Hệ lụy của đại dịch Covid-19 và những diễn biến khó lường của môi trường chính trị toàn cầu khiến nguồn cung một số nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn, tổng cầu bị giảm sút, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước, cụ thể một số doanh nghiệp có số lao động lớn đã phải cắt giảm nhân công. Theo nhận định, những khó khăn trên sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2022, thậm chí kéo dài tận quý II năm sau.
Để hóa giải dần những khó khăn trên, bên cạnh các biện pháp vĩ mô liên quan đến cơ chế, chính sách, Công đoàn các cấp cũng đang “dồn lực” cùng với các cấp, ngành, doanh nghiệp đồng hành giải quyết, hỗ trợ những gì tốt nhất cho nhất cho người lao động.
“Nóng” dần qua từng con số
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về tình hình cắt giảm lao động, việc làm trong các doanh nghiệp, ghi nhận 10 tháng đầu năm tình hình quan hệ lao động chưa thực sự ổn định, tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tăng trở lại ở nhiều địa phương; đặc biệt, thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều người lao động và gia đình họ.
Cụ thể, qua tổng hợp nhanh từ cơ sở, đến nay: Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động là 1.235 doanh nghiệp, tập trung tại 44 tỉnh, thành phố. Trong đó: Loại hình doanh nghiệp dân doanh có 646 doanh nghiệp (chiếm 52,27%); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 590 doanh nghiệp (chiếm 47,73%).
Xét theo ngành nghề: Dệt may có 226 doanh nghiệp (chiếm 18,28%); Da giầy: 109 doanh nghiệp (chiếm 8,82%); Chế biến gỗ: 196 doanh nghiệp (chiếm 15,86%); Điện tử: 62 doanh nghiệp (chiếm 5,02%); Cơ khí: 31 doanh nghiệp (chiếm 2,51%); ngành nghề khác: 612 doanh nghiệp (chiếm 49,51%).
Thống kê cũng cho thấy, số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm đến nay là 472.214 lao động, chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong số này có 30.279 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và 9.441 lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng.
Báo cáo cũng chỉ rõ, xét về mức độ ảnh hưởng: Số lao động thôi việc, mất việc: 41.558 người (chiếm 8,80%); số lao động bị giảm giờ làm: 430.665 người, chiếm 91,20% (bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động).
Đáng chú ý trong số này có 30 doanh nghiệp nợ lương của 6.946 người lao động với tổng số tiền là 110.227.809.883 đồng; có 121 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của 32.315 lao động với tổng số tiền là 237.932.337.076 đồng.
Không chỉ đáng lo ngại ở những con số trên, qua nắm bắt, kiểm tra của các Công đoàn cơ sở, tình hình doanh nghiệp chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động chưa nghiêm, nhất là các quy định về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, cá biệt có những doanh nghiệp mặc dù sản xuất kinh doanh tăng trưởng vẫn lợi dụng ảnh hưởng tình hình dịch bệnh nhằm không tăng hoặc cắt giảm các phúc lợi đã thỏa thuận dẫn đến những bức xúc trong công nhân lao động.
Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền nợ (phải tính lãi) theo số liệu của BHXH Việt Nam là gần 14.600 tỷ đồng, chiếm 3,4% số phải thu; tình trạng chủ doanh nghiệp “bỏ trốn” để lại khoản nợ lớn tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn diễn ra, chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời.
Cũng qua tổng hợp của Công đoàn các cấp, đáng chú ý là tình hình ngừng việc tập thể có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2022 trên địa bàn cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021, với tổng số 98.375/182.131 người lao động tham gia. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngừng việc tập thể là do người lao động trải qua thời gian vô cùng khó khăn, giảm sút thu nhập, tích lũy sau hơn 2 năm ảnh hưởng đại dịch Covid-19; tiền lương tối thiểu chưa được điều chỉnh trong năm 2020, 2021; nhiều doanh nghiệp không tăng lương, thậm chí còn cắt giảm các khoản trợ cấp, phụ cấp, phúc lợi của người lao động; một số doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động; người lao động đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh mức lương thấp nhất tại doanh nghiệp theo mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Với trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, khi xảy ra ngừng việc tập thể, các cấp Công đoàn đã chủ động, tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương ổn định tình hình, phối hợp với liên ngành hỗ trợ các bên giải quyết, qua đó đa số các đề xuất, kiến nghị chính đáng của người lao động đã được doanh nghiệp đồng thuận và cam kết thực hiện.
