Ngày 12/4, nền tảng Thương mại điện tử (TMĐT) Lazada Việt Nam công bố chính thức triển khai dự án “Lazada ECommerce Education” với cam kết tiếp cận và hỗ trợ 100.000 sinh viên trên toàn quốc về TMĐT – nhằm mục tiêu đồng hành phát triển nguồn nhân lực ngành TMĐT Việt Nam.
Theo đó, dự án sẽ triển khai ký kết hợp tác chiến lược giữa Học viện Lazada (Lazada University) và chuỗi các trường đại học hàng đầu Việt Nam để cung cấp các chương trình đào tạo và thực hành hiệu quả dành cho sinh viên và giảng viên chuyên ngành TMĐT trên toàn quốc. Dự án “Lazada ECommerce Education” được dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm 2024.
Chia sẻ về ý nghĩa của dự án này, ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho biết: “Việc triển khai dự án “Lazada ECommerce Education” và chuỗi hoạt động hợp tác chiến lược với các trường đại học không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của Lazada mà còn là cam kết đồng hành lâu dài của doanh nghiệp trong việc góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành TMĐT, cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế số”.
Theo ông Dũng, thông qua dự án hợp tác dài hạn này, Lazada hy vọng có thể tiếp sức cho thế hệ tài năng trẻ nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận với kỹ năng thực tiễn và có khả năng thích ứng nhanh với các vị trí công việc về TMĐT trong tương lai.
Cụ thể, trong khuôn khổ dự án “Lazada ECommerce Education”, Học viện Lazada sẽ tổ chức các hoạt động chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn chuyên sâu về lĩnh vực TMĐT dành cho sinh viên và giảng viên của các trường thông qua các hoạt động cụ thể như: Cung cấp các khóa học trực tuyến chia sẻ kiến thức về lĩnh vực TMĐT; Tổ chức các buổi chia sẻ từ chuyên gia, các khóa thực hành kinh doanh trên sàn TMĐT; Phát triển năng lực giảng viên TMĐT… Cùng với đó là những hoạt động tài trợ hoặc hỗ trợ một phần cho các sự kiện, cuộc thi được tổ chức bởi trường và các câu lạc bộ sinh viên.
Bên cạnh đó, Lazada cũng tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên ngành TMĐT trong các hoạt động hỗ trợ định hướng và tiếp cận nghề nghiệp như: Trao học bổng; Hướng nghiệp và tiếp nhận thực tập sinh; Tổ chức hoạt động tham quan văn phòng và trung tâm phân loại hàng hóa của Lazada Việt Nam dành cho sinh viên và giảng viên; Tổ chức chương trình Tư vấn hướng nghiệp; Chọn lọc, tiếp nhận danh sách sinh viên của trường, khoa và ưu tiên tuyển dụng nhân sự thực tập đến từ trường, khoa,…
Thông qua chuỗi hoạt động này, Lazada đặt mục tiêu đưa Học viện Lazada trở thành đối tác đào tạo TMĐT chiến lược của các trường đại học hàng đầu Việt Nam; cũng như cung cấp các khóa học chuyên sâu về kỹ năng thực hành kinh doanh trên môi trường TMĐT cho hơn 100.000 sinh viên và doanh nghiệp trẻ Việt Nam trên toàn quốc trong năm 2023.
Để khởi động dự án, hôm 27/3 vừa qua, “Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Lazada Việt Nam và Trường Đại học Thương Mại” đã diễn ra, khởi đầu cho hoạt động hỗ trợ đào tạo nhân lực trẻ ngành TMĐT trên cả nước.
Thương mại điện tử “khát” nhân lực chất lượng cao
Theo báo cáo Đào tạo TMĐT năm 2022 do VECOM công bố, Việt Nam có khoảng trên 110 trường đại học giảng dạy về TMĐT từ mức học phần tới ngành đào tạo chuyên biệt. Trong đó, có 36 trường đào tạo về ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và khoảng 60 trường đào tạo ở mức học phần…
Tuy nhiên, Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng, cùng với sự phát triển thần tốc của TMĐT trong những năm gần đây, sự thiếu hụt về nhân lực đã qua đào tạo vẫn trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Thêm vào đó, lại có một nghịch lý là chất lượng đào tạo của ngành đang không thể theo kịp tăng trưởng về quy mô các trường đào tạo và tốc độ mở ngành.
Về vấn đề này, Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lại Việt Anh cũng cho rằng, việc đào tạo TMĐT của Việt Nam vẫn còn những thiếu sót cần cải thiện. Trong đó, gút mắc chính là vừa gia tăng số lượng trường đào tạo nhưng cũng phải nâng cao chất lượng dạy học. Bởi nhu cầu thị trường đang lớn, nhưng khả năng đào tạo nhân lực vẫn còn hạn chế.
Bà Việt Anh thông tin, hiện nay mới chỉ có khoảng 30% nhân lực trong ngành TMĐT được trải qua đào tạo chính quy. Còn có tới 55% đến từ các ngành đào tạo liên quan như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin và 15% đến từ các ngành nghề khác. Vì vậy, có thể khẳng định dư địa cho đào tạo đại học chính quy của ngành TMĐT vẫn còn rất lớn.
Theo thống kê từ Kepios, năm 2022, trong số 72 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam thì có đến 52 triệu người đang sử dụng TMĐT, tăng 13,5% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, chi tiêu hàng năm cho TMĐT là 12,4 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng ấn tượng và vững chắc của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực TMĐT khi ngành này chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam. Đơn cử, trong số 23 tỷ USD mà kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022 thì có tới 14 tỷ USD là từ lĩnh vực TMĐT. Còn tới năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt ngưỡng 49 tỷ USD thì con số này ở lĩnh vực TMĐT là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%. |
Tuấn Việt