31/01/2024 4:17:43

BTEC tăng cường giải pháp, hoàn thành các tiêu chí trường chất lượng cao đến năm 2025

Ngày 30/01, trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu (BTEC) tổ chức hội nghị chuyên đề “Giải pháp thực hiện các tiêu chí bảo đảm chất lượng, đạt chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025”.

Cơ sở GDNN đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu đạt chuẩn kiểm định chất lượng

Hội nghị thông qua các tham luận của lãnh đạo, cán bộ, giảng viên nhà trường nhằm mang đến những giải pháp thực hiện các tiêu chí bảo đảm chất lượng, hướng tới phát triển nhà trường là cơ sở  giáo dục nghề nghiệp (GDNN ) đạt chất lượng cao (CLC) đến năm 2025.

NGƯT. T.S Trần Công Chánh- Hiệu trưởng nhà trường với phần trình bày tham luận “Công tác thực hiện kiểm định chất lượng GDNN gắn với chiến lược duy trì các tiêu chí đảm bảo chất lượng đến năm 2025 đạt chuẩn trường CĐ CLC”. Theo đó, kể từ năm 2017 đến nay, nhà trường đã tích cực thực hiện các kế hoạch về công tác tự đánh giá kiểm định cơ sở GDNN và đánh giá ngoài chất lượng. Nhìn chung, các tiêu chí đánh giá đều đảm bảo đáp ứng tốt công tác giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực ở các ngành nghề nhà trường đang đào tạo.

NGƯT.TS Trần Công Chánh- Hiệu trưởng CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Bạc Liêu phát biểu tại hội nghị

Hiệu trưởng Trần Công Chánh đánh giá quá trình công tác kiểm định bảo đảm chất lượng, tự đánh giá chất lượng cơ sở GDNN được toàn thể cán bộ, viên chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và đúng quy định. Nhà trường đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, là cơ sở GDNN đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng.

Theo báo cáo kết quả tự đánh giá chất lượng năm 2023, trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Bạc Liêu đã đạt 93/100 điểm. Trong đó, điểm nhấn là kết quả tự đánh giá chương trình đào tạo ở các ngành nghề đều đạt trên 90/ 100 điểm. Có thể kể đến các nghề: Nghề Kế toán, trình độ cao đẳng; nghề Nuôi trồng thủy sản (trình độ cao đẳng; trung cấp); nghề Chăn nuôi- Thú y, trình độ trung cấp; nghề Chế biến và bảo quản thủy sản trình độ trung cấp; nghề Thanh nhạc trình độ trung cấp; nghề Tin học ứng dụng trình độ trung cấp; nghề Công nghệ kỹ thuật phần mềm MT trình độ trung cấp.

Cùng đó, kết quả đánh giá ngoài chương trình đào tạo ở 2 nghề: Nghề Nuôi trồng thủy sản trình độ trung cấp và nghề Chăn nuôi- Thú y tình độ trung cấp cũng đạt 94/100 điểm.

Với những kết quả này sẽ làm nền tảng và là động lực thúc đẩy nhà trường tiếp tục phấn đấu, hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn của trường chất lượng cao đến năm 2025. Mỗi cán bộ, giảng viên, các khoa, ngành nghề đào tạo của nhà trường cần khắc phục những hạn chế, phát huy vai trò, không ngừng phát triển năng lực trong công tác giảng dạy, truyền thụ kỹ năng cho người học. Khẳng định được chất lượng đào tạo và thương hiệu của nhà trường chính là thước đo đánh giá để nhà trường đạt chuẩn trường chất lượng cao trong thời gian tới. T.S Trần Công Chánh nhấn mạnh.

Ông Đỗ Hữu Khoa (phải) – GĐ Cty TNHH Sài Gòn Academy trao Giấy chứng nhận cho Nhà trường

Gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm

Thạc sĩ Trần Văn Út Chính- Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục nhà trường với tham luận: “Giải pháp gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo, đáp ứng tiêu chí đạt chuẩn trường CLC”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là tiêu chí của trường CLC.