Dự báo tình hình cắt giảm lao động còn gia tăng
Theo thông tin tổng hợp từ các Công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp 15.769 lao động. Bên cạnh đó, sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và các chế độ của người lao động; doanh nghiệp lợi dụng tình hình để thanh lọc, đẩy người lao động từ trên 35 tuổi ra khỏi doanh nghiệp để tuyển dụng lao động trẻ hơn, chi phí thấp hơn.
Về nguyên nhân cắt giảm việc làm, lao động trong các doanh nghiệp, qua nắm bắt thực tế lý do chính là doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do chi phí đầu vào cao; bị thiếu, cắt giảm đơn hàng trực tiếp từ nhà mua hàng nước ngoài hoặc bị cắt, giảm đơn hàng do khách hàng là các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng từ nhà mua hàng nước ngoài.
Việc gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng do nhiều yếu tố tác động, trong đó có yếu tố sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản…), chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, bất ổn chính trị tại các khu vực trên thế giới; lãi suất vay vốn trong nước cao…
Công đoàn đồng hành cùng người lao động
Trước xu hướng cắt giảm lao động còn gia tăng, dự báo đời sống, việc làm của người lao động còn gặp nhiều khó khăn, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam yêu cầu các cấp Công đoàn chủ động tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động, duy trì nhiều nhất việc làm cho người lao động, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc chủ động nắm đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động… để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Với những doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu Công đoàn cơ sở với sự hỗ trợ của Công đoàn cấp trên tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, Thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.
Chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành các chế độ đối với người lao động đang làm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động. Đồng thời kết nối các Công đoàn cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động; có các chế độ hỗ trợ đối với những người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Trước tình hình trên, nhất là Tết Nguyên đán đang cận kề, một bộ phận người lao động bày tỏ lo lắng về thu nhập, đời sống trước biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu, tiền thưởng và các khoản phúc lợi trong dịp Tết 2023; tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn diễn ra chưa có các giải pháp thực sự hữu hiệu, ổn định, lâu dài; nhiều nơi tín dụng đen vẫn xâm nhập vào đời sống của người lao động… Đồng thời, báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nêu lên tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc; hoặc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư với số lượng lớn; nhiều người lao động phải chấp nhận tăng ca, làm thêm giờ để tìm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Chất lượng cuộc sống của người lao động có sự chuyển biến, nhưng những vấn đề bức xúc ở các khu công nghiệp tập trung chưa có sự thay đổi rõ nét, như: Nhà ở, nhà lưu trú, dịch vụ khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, công tác quản lý nhà trẻ, nhà mẫu giáo dành cho con công nhân…
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chỉ đạo Công đoàn cấp trên, hỗ trợ Công đoàn cơ sở theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình của doanh nghiệp, của đoàn viên, người lao động để tham gia, đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023 và công bố tới toàn thể người lao động trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày (đến nay nhiều doanh nghiệp đã công bố phương án bố trí nghỉ Tết Nguyên đán 2023);
Bên cạnh đó, đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc của người lao động trên cơ sở giữ tối đa số lượng người lao động có việc làm, thu nhập, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động; trường hợp phải chấm dứt hợp đồng lao động thì đảm bảo quy trình, quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật và đóng góp của người lao động đối với doanh nghiệp; giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động;
Đồng thời, Công đoàn chủ động sử dụng nguồn lực của Công đoàn cơ sở và đề xuất với người sử dụng lao động, Công đoàn cấp trên tổ chức chăm lo, hỗ trợ cho người lao động phù hợp, kịp thời. Trong quá trình triển khai hỗ trợ lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, cần đặc biệt chú ý tới đối tượng là lao động nữ, trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ, lao động từ 35 tuổi trở lên, lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động là người khuyết tật… Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng yêu cầu Công đoàn cấp trên cần báo cáo ngay về Tổng LĐLĐ Việt Nam nếu có trường hợp các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, sử dụng đông lao động, có các doanh nghiệp cùng chủ sở hữu, doanh nghiệp thành viên ở nhiều tỉnh, thành phố hoặc các doanh nghiệp cùng sản xuất, cung ứng cho các doanh nghiệp lớn, các nhãn hàng, doanh nghiệp xuyên quốc gia đồng loạt cắt giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, nợ lương, cắt giảm chế độ đối với người lao động… để Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo, triển khai các giải pháp thống nhất, đồng bộ nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Bà Trần Thị Diệu Thúy – Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh:
Hỗ trợ tìm việc làm mới cho người lao động
Năm 2023 trước những khó khăn, thách thức của tình hình thế giới sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quan hệ lao động khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước sẽ tiếp tục có những khó khăn, nhất là tại các doanh nghiệp thâm dụng lao động như: Da giày, dệt may, gỗ… sẽ ít đơn hàng, giảm việc là, thậm chí cắt giảm lao động ngay vào thời điểm cuối năm 2022 và cận Tết Nguyên đán năm 2023, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân lao động.
Theo đó, từ cuối tháng 9/2022, LĐLĐ Thành phố đã ban hành Kế hoạch về tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên Công đoàn, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão – 2023 với phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động”.
Tuy nhiên, việc trước mắt và thường xuyên hiện nay là LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các Công đoàn cấp trên cơ sở phải nắm sát địa bàn, nắm tình hình chấm dứt hợp đồng lao động, nhất là nguồn lao động sẽ bị ngưng việc và nhu cầu lao động ở những doanh nghiệp tương đương về ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng. Với những giải pháp như vậy, nên trong số hơn 1.000 lao động Công ty TNHH Tỷ Hùng mất việc vừa qua, sau khi Công đoàn phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các quận, huyện và ban, ngành vào cuộc, đã có hơn 80% lao động tìm được việc làm mới.
Mặc dù lao động đã tìm được việc làm mới, nhưng ý thức được rằng người lao động mất việc thời điểm này rất thiệt thòi vì mất đi khoản lương, thưởng Tết sau 1 năm lao động, do đó, Công đoàn đã chuẩn bị sẵn các phương án hỗ trợ, ưu tiên dành nguồn lực chăm lo Tết cho đối tượng là đoàn viên Công đoàn mất việc, lao động mất việc có hoàn cảnh đặc biệt như đang mang bầu, nuôi con nhỏ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Ngoài nguồn tiền của tổ chức Công đoàn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cũng sẽ dành một khoản kinh phí để ưu tiên chăm lo Tết cho người lao động bị giảm việc, mất việc, có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Vũ Xuân Thủy – Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Ưu tiên các chế độ để “giữ chân” lao động
Đối với ngành Nông nghiệp, vấn đề việc làm, đời sống hiện đang khá cấp bách, nhất là ở các nông lâm trường quốc doanh, những đơn vị nhận khoán trồng, chế biến cà phê, chè, doanh nghiệp chế biến gỗ… Hiện, nhiều đơn vị không xuất được hàng hóa, có đơn vị đến nay mới xuất khẩu được 4% đơn hàng. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng hơn 6.000 lao động của ngành gặp khó khăn về việc làm, đời sống do ảnh hưởng của đơn hàng.
Trước tình hình trên, Công đoàn ngành đã làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp, đưa ra hướng giải quyết cố gắng dịp Tết Nguyên đán đảm bảo chăm lo Tết cho người lao động với mức 1 tháng lương tối thiểu vùng. Trường hợp doanh nghiệp có nguồn, có thể chăm lo thêm cho người lao động, trên tinh thần cố gắng giữ chân lao động lành nghề, đã gắn bó lâu năm với công ty, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.
Song song với đó, Công đoàn ngành sẽ ưu tiên dành nguồn lực chăm lo Tết cho những đoàn viên, người lao động bị giảm việc, mất việc để người lao động vơi bớt khó khăn.
Theo LĐTĐ