cho biết, quý 1/2024 doanh nghiệp này tuyển dụng để đào tạo được 12 người, nhưng không học viên nào đáp ứng đủ điều kiện về đào tạo tiếng.
Bà Hồng Quyên, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiên Giang cũng từng chia sẻ, năm 2023, có 15 suất đi du học Đức miễn phí, thế nhưng nhà trường động viên, tuyển sinh mãi cũng chỉ được 3 học viên.
Phóng viên Nghề nghiệp và cuộc sống gọi điện đến một trung tâm tư vấn du học trên địa bàn quận Gò Vấp, nhân viên tại đây tư vấn chi tiết khoá học tiếng Đức. Để học được bằng B1 tiếng Đức, học viên cần học tối thiểu trong 7 tháng. Cũng có những học viên cần nhiều thời gian hơn. Điều này tuỳ thuộc vào khả năng mỗi người.
Thực tế, có rất nhiều lao động theo đuổi học tiếng Đức một thời gian dài vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu chứng chỉ tối thiểu của chương trình đào tạo.
Chỉ tiêu nhiều, cơ hội hấp dẫn, nhưng học viên không đủ kiên nhẫn học tiếng, đang là rào cản lớn cho công tác tuyển sinh.
Hải Tiến