Khép lại cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Startup Kite CECAC 2024 do Trường CĐ Cơ điện – Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ (Bình Định) tổ chức, giải Nhất đã chính thức được trao về cho dự án “Nước rửa tay thảo dược S-Care” của nhóm tác giả Đào Lệ Quyên (Sinh viên khoa Nông Lâm Nghiệp).
Các giải còn lại gồm 01 giải Nhì trao cho dự án “Nâng cao giá trị cây nấm rơm thông qua chế biến theo công nghệ hấp thanh trùng” của tác giả Lê Công Hậu (Sinh viên khoa Nông Lâm Nghiệp) và 01 giải Ba cho dự án “Sản phẩm Đông phương tam bảo” của tác giả Bùi Văn Khanh (Sinh viên khoa Nông Lâm Nghiệp).
Được phát động từ tháng 01/2024 đến nay, Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Startup Kite CECAC 2024 của Trường Cao đẳng (CĐ) Cơ điện – Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ đã nhận gần 30 hồ sơ đăng ký tham gia từ các em học sinh, sinh viên.
Qua đánh giá, chấm điểm tại vòng sơ khảo, bán kết, Ban tổ chức đã lựa chọn ra được 07 ý tưởng, dự án xuất sắc nhất đến từ rất nhiều nhóm lĩnh vực như: Nông nghiệp, sản xuất, thực phẩm cho đến công nghiệp, tự động hóa và đặc biệt có cả những dự án startup phần mềm ứng dụng, AI… để tham dự Vòng chung kết vừa diễn ra vào chiều ngày 14/8/2024.
Tại cuộc thi, Ths.Vũ Xuân Phong – Phó hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện – Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ đã nhấn mạnh: “Giá trị của cuộc thi khởi nghiệp này không chỉ nằm ở giải thưởng mà còn ở hành trình quý báu mà các em học sinh, sinh viên được trải qua cùng thầy cô cố vấn và đồng đội. Các em đã nỗ lực, vượt khỏi vùng an toàn và mạnh mẽ vươn lên từ thất bại. Tôi tin rằng, cuộc thi là nơi mang lại cho các bạn trẻ sự tự tin – nguồn sức mạnh giúp các em dám nghĩ, dám làm và dám mang những ý tưởng sáng tạo góp sức xây dựng cộng đồng”.
Được biết, đây là cuộc thi thường niên được Trường CĐ Cơ điện – Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ tổ chức nhằm thực hiện đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ với mục đích nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Đồng thời cũng mở ra cơ hội tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên có tính khả thi cao.
Sau 3 lần tổ chức, Startup Kite CECAC đã thu hút gần 200 người tham dự với hơn 60 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đến từ học sinh, sinh viên. Trong đó, khoảng 60% các dự án đã có sản phẩm và 40% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử.
Tiếp nối thành công từ các cuộc thi trước, hầu hết các dự án, ý tưởng lọt vào vòng chung kết Startup Kite CECAC đều có sự đổi mới sáng tạo, là những mô hình kinh doanh mới, có tăng trưởng cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Trước Ban giám khảo và đông đảo sinh viên theo dõi, các đội thi có những bài thuyết trình bài bản, tự tin và giàu niềm đam mê với những ý tưởng khởi nghiệp.
Cụ thể như dự án HomeEnergry AI – “Ứng dụng Công nghệ AI và Big Data trong Kiểm soát Điện Sử dụng trong Hộ Gia đình” của nhóm tác giả Trần Việt Hợp. Đây là một dự án tiên phong ứng dụng công nghệ AI và Big Data để giám sát và tối ưu hóa việc sử dụng điện trong các hộ gia đình. Mục tiêu chính của dự án là giúp các gia đình giảm chi phí điện năng hàng tháng, nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng bền vững và góp phần bảo vệ môi trường.
Hay như các dự án “Nâng cao giá trị cây nấm rơm thông qua chế biến theo công nghệ hấp thanh trùng” với Ứng dụng công nghệ hấp thanh trùng để chế biến ra sản phẩm Nấm rơm hấp với nguyên liệu chế biến từ 100% nấm rơm tươi, được trồng và sản xuất tại Trường CĐ Cơ điện – Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ; dự án “Mô hình khởi nghiệp chăn nuôi heo rùng lai”; dự án “Nuôi gà H’Mông kết hợp trồng cây ăn quả theo hướng nông nghiệp tuần hoàn”; dự án “Sản phẩm Đông phương tam bảo” (Sản phẩm Đông trùng hạ thảo nuôi cấy kết hợp tổ Yến – Dầu mè) , dự án “Nước rửa tay thảo dược S-Care”… với ưu điểm không cần nhiều vốn, có tính khả thi và dễ kiếm thu nhập đã được Ban giám khảo cuộc thi đánh giá rất cao.
Theo Ban tổ chức, ngoài các giải thưởng nhận được, sinh viên tham gia cuộc thi còn được tập huấn các kiến thức chuyên môn, tiếp xúc doanh nghiệp, giúp dự án phát triển và hoàn thiện, rèn luyện kỹ năng, kết nối với các doanh nhân nổi tiếng, mang tới cơ hội