Kinh tế khó khăn, thị trường sụt giảm khiến đại đa số các doanh nghiệp phải cắt giảm, thu nhỏ quy mô và siết nhu cầu tuyển dụng nhân sự mới. Có tới 10 lĩnh vực và ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng giảm sút, từ du lịch, nhà hàng, khách sạn; dệt may, da giày; xây dựng, bất động sản; thu mua, vật tư, cung vận; vận tải, logistics; xuất nhập khẩu; marketing…, theo báo cáo của Navigos Group.
Navigos Group – Tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam vừa công bố báo cáo toàn cảnh về nhu cầu tuyển dụng 4 tháng đầu năm 2023 khi so sánh với cùng kỳ đang bình ổn trước dịch COVID-19 (năm 2019) và 4 tháng đầu năm 2022 (sau COVID-19).
Theo báo cáo này, so với thời điểm thị trường ổn định trước dịch, nhu cầu tuyển dụng lao động trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 18%. Cá biệt, lĩnh vực giảm sâu nhất ghi nhận mức giảm lên đến 43%.
Trong đó, những lĩnh vực trọng điểm như du lịch, nhà hàng & khách sạn; dệt may và da giày; hay xây dựng & bất động sản; thậm chí là công nghệ thông tin và một số ngành khác… đều chứng kiến sụt giảm nhu cầu rõ rệt về nhu cầu tuyển dụng.
Về tổng thể, nhu cầu tuyển dụng của các ngành trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 18% so với thời điểm trước dịch và giảm trung bình 16% so với thời điểm phục hồi sau dịch (năm 2022).
Có tới 10 lĩnh vực và ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng giảm sút gồm: Du lịch, nhà hàng, khách sạn; dệt may, da giày; xây dựng, bất động sản; thu mua, vật tư, cung vận; vận tải, logistics; xuất nhập khẩu; marketing; pháp lý, hành chính; bán hàng chăm sóc khách hàng. Đáng chú ý, ngay cả ngành công nghệ thông tin – lĩnh vực rất được kỳ vọng cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Trong đó, du lịch, nhà hàng, khách sạn được xem là lĩnh vực chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đại dịch COVID-19. Năm 2023, dưới tác động tiếp tục của suy thoái kinh tế, nhu cầu tuyển dụng ngành này dù vẫn giảm những đã được cải thiện, cụ thể là đang từ giảm từ 55% ở năm 2022 thì 2023 giảm còn 43%.
Với ngành dệt may, da giày, số liệu cho thấy dù đang trên đà phục hồi chung của thị trường sau dịch, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động của ngành năm 2023 vẫn còn thua kém so với mức thời điểm thị trường bình ổn với chênh lệch là 18%.
Nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành xây dựng, bất động sản đối mặt với tình trạng sụt giảm đáng kể lên đến 34% vào đầu năm 2023, đến từ tác động việc thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp từ cuối quý 2 năm 2022.
Lĩnh vực thu mua, vật tư, cung vận lại cũng ghi nhận giảm sút 25% về nhu cầu so với thời điểm được xem là bình ổn của thị trường vào năm 2019. Hay lĩnh vực vận tải, logistics cũng có mức sụt giảm lên 22% về nhu cầu tuyển dụng.
Nhóm ngành pháp lý, hành chính thì có sự giảm sút đáng kể về nhu cầu tuyển dụng, lên đến 31%. Ngành nghề marketing có nhu cầu tuyển dụng sụt giảm là 28% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch COVID-19. Trong khi đó, ngành bán hàng, chăm sóc khách hàng thì ghi nhận sự giảm sút 23%.
Như trên, công nghệ thông tin – lĩnh vực thường được xem là xu hướng của toàn thế giới, dẫn đến nhu cầu về lao động lớn nhưng theo Navigos cũng có mức sụt giảm 20% về tuyển dụng so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch COVID-19.
Hai nhóm ngành hiếm hoi có sự tăng trưởng
Theo Navigos Group, trong những tháng đầu năm 2023, chỉ có hai lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng tăng trưởng so với thời điểm bình ổn trước dịch COVID-19 là nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính và hàng tiêu dùng.
Trong đó, nhu cầu tuyển dụng ngân hàng, dịch vụ tài chính tăng trưởng 25% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch COVID-19 và hàng tiêu dùng tăng 17%.
Đáng chú ý, bên cạnh xu hướng tăng giảm của các lĩnh vực khác qua các năm, thì lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và bán lẻ, bán buôn lại có nhu cầu tuyển dụng ổn định, gần như không có nhiều thay đổi.
Nhóm nghiên cứ của Navigos Group nhận định sau 4 tháng đầu năm, vẫn chưa có tín hiệu tích cực nào về tình hình thị trường quốc tế, kinh tế trong và ngoài nước được ghi nhận. Năm tài chính mới đã bắt đầu nhưng các doanh nghiệp vẫn “án binh bất động” trong trạng thái chờ và nghe ngóng thị trường khi lo ngại về kinh tế thế giới kém khả quan trong năm nay.
Navigos dự báo, cho đến khi nền kinh thế giới chạm đáy và phục hồi trở lại, các doanh nghiệp vẫn sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí để bảo toàn nhân sự hoặc có thể thắt chặt thêm nếu tình hình trở nên tệ hơn.
Tuấn Việt