07/02/2021 6:16:48

Khuyến khích hiệp hội nghề nghiệp tham gia vào quá trình đổi mới GDNN

“Khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động”.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển thị trường lao động đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Tăng lao động có kỹ năng

Ngày 5/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 176/QĐ-TTg ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030.

Chương trình đặt mục tiêu tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động. Qua đó, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Với mục tiêu tổng quát nêu trên, Chương trình đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó đáng chú ý có mục tiêu về tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.

Xây dựng và cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp. Ảnh minh họa

Cụ thể, Chương trình đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030.

Chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu vào năm 2025 và thuộc nhóm 55 nước đứng đầu vào năm 2030.

Cùng với đó, giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo. Giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%…

Ngoài ra còn các mục tiêu như tạo việc làm tốt hơn cho người lao động; đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động; đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin…

Bồi dưỡng kỹ năng nghề cho sinh viên trước khi tốt nghiệp

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Chương trình đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Bao gồm: Chú trọng đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại; hỗ trợ phát triển cung – cầu lao động; hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm; hỗ trợ kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù; nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.

Xây dựng chính sách thu hút “giữ chân” nhân tài

Để hỗ trợ phát triển cung – cầu lao động, Chương trình đề cập để giải pháp nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút nhân tài. Trong đó chú trọng chính sách về nhà ở, lương thưởng, điều kiện sinh hoạt, làm việc nhằm thu hút, giữ chân các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý có trình độ cao.

Trong đó, đối với nhiệm vụ phát triển cung – cầu lao động, Chương trình đã chú trọng đến việc xây dựng và cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp.

Cùng với đó, xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, ứng dụng khoa học công nghệ số; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho các nhóm lao động đặc thù. Khuyến khích tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số ngắn hạn theo hình thức thường xuyên, linh hoạt cho người lao động.

Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Từ 2026, kết nối chia sẻ dữ liệu lao động với các quốc gia khác

Theo Chương trình, từ năm 2026 Việt Nam sẽ đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động vào quản lý và khai thác sử dụng, kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia khác.

Đến năm 2030, hệ thống thông tin thị trường lao động được hiện đại hóa, dữ liệu được liên thông giữa các vùng trên toàn quốc và mở rộng kết nối với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt tại một số nước là thị trường lao động chính của Việt Nam vào năm 2030.

Hải Yến