Trên cơ sở đánh giá từ thực tế còn tồn tại trong công tác gắn kết nhà trường và doanh nghiệp, sự phối hợp chưa chặt chẽ để hài hòa yếu tố cung- cầu đào tạo nguồn nhân lực. Ông Chính khẳng định: Nhà trường đã có sự phối hợp với một số doanh nghiệp trong công tác đào tạo, cũng như tạo cơ hội việc làm cho người học hiệu quả.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng cung của nhà trường, chưa thực sự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Hay công tác giới thiệu, bảo đảm việc làm cho HSSV khi ra trường vẫn chưa tìm được cơ chế phối hợp với doanh nghiệp chặt chẽ. Vì thế, cần có sự đổi mới trong chương trình đào tạo cũng như dự báo nhu cầu từ thị trường lao động ở các ngành nghề.

Theo ông Trần Văn Út Chính, có 3 giải pháp để tạo bước đột phá nâng cao chất lượng GDNN cùng các doanh nghiệp đó là:

Gắn kết tuyển sinh, đào tạo với giải quyết việc làm và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Trong đó, chủ động thường xuyên phối hợp với bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp để đánh giá nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó triển khai các hoạt động đào tạo phù hợp; Đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp vừa để nâng cao kỹ năng nghề cho người học, vừa hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung nguồn nhân lực đang thiết hụt; Hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, phát triển mạng lưới doanh nghiệp đối tác và tuyển dụng thường xuyên.

Thứ hai là gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo, đáp ứng tiêu chí đạt trường chuẩn chất lượng cao. Theo đó, ông Trần Văn Út Chính đưa ra các tiêu chuẩn , kế hoạch xây dựng chương trình, nội dung, thời gian đào tạo. Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, các thiết bị đào tạo phải đạt mức tương đương trong công nghệ tiên tiến áp dụng tại doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu triển khai  chương trình đào tạo. Nhà trường và doanh nghiệp cùng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn hoặc chuyển giao công nghệ. Và tiêu chí đặc biệt quan trọng, trong vòng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp, ít nhất 80% tổng số học sinh, sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng tốt nghiệp có việc làm phù hợp với các ngành, nghề đào tạo.

Giải pháp phát triển chương trình CLC

Thạc sĩ Phạm Mạnh Cường- Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Mục tiêu của “Chiến lược phát triển trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Bạc Liêu giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến năm 2030” trở thành trường CLC, nhà trường cần phải tiến hành nhiều giải pháp. Cụ thể như: Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chương trình chất lượng cao, thành lập tổ phát triển chương trình chất lượng cao với chức năng tham mưu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể; tham mưu các giải pháp xây dựng và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu theo quy định. Tổ chức tham quan học tập tại cơ sở GDNN đã thực hiện chương trình CLC

Nhà trường có sự đánh giá, phân tích nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và phù hợp với điều kiện của trường. Lựa chọn chương trình đào tạo để xây dựng chương trình CLC, đó là những ngành nghề thế mạnh của nhà trường như: Kế toán doanh nghiệp, Công nghệ thông tin, Nuôi trồng thủy sản, Chăn nuôi thú y. Cùng đó là tập trung đào tạo các ngành nghề trọng điểm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và nhu cầu thị trường lao động.

Huy động nguồn lực bên trong và bên ngoài nhà trường xây dựng chương trình đào tạo CLC theo quy định, chuyển giao một số chương trình đào tạo CLC của các cơ sở GDNN phù hợp với điều kiện của trường và nhu cầu đào tạo của địa phương.

Cùng đó là chuẩn bị các điều kiện về nhà giáo, cơ sở vật chất thiết bị để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình CLC. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh các chương trình CLC gắn với tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm, khởi nghiệp đối với HSSV.

Bảo Linh