Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho biết, vấn đề đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay, đơn hàng rất nhiều nhưng nguồn cung khan hiếm.
Số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB và XH, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2024 là 35.933 người, đạt 28,74% kế hoạch năm 2024.
Nhật Bản vẫn đang là thị trường đứng số 1 khi tiếp nhận được 23.364 lao động, tiếp đến là Đài Loan với 9.781 lao động, Hàn Quốc hơn 700 lao động. Các thị trường còn lại như Trung Quốc, Singapore, Ả rập Xê út, Macao… chỉ dừng lại ở con số từ 100 đến 300 lao động.
Như vậy, mặc dù vẫn đạt được chỉ tiêu đặt ra, song phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chia sẻ rằng, thực tế việc tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài đang không hề dễ dàng; nguồn cung lao động ngày càng khan hiếm, đặc biệt lao động có tay nghề.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại tạp phẩm Sài Gòn cho cho biết, nếu như trước đây, lao động thường chủ động tìm đến doanh nghiệp xuất khẩu lao động tìm hiểu các khoá học, các thủ tục để được đi ra nước ngoài làm việc nhanh nhất có thể, thì ngày nay, doanh nghiệp tìm mọi cách tiếp cận tư vấn và đào tạo, lao động vẫn không “mặn mà”.
Người này lấy ví dụ, có những ngành nghề tuyển không được lao động. Điển hình là các đơn hàng lao động thợ may. Vừa rồi, có doanh nghiệp Nhật cần 15 thợ may, thì công ty chỉ tuyển được 3 người. “Thậm chí, doanh nghiệp phải “hạ” tiêu chuẩn, chấp nhận tuyển lao động lớn tuổi hơn quy định, thì vẫn không có nguồn”, người này nói.
Thiếu trầm trọng nguồn cung cho các đơn hàng thợ may ( Ảnh: Internet )
Tương tự, theo ông Trần Xuân Từ, Giám đốc Công ty CP Cung ứng Nhân lực Dịch vụ Hàng không, công ty ông hiện có những đơn hàng từ thị trường châu Âu với chính sách rất hấp dẫn nhưng đến nay công ty vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Thậm chí có những đơn hàng cần người đến mức họ nhận cả lao động trên 40 tuổi, mà việc tìm người vẫn rất khó khăn.
Nói về khó khăn trong việc khan hiếm nguồn cung này, ông Phạm Ngọc Thủ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Đại Việt (Dai Viet IDC) lý giải, ở những nước phát triển đang cần rất nhiều lao động nhưng họ cũng yêu cầu về tay nghề và tiếng. Trong khi đó, nhiều cơ sở đào tạo nghề chưa đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn này. Ngoài ra, theo ông Thủ, tâm lý người lao động muốn ra nước ngoài làm việc, phần lớn không muốn đầu tư học dài hạn, đặc biệt là việc học tiếng.
Cũng có nhiều nguyên nhân khách quan khác như, sau dịch Covid, một số thị trường xuất khẩu lao động có chững lại, do người lao động vẫn mang tâm lý lo sợ. Hay như, Nhật Bản đang là thị trường số 1, nhưng gần đây đồng Yên xuống giá nên người lao động cũng không “mặn mà” với thị trường Nhật như trước đây nữa. Nhiều lao động chuyển dần sự ưa thích sang các thị trường châu Âu. Tuy nhiên, ngôn ngữ vẫn là rào cản lớn, khi lao động rất “ngại” học tiếng.
Để khắc phục thực trạng nói trên, đại diện Đại Việt IDC cho biết, đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất với nhiều máy móc công nghệ chất lượng cao, thiết lập chương trình đào tạo khoa học, xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp nhằm tạo ra môi trường đào tạo tốt nhất để thực tập sinh có thể phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, đạo đức, tay nghề trước khi ra nước ngoài làm việc.
Thậm chí, doanh nghiệp này luôn đảm bảo hỗ trợ các dịch vụ trước, trong, sau khi người lao động ra nước ngoài. Từ việc đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, hướng dẫn về văn hoá nước bạn, và giới thiệu việc làm sau khi thực tập sinh về nước…
Hải Tiến – Hà Lam