06/01/2021 10:01:29

Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam nhiệm kỳ II: Sôi động với nhiều thành tựu quan trọng

Đề xuất, góp ý xây dựng, ban hành chính sách; truyền thông, tập huấn; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế là những hoạt động thành công nổi bật của Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH nhiệm kỳ II.

Tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học, nhà quản lý tâm huyết và dày kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, an sinh xã hội, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam nhiệm kỳ II đứng đầu là bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ghi đậm dấu ấn thành công trên nhiều lĩnh vực hoạt động. Nổi bật là các hoạt động tư vấn, phản biện, đề xuất xây dựng nhiều chính sách an sinh quan trọng.

Hội nghị BCH mở rộng nhiệm kỳ II (8/2020) chúc mừng Chủ tịch Nguyễn Thị Hằng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và bầu PGS.TS Dương Đức Lân giữ chức Chủ tịch Hiệp hội

Đưa tư duy mới, tiếp cận mới vào hoạt động tư vấn, phản biện, tham gia xây dựng chính sách

Theo PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, nhiệm kỳ II của Hiệp hội dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Nguyễn Thị Hằng là nhiệm kỳ  sôi động với nhiều  thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực chuyên môn của Hiệp hội. Trong đó nổi bật các hoạt động:

– Góp ý với Bộ LĐ-TB&XH về việc thay đổi hệ thống tiền lương cho ngưòi lao động tốt nghiệp đi làm từ Hệ 7 bậc sang hệ thống tiền lương theo 3 cấp trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp đối với người lao động làm việc theo hợp đồng (Hệ 12 bậc). Nghiên cứu đề xuất việc trả lương theo giờ, trả lương theo năng lực làm việc, theo trình độ đào tạo của người lao động và theo chứng chỉ Kỹ năng nghề cấp quốc gia. Đổi mới cách tiếp cận trong xây dựng chính sách, xây dựng và ban hành hệ thồng tiền lương phù hợp, tạo thuận lợi trong việc định hướng nghề nghiệp và phân luồng cho học sinh phổ thông, góp phần  tháo gỡ khó khăn trong sử dụng lao động.

– Tham gia xây dựng nội dung liên quan đến giáo dục nghề nghiệp trong đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, tập trung làm rõ vai trò và nhiệm vụ của giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới của đất nước.

– Tham gia góp ý xây dựng  Dự án  Luật GDNN (trước đó là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề) và  tham gia góp ý xây dựng các văn bản pháp luật triển khai  Luật GDNN ( Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 48/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật GDNN, Điều lệ trường cao đẳng, trường trung cấp…); tham gia góp ý xây dựng đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến ăm 2025…trong đó đóng góp của Hiệp hội  tập trung vào các nội dung: Đổi mới cơ cấu hệ thống GDNN, đề xuất xây dựng cơ chế – chính sách phát triển GDNN, tổ chức quá trình đào tạo và đánh giá kết quả, kiểm định chất lượng (cơ sở GDNN và chương trình đào tạo); chính sách đối với doanh nghiệp trong tham gia hoạt động GDNN; xã hội hóa GDNN; quản lý nhà nước về GDNN; về chính sách với người học nghề, xóa bỏ rào cản về tuyển dụng đối với người học nghề…Khẳng định  giao quản lý nhà nước về GDNN cho Bộ LĐTB&XH là khách quan, phù hợp với chức năng và lĩnh vực hoạt động của Bộ…

TS Phan Chính Thức – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội – người chủ trì đề dẫn nhiều hội thảo tham vấn chính sách do Hiệp hội tổ chức.

– Góp ý dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Một số giải pháp trọng tâm phát triển nhân lực có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới”; Đang tích cực tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030…

 Ngoài lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Hiệp hội còn tích cực tham gia đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc, thẩm định Luật giáo dục; góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, chương trình trong các lĩnh vực việc làm, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, công tác xã hội, xuất khẩu lao động…, như: Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Trẻ em; đóng góp ý kiến vào Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi 2021-2030, Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021- 2030, Định hướng xây dựng Luật công tác xã hội, dự thảo Nghị định về chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội (Nghị định 136) ; Nghị định quy định chi tiết  thành lập, tổ chức hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội (Nghị định 103); Thông tư quy định định mức kinh tế – kỹ thuật và khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội; Thông tư hướng dẫn quy trình chăm sóc nhận nuôi trẻ em;  Góp ý sửa đổi Bộ Luật lao động (các nội dung liên quan đến đào tạo kỹ năng cho người lao động, sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc; dự thảo Nghị định “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia”, Thông tư “Quy định về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, cấp và quản lý việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia” và  “Hướng dẫn xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn  kỹ năng nghề quốc gia”….

