“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm thay đổi sâu sắc đến nhiều khía cạnh của quá trình phát triển giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Các thành tựu của khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi phương diện, công cụ, phương thức tương tác trong dạy học nhưng không có loại máy móc, phương thức gián tiếp nào có thể thay thế được vai trò của người thầy.
Trong thời đại sáng tạo tri thức, vai trò của người thầy càng trở nên quan trọng để phát triển năng lực người học, dẫn dắt định hướng nghề nghiệp, kết nối người học và doanh nghiệp… Dù trong bối cảnh nào, người thầy cũng đóng vai trò quan trọng, quyết định đối với việc phát triển sự nghiệp GDNN, trước hết là đảm bảo chất lượng đào tạo nghề nghiệp”.
Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với PV Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống về vai trò của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhân kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2020).
– PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của đội ngũ nhà giáo trong những thành tựu tích cực của GDNN những năm qua?
+ Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Những năm qua, cùng với những thành tựu trong lĩnh vực an sinh xã hội và sự đổi mới của nền giáo dục nước ta, hệ thống GDNN đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, công tác đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Qua đó từng bước khẳng định vai trò và vị thế trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Góp phần làm nên những thành công của GDNN có vai trò quan trọng của đội ngũ các thầy cô giáo. Đây là đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác giảng dạy, phát triển nhân lực lao động trực tiếp cho quốc gia. Các thầy giáo, cô giáo luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết lòng vì học sinh, sinh viên; là những tấm gương tiêu biểu về “Thực tâm, thực tài, thực nghề”, “Gương mẫu, sáng tạo, đổi mới”, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần quan trọng đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng
Với nhận thức về vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định phát triển đội ngũ giáo viên là khâu then chốt để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nên giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Triển khai Nghị quyết của Đảng, chúng ta đã quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở GDNN đáp ứng đủ về số lượng, vững về chất lượng, có khả năng hòa nhập và phát triển tinh thần cộng đồng, thực sự là đội ngũ cốt cán trong công tác GDNN.
Chất lượng nhà giáo GDNN từng bước được nâng lên cả về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề và năng lực sư phạm. Hầu hết nhà giáo có phẩm chất, đạo đức tốt, tận tụy với sự nghiệp GDNN. Hàng nghìn nhà giáo được công nhận nhà giáo dạy giỏi các cấp, trong đó, nhiều nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và các giải thưởng cao quý khác,…
– PV: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi sâu sắc đến nhiều khía cạnh của quá trình phát triển giáo dục nghề nghiệp, vai trò và sứ mệnh của người thầy sẽ thay đổi như thế nào thưa Thứ trưởng?
+ Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Trong bối cảnh nào, người thầy cũng đóng vai trò quan trọng, quyết định đến việc đảm bảo chất lượng GDNN. Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, người thầy không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ trực tiếp truyền thụ kiến thức mà còn giữ vai trò là cầu nối, định hướng, là một kênh thông tin quan trọng giúp người học được cung cấp, gia tăng thêm những kiến thức, kỹ năng nghề trên nền tảng số hóa.
Người thầy cũng giữ vai trò là người hướng dẫn cho học sinh, sinh viên phương pháp tự học, tự bổ sung, hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp cũng như phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập. Đồng thời, người thầy là nhân tố góp phần quan trọng vào việc xây dựng văn hóa nghề và cao hơn là lan tỏa tình yêu nghề, sự say mê, cống hiến đối với nghề nghiệp cho các thế hệ học trò.
Mặt khác, sự biến đổi mạnh mẽ của kỷ nguyên công nghiệp thông minh và công nghệ hiện đại cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với việc đổi mới phương thức dạy và học để thích ứng với những đòi hỏi của thời đại mới. GDNN phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản, đồng thời phải phát huy được tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với cả thách thức và yêu cầu liên tục đổi mới trong công việc.
Điều này đặt ra những yêu cầu cao hơn với đội ngũ nhà giáo như trình độ kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào quá trình dạy học; năng lực sư phạm, năng lực phát triển chương trình, tài liệu đào tạo,… để khẳng định vai trò quan trọng của người thầy trong việc phát triển năng lực người học, dẫn dắt định hướng nghề nghiệp và kết nối người học với doanh nghiệp.
Trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN giai đoạn mới, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở GDNN đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo và phải được đặt lên hàng đầu với tư duy xuyên suốt muốn trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Theo đó, cần phải tập trung đổi mới một cách toàn diện từ việc đổi mới chương trình, tài liệu bồi dưỡng nhà giáo; đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chuyên gia của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo đến công tác quản lý, sử dụng đội ngũ nhà giáo.
– PV: Nhà nước đã có những chế độ, chính sách nào để nhà giáo yên tâm công tác cũng như thu hút những nhà giáo có trình độ cao tham gia đào tạo GDNN, thưa Thứ trưởng?
+ Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Phát triển GDNN, phát triển đội ngũ nhà giáo không chỉ đơn thuần là giáo dục để trang bị những kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp cho người học. Đằng sau đó là vấn đề kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của mỗi quốc gia. Do đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo công tác trong lĩnh vực GDNN.
Hiện nay, ngoài các chế độ, chính sách, phụ cấp chung đối với nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhà giáo GDNN còn được hưởng Chế độ phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành; phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm công việc đối với nhà giáo dạy nghề cho người khuyết tật; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo dạy thực hành…
Nhà giáo GDNN hiện tại đã có mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp riêng. Được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với nhà giáo GDNN theo đúng theo vị trí việc làm. Được thi hoặc xét hăng chức danh nghề nghiệp để đảm bảo quyền lợi, ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhà giáo.
Tuy nhiên, để hình thành đội ngũ nhà giáo GDNN có đầy đủ trình độ, phẩm chất, kỹ năng nghề, có khả năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống, phục vụ sự phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng xu thế hội nhập, tôi cho rằng cần thiết có những chính sách thu hút, đãi ngộ tốt hơn; huy động thêm nhiều nguồn lực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Ngày 04 tháng 10 hằng năm trở thành “Ngày kỹ năng lao động Việt Nam” nhằm tôn vinh và nâng cao vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng. Đây vừa là động lực, vừa là cơ sở quan trọng để hệ thống GDNN tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, vững về chất lượng và thu hút được những người có trình độ, tay nghề cao vào GDNN.
Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ xây dựng Thông tư quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của người đào tạo tại doanh nghiệp theo hướng thuận lợi nhằm thu hút những người có trình độ, tay nghề cao của các doanh nghiệp tham gia vào GDNN.
Với truyền thống “dạy tốt, học tốt”, sự quan tâm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đoàn thể và xã hội cùng những chính sách đãi ngộ, thu hút, tôi tin tưởng rằng, đội ngũ nhà giáo GDNN sẽ giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, lòng đam mê nghề nghiệp, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp GDNN. Các thầy cô sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo, gắn với nghiên cứu khoa học, tạo ra nhiều hơn nữa nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.
– PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng về nội dung cuộc trao đổi này!
Hồng Sơn – Hải An (thực hiện)