31/01/2024 9:22:20

Làm mới lại không gian cũ cho những ngôi nhà truyền thống Á Đông

Mải miết đi và cảm nhận diện mạo kiến trúc từ thành thị tới các vùng nông thôn ở Việt Nam. Ở đó, từng gắn bó với những hình ảnh rất đỗi bình dị, thân quen, ăn sâu vào tiềm thức tuổi thơ nhiều thế hệ; từng đi vào thơ ca, âm nhạc “phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”. Giờ dần mất đi, thay thế là những nhà tầng mang hướng “sính ngoại”, “sính nhà Tây”…

KTS. Bùi Anh Phú Ninh (thứ hai bên phải)

Thực tế đó khiến Kiến trúc sư (KTS) Bùi Anh Phú Ninh luôn trăn trở, tìm đến những giá trị kiến trúc cho ngôi nhà truyền thống, mang phong cách tinh tế,  đậm chất Á Đông.

Kiến trúc Việt Nam đang mất bản sắc truyền thống?

Tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ đã không ngăn cản được phong trào “Tây hóa” của người dân. Và rồi, giữa không gian làng quê yên bình, chỉ còn lốm đốm vài căn nhà cổ được bảo tồn, như một minh chứng lịch sử đã tồn tại, mà không được hiện hữu trong đời sống thường nhật của người dân.

Hay những nếp nhà “ba- năm gian, hai chái”, “trước cau sau chuối” cũng đang dần đi vào dĩ vãng. Thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, có những biệt thự xa hoa, sặc sỡ, như khẳng định vị thế giàu có, uy quyền giữa miền quê mộc mạc.

Thậm chí, ngay cả giữa không gian phố cổ, những ngôi nhà cổ dù có hô hào gìn giữ thì cũng vô hình bị mất đi, chỉ còn thưa thớt, “lọt thỏm”, xen kẹt giữa những khách sạn cao tầng, bởi người dân chạy theo xu hướng thương mại, dịch vụ, du lịch, tận dụng tối đa diện tích để khai thác tối đa công năng và đạt hiệu suất lợi nhuận trong kinh doanh.

KTS.Bùi Anh Phú Ninh bày tỏ: Thực tế đó đã phản ánh diện mạo kiến trúc Việt Nam đang dần đánh mất đi bản sắc truyền thống. Tốc độ thay đổi theo chiều hướng này không chỉ ở những vùng dân cư đang sinh sống, ngay cả các dự án bất động sản, các chủ đầu tư cũng khai phá vùng đất mới, mang cả “châu Âu” về Việt Nam.

Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, khi đời sống kinh tế của người dân Việt Nam phát triển, có nhiều doanh nhân thành đạt, giàu có thì nhu cầu xây dựng tư gia ngày càng tăng. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn, chúng ta đã “vay mượn” kiến trúc ngoại lai quá nhiều, mà không nghĩ tới kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa gửi gắm vào kiến trúc truyền thống. Về tương lai, khiến thế hệ con cháu sau này không thể hình dung được ngôi nhà truyền thống, cũng như giá trị gốc mà kiến trúc truyền thống đem lại niềm tự tôn trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người Việt Nam.

Biệt thự Phan Gia tại Khoái Châu- Hưng Yên

Chính tư duy theo kiểu phong trào của người dân, và quan trọng hơn là không có có sự định hướng, buông lỏng trong quy hoạch kiến trúc từ các cấp, ngành liên quan; sự “chiều khách” của những kiến trúc sư chạy theo thị hiếu người dân… Tất cả, vô tình, xóa nhòa đi giá trị vẻ đẹp của kiến trúc truyền thống nhiều đời mà ông cha ta có được. Ở đâu đó, không ít người đã cảm nhận thật sai lầm khi nhìn lại tổng thể kiến trúc Việt hiện nay.

Có thể khẳng định, diện mạo kiến trúc đương đại được hình thành từ những giai tầng mang tính tự phát theo kiểu “Âu hóa”, hỗn độn, phản cảm như bê cả nóc nhà “Nhà hát lớn” hay “Tòa lâu đài” về vùng nông thôn. Kiến trúc Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ mất đi bản sắc văn hóa kiến trúc truyền thống.

Chắc hẳn mai này, các thế hệ con cháu sẽ khó tìm đến được nơi bình yên mang dáng dấp của những nếp nhà xưa, vẻ trầm mặc, duyên dáng bởi những hàng hiên đầy nắng ban mai, những mái đổ rất đặc trưng của kiến trúc Á Đông.

Lội ngược dòng, lan tỏa không gian kiến trúc truyền thống

Làm thế nào để cân bằng giữa đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại, trong khi vẫn giữ được hồn cốt, nét đẹp của kiến trúc nhà ở truyền thống?”  luôn là câu hỏi để KTS. Bùi Anh Phú Ninh kiến tạo không gian kiến trúc hài hòa, nhưng vẫn đảm bảo tiện ích hiện đại, thông minh trong ngôi nhà mang phong cách truyền thống Á Đông.

