6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc đã có 12.455 cơ sở triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân gắn chíp (đạt 97,27% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc).
Theo tin từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong giai đoạn, đã có trên 29,2 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp (CCCDGC) phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Trong nửa đầu năm, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận gần 50 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (chiếm 85% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến được tiếp nhận).
Về tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình, hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gia hạn 15.756 thẻ BHYT thông qua dịch vụ Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng thông qua Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đến nay, BHXH 2 địa phương triển khai thí điểm (Hà Nội và Hà Nam) đã tiếp nhận và giải quyết 39.440 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 1.361 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua 2 nhóm dịch vụ công liên thông này.
Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích hợp thành công dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ ngày 12/4/2022 và đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BHTN cho 166.512 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Cùng với đó, hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận tổng số 484.482 dữ liệu giấy khám sức khỏe hợp lệ của 1.034 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc; 138.146 dữ liệu Giấy chứng sinh của 1.055 cơ sở khám chữa bệnh; 1.637 dữ liệu Giấy báo tử của 314 cơ sở khám chữa bệnh.
Trước đó, đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Thực hiện Đề án 06, BHXH Việt Nam đã tiến hành kết nối, chia sẻ dữ liệu và sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh BHYT. Việc đưa CCCDGC vào sử dụng được nhận định giúp nhân viên y tế đỡ tốn thời gian, nhanh, gọn, lẹ; kiểm tra đúng bệnh nhân; kiểm tra mọi thông tin chỉ trong vòng 30 giây, qua đó giúp rút ngắn thời gian chờ cho người bệnh. |
Việt Tuấn