27/04/2024 9:45:44

Nhà giáo Nguyễn Đức Lưu – “ 10 năm hoa phượng đỏ” tại BCi

“10 năm hoa phượng đỏ” – là dấu ấn buổi chia tay đầy cảm xúc, trang trọng của ban giám hiệu, tập thể giảng viên, học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh (BCi) dành cho Nhà giáo Nguyễn Đức Lưu- Hiệu trưởng nhà trường trong suốt 10 năm gắn bó cống hiến, xây dựng và phát triển nhà trường.

Thầy Nguyễn Đức Lưu phát biểu, cảm ơn đội ngũ tập thể cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên nhà trường luôn đồng hành cùng nhà trường phát triển.

Ôn lại chặng đường đã qua, thầy Lưu cảm thấy hạnh phúc, biết ơn có được một tập thể đoàn kết, nỗ lực cùng thầy chèo lái con thuyền đưa sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp của nhà trường phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Thầy Lưu cũng là người mở lối tư duy cho các em học sinh, sinh viên mạnh mẽ tự tin trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Cung – Cầu phải gặp được nhau, sinh viên tốt nghiệp không phải “xin việc”  

Cơ duyên gắn bó với giáo dục nghề nghiệp, với đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người học, người lao động theo theo suốt con đường sự nghiệp của nhà giáo Nguyễn Đức Lưu, bắt nguồn từ những thách thức, khó khăn của thời cuộc bởi cơ chế eo hẹp về chỉ tiêu nhân sự của địa phương những năm trước đây.

Thầy Lưu bồi hồi kể lại: “Tốt nghiệp Đại học ra trường, ròng rã hơn một năm mòn mỏi với chiếc xe đạp cà tàng, đơn xin việc chạy khắp tỉnh Hà Bắc lúc ấy nhưng thất vọng bởi câu trả lời: “Anh rất tốt, nhưng chúng tôi rất tiếc”. Lời từ chối khiến thầy băn khoăn tự hỏi: Tìm việc sao khó khăn đến thế! Ước gì nếu sau này có việc làm thì sẽ làm tốt nhất có thể cho tuổi trẻ, cho sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm”.

Quả thực, không bao lâu sau đó, thầy được lãnh đạo nhà trường Công nhân kỹ thuật Hà Bắc (chính là trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh ngày nay) nhận vào làm việc và bắt đầu từ đây từng bước thực hiện được ước mơ của mình, đó là: Làm sao sinh viên được đào tạo phải có việc làm mà không cần phải đi xin việc.

Và rồi thầy quyết định chuyển sang Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bắc Ninh và có thâm niên công tác tới 13 năm, từng làm Giám đốc Trung này, với những quyết sách tiên phong trong việc tạo ra sàn giao dịch việc việc làm, mở lối cho Cung – Cầu kết nối giữa thị trường lao động với người lao động, mà đối tượng phần lớn là học sinh, sinh viên viên tốt nghiệp của tỉnh tìm được các vị trí việc làm phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Nhờ những kinh nghiệm, bề dày trong kết nối Cung – Cầu với thị trường lao động, năm 2014 thêm một lần nữa thầy Nguyễn Đức Lưu có cơ duyên trở lại với ngôi trường này, chỉ là tên gọi khác là trường Cao đẳng nghề Kinh tế – Kỹ thuật Bắc Ninh và đến năm 2017, trường được đổi tên thành trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh (BCi) như ngày hôm nay.

Vẫn là người thầy xưa, nhưng nhận nhiệm vụ mới với nhiều khó khăn, thử thách trên mọi lĩnh vực, mà phương châm xuyên suốt là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tạo cơ hội và giải quyết tốt việc làm cho các em học sinh, sinh viên của nhà trường được thông suốt. Đó là sự chỉ đạo, chủ động của nhà trường kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo cơ hội cho các em được thực hành, thực học song hành, để khi các em ra trường có ngay việc làm.

Quà tặng lưu niệm của nhà trường tới thầy Nguyễn Đức Lưu

Thầy Lưu quan niệm và từng chia sẻ với các em học sinh, sinh viên: Ngày nay, khi học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, thái độ, tác phong làm việc chuyên nghiệp, chăm chỉ chính là chìa khóa để các em tự tin có việc làm, được thị trường trải thảm đón nhận vào làm việc, mà không phải xin việc, không phải “chạy việc” mất tiền như vốn đã tồn tại trước đây.

Thời gian học tập ở trường, trải nghiệm thực học, thực hành tại doanh nghiệp sẽ là cơ hội vàng để các em rèn luyện bồi đắp kiến thức, kỹ năng và cả sự thích ứng của mỗi  cá nhân trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, luôn học hỏi, thích ứng với sự thay đổi để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Tất cả những kỹ năng đó, đều được thầy Lưu định hướng cho đội ngũ giảng viên nhà trường phát triển cho học sinh, sinh viên.

Chất lượng là sự sống còn, là thương hiệu của nhà trường

Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, thầy Lưu đã quan tâm tới chất lượng đào tạo. Bởi khi ấy con số học sinh, sinh viên nhà trường còn rất mỏng, chỉ với khoảng hơn 200 học sinh, sinh viên. Bài toán và lời giải khá vất vả trong thời điểm ấy đối với ban giám hiệu nhà trường.

Thầy Lưu  cho rằng: “Chất lượng đào tạo là sự sống còn, là thương hiệu của nhà trường”. Cùng với phương châm “Lấy người học làm trung tâm”, thầy Lưu và các thầy giáo trong ban giám hiệu nhà trường như: Thầy Vũ Quang Khuê, lần lượt đến các thầy Trần Văn Thực, thầy Nguyễn Văn Mễ… và tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường đồng sức, đồng lòng, quyết tâm cùng nhau đổi mới toàn diện, mục tiêu cốt lõi là nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt là sự thích ứng với xu hướng phát triển của công nghệ, những yêu cầu mới của thị trường lao động về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Những quyết sách về chủ trương, đường lối mạnh mẽ về phát triển giáo dục nghề nghiệp, ban giám hiệu nhà trường mạnh dạn xin ý kiến, tham mưu để cấp trên phê duyệt đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiêt bị, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề.

Trong đó, khu nhà 5 tầng đáp ứng cho đào tạo nghề công nghệ cao đã được sự ủng hộ của lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và công trình đến nay sử dụng khai thác hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác đào tạo nghề ở các ngành nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế, nghề trọng điểm ASEAN như: Tự động hóa, Cơ  điện tử, Điện Công nghiệp, Cắt gọt kim loại- Cơ khí chính xác.

Hội nhập với xu hướng quốc tế, thầy Lưu cũng chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về đầu tư trang thiết bị của tổ chức GIZ trong việc đào tạo nghề Điện Công nghiệp và nghề Cắt gọt kim loại- Cơ khí chính xác. Cùng với các chương trình hợp tác đào tạo với doanh nghiệp như:  Samsung, Canon, Goerktek mang lại sự hào hứng cho sinh viên khi được trải nghiệm thực tế, vừa đi học vừa có lương.

Không chỉ sinh viên nhà trường thực hành, thực học tại các doanh nghiệp, ngay cả các thầy cô giáo cũng là những nhân tố được nhà trường đưa ra yêu cầu phải thường xuyên tiếp cận những cái mới từ doanh nghiệp.

Qua đó, học hỏi để bắt kịp và điều chỉnh, thay đổi trong việc truyền thụ kiến thức, cập nhật, truyền thụ những kỹ năng mới cho học sinh, sinh viên. Chính vì vậy nguồn nhân lực của nhà trường không ngừng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt đội ngũ nhà giáo trẻ nhiệt huyết, yêu nghề có khả năng tiếp cận công nghệ mới, nhiều nhà giáo đạt giải cao giải GDNN các cấp, như thầy Lê Trọng Nghĩa, thầy Lê Đức Tùng, thầy Trần Trung Hậu, cô Nguyễn Thị Nguyên, cô Nguyễn Thị Hồng.

Rất nhiều các chương trình văn hóa, thể thao, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phong trào sinh viên 5 tốt, nghiên cứu khoa học, hội thi kỹ năng nghề… được chỉ đạo duy trì hoạt động sôi nổi, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn trường, với nhiều thành tích được các cấp, ngành liên quan ghi nhận, đánh giá cao.

Những nỗ lực đổi mới toàn diện về tuyển sinh, đào tạo, hợp tác doanh nghiệp, quốc tế, tạo cơ hội việc làm tốt, với tỷ lệ sinh viên có việc làm 100% sau tốt nghiệp. BCi đến nay đã thực sự có “sinh khí mới”, chất lượng đầu vào ngày càng tăng,  thu hút sự quan tâm và niềm tin yêu của các bậc phụ huynh, học sinh lựa chọn học nghề tại trường. Quy mô tuyển sinh, đào tạo hiện nay của nhà trường tăng 405% so với năm 2014, với khoảng trên 2.300 sinh viên toàn trường, trung bình mỗi năm có khoảng trên 900 sinh viên hệ Cao đẳng chính quy.

Chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo của nhà trường được các doanh nghiệp đánh giá cao, các em sinh viên của nhà trường tốt nghiệp đều ứng tuyển vào các vị trí việc làm chủ chốt tại các doanh nghiệp.

Thầy Vũ Quang Khuê- Phó HT nhà trường phát biểu, cảm ơn và chúc sức khoẻ thầy Nguyễn Đức Lưu

10 năm gắn bó với BCi, thầy Nguyễn Đức Lưu bên cạnh những định hướng chiến lược phát triển nhà trường, thầy còn truyền cảm hứng đến cho các thế hệ học sinh, sinh viên của nhà trường niềm say mê học tập, nghiên cứu khoa học, khơi dậy để các em học sinh, sinh viên phát huy tối đa năng lực, phát triển bản thân. Đặc biệt là tạo ra một môi trường thân thiện giữa học sinh, sinh viên với các thầy cô giáo. Mỗi ngày đến trường sẽ là một ngày có ý nghĩa với niềm vui, hạnh phúc của mỗi thầy cô giáo, các em học sinh nơi đây.

Phát biểu tại buổi lễ tri ân, thầy Vũ Quang Khuê- Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ lời cảm ơn chân thành, sâu sắc, chúc sức khỏe tới nhà giáo Nguyễn Đức Lưu: “Thay mặt tập thể cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên nhà trường, nhà trường thực sự may mắn, tự tin khi có thầy dẫn dắt trong suốt những năm qua. Tập thể nhà trường sẽ tiếp tục cùng phát huy tinh thần chủ động, thích ứng, phát triển nhà trường vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của xã hội về ngôi trường BCi”.

Bảo Linh