Không gian mở tràn ngập ánh năng ban mai

Đột phá mới mẻ trong tư duy của KTS. Bùi Anh Phú Ninh đã chinh phục được những gia chủ “khó tính”, họ luôn coi trọng và mong muốn tìm về những giá trị truyền thống của Cha ông. Mỗi ngôi nhà mang đến cho gia chủ, đối với KTS. Bùi Anh Phú Ninh đều coi đây là trách nhiệm, bằng cả sự tâm huyết, mang đến cho gia chủ những giải pháp hoàn hảo, đáp ứng được công năng, tiện ích sử dụng, kết hợp tạo cảnh quan, phong thủy hài hòa…

KTS.Bùi Anh Phú Ninh bày tỏ tâm tư: “Với mỗi KTS, chỉ khi họ thực sự hết lòng vì nghề, yêu quê hương, yêu kiến trúc truyền thống mới dành trọn thời gian để sáng tạo, tạo ra những không gian kiến trúc mới mẻ, ẩn chứa hồn cốt tinh túy kiến trúc truyền thống của Cha ông. Xét đến cùng, vẫn là câu chuyện ý thức của một cá nhân đối với sự gìn giữ nét đẹp trong kiến trúc truyền thống”.

Lối kiến trúc truyền thống hài hòa phong thủy của Phan Gia

Xã hội đa tầng, giai tầng khác nhau, không phải ai cũng lựa chọn cho mình một ngôi nhà mang bản sắc truyền thống Á Đông. Đặc biệt hơn, phần lớn xã hội chuộng nhà Tây hơn nhà truyền thống. Vượt qua rào cản đó, KTS.Bùi Anh Phú Ninh lội ngược dòng trào lưu với kiến trúc thị trường, kiên định tạo ra bản sắc riêng mang thương hiệu Anna Bùi Design.

Mở lối đi Kiến trúc truyền thống đương đại là tâm huyết của KTS.Bùi Anh Phú Ninh

Những công trình như “Ngôi nhà ven sông Đáy” (tại huyện Ứng Hòa, Hà Tây) được xây dựng hoàn thành năm 2019;  công trình biệt thự “Phan Gia” (tại huyện Khoái Châu- Hưng Yên) xây dựng hoàn thành năm 2022 được thiết kế bởi KTS.Bùi Anh Phú Ninh và cộng sự. Những công trình đã mở ra không gian kiến trúc truyền thống đậm chất Á Đông, với sự chắt chiu những nét tinh túy mang dáng dấp ngôi nhà xưa.

Ngôi nhà ven sông Đáy tại huyện Ứng Hòa- Hà Tây bình dị thân quen và đối lập bên cạnh với kiến trúc Âu hóa

Có thể thấy, hai công trình “Ngôi nhà ven sông Đáy” và  Biệt thự “Phan Gia” là sự khởi đầu tốt đẹp trong việc mở lối đi Kiến trúc truyền thống đương đại. Với cách đương đại hóa những nét đẹp kiến trúc truyền thống, chúng ta có thể xem đó là cách tiếp nối truyền thống vào trong đời sống kiến trúc hiện tại và tương lai.

Ngôi nhà ven sông Đáy về đêm

Nói về sự hình thành concept Kiến trúc Truyền thống đương đại, KTS. Bùi Anh Phú Ninh cho biết: “Nghĩ đến nhà ở truyền thống, nhiều người hay liên tưởng đến nhà của người nghèo, nghĩ đến nhà tranh, vách đất. Hoặc có chăng thì họ chỉ biết đến nhà thờ dòng họ là hết. Thậm chí, các bạn trẻ không có được ký ức sống trong những ngôi nhà truyền thống.

Vợ chồng ông Phan Văn Sử trong ngôi biệt thự Phan Gia

Nhưng thực tế, trong quá khứ, kiến trúc truyền thống đã tồn tại để phục mọi tầng lớp xã hội từ vua – quan – thương nhân và bình dân. Kiến trúc truyền thống có sự phân biệt rõ ràng từ cách tổ chức không gian, đến chất liệu, chi tiết hoa văn nhằm đáp ứng nhu cầu và đời sống của mỗi một giai tầng trong xã hội.

Vợ chồng Phan Văn Hiệu – con trai ông Phan Văn Sử chọn lối kiến trúc truyền thống Á Đông cho Cha mẹ an hưởng tuổi già

Chúng tôi mong muốn phát huy được những nét tinh hoa truyền thống của giới thượng lưu thời xưa, thông qua cách thể hiện của ngôn ngữ kiến trúc hiện đại. Ngôi nhà không chỉ là nơi để ở, nó còn là nơi để vinh danh một dòng tộc, nơi để gia chủ tự hào về một không gian có bản sắc riêng, xứng tầm đẳng cấp doanh nhân hay trí thức Việt Nam”.

KTS. Bùi Anh Phú Ninh sinh năm 1978, là nhà sáng lập Công ty CIC36 và Anna Bùi Design. Anh được nhận Giải thưởng KTS của năm 2013 thuộc Giải thưởng Ashui Awards. Trước đó, Anh đã đạt được nhiều giải thưởng kiến trúc quy mô trong nước và quốc tế.

Linh Xuyên