Truyền thông và các hoạt động tập huấn 

Truyền thông và các hoạt động tập huấn là hoạt động quan trọng của Hiệp hội nhằm phổ biến chủ trương chính sách tới hội viên, người lao động và học sinh sinh viên cả nước.

 Hiện Hiệp hội có 3 kênh truyền thông gồm: Trang tin điện từ của Hiệp hội, tên truy cập VAVET.VN; Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống bản in và đặc biệt là Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống bản điện tử (tên truy cập nghenghiepcuocsong.vn) được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động từ tháng 10 năm 2019.

Trong nhiệm kỳ qua công tác truyền thông, tập huấn của Hiệp hội đã phối chặt chẽ  với Bộ LĐ -TB&XH và các đơn vị trong Bộ như Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục QLLĐ ngoài nước, Cục An toàn lao động, tập trung tuyên truyền, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, dạy nghề, học nghề, lập nghiệp; Tuyên truyền công tác hướng nghiệp, tuyển sinh giúp phụ huynh,  học sinh và xã hội thay đổi nhận thức về học nghề – việc làm và lập nghiệp, thông qua đó giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hội viên của Hiệp hội tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Các thí sinh là HSSV các cơ sở GDNN hội viên Hiệp hội giành giải cao tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 vừa qua.

Đặc biệt Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống điện tử đã mởi nhiều chuyên mục mới tuyên truyền, tôn vinh gương học sinh học nghề đoạt giải trong các Kỳ thi Tay nghề quốc gia, Khu vực Asean và Thế giới; nhân rộng câu chuyện thành công của những tấm gương học nghề trên con đường lập nghiệp để trở thành  những người suất sắc trong xã hội. Thông qua đó lan tỏa những giá trị đích thực của học nghề, giỏi nghề, yêu nghề để xây dựng một tương lai vững chắc cho mỗi cá nhân, nhất là những người trẻ tuổi.

Tuyên truyền gợi mở những thách thức mới, đòi hỏi mới trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng CN 4.0. Các mô hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số.

Công tác nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn

Trong nhiệm kỳ qua Hiệp hội đã đề xuất và được giao thực hiện 11 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, gồm:  “Đánh giá vai trò của các Hội nghề nghiệp trong việc nâng cao chất lượng dạy nghề ở Việt Nam” ; “Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ xã hội và nhân viên công tác xã hội”;  “Đánh giá thực trạng đời sống người nghỉ hưu, giải pháp cung cấp các dịch vụ xã hội nhằm cải thiện đời sống vật chất tinh thần người nghỉ hưu”; “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cán bộ quản lý nhà nước về dạy nghề”; “Quản lý đào tạo theo phương thức tích luỹ mô-dun, tín chỉ trong giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam”; “Nghiên cứu Mô hình tự chủ trong đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề”; “Giải pháp mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên học nghề”; “Vai trò của các Hội đoàn thể trong việc tham gia hỗ trợ người lao động tham gia BHXH”; “Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về CTXH”;  “Nghiên cứu các giải pháp hợp tác công tư hiệu quả trong GDNN ở Việt Nam”; “Nghiên cứu các mô hình GDNN tại doanh nghiệp”…

Các đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng; kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng vào thực tiễn và nâng cao năng lực nghiên cứu của Hội viên.

Tham gia góp ý xây dựng Chương trình khung trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề cho các nghề: Giúp việc gia đình; trình độ TCN cho nghề Nghiệp vụ bán hàng; trình độ CĐN cho nghề Quản trị bán hàng. ; tham gia xây dựng “Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu năng lực người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ cao đẳng và trung cấp” (Chuẩn đầu ra) cho 11 nghề: Marketing thương mại, Điều dưỡng, Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, Công tác xã hội, Xử lý chất thải trong công nghiệp đóng tàu, Điện tàu thuỷ, Công nghệ điện tử truyền thông, Lắp đặt và bảo trì hệ thống năng lượng tái tạo, Vận hành thiết bị sàng tuyển quặng kim loại, Lặn thi công và Lặn khảo sát, nghiên cứu…..

Đánh giá cao những đóng góp của Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam nhiệm kỳ II, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết “Với sự  đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý nhiều kinh nghiệm, các nhà khoa học uy tín, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội, hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ vừa qua đã đạt nhiều kết quả ấn tượng, chất lượng. Hiệp hội GDNN và Nghề CTXHVN đã phát huy hết vai trò, nhiệm vụ, chức năng của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, một tổ chức hoạt động chuyên môn uy tín và chất lượng.

Phương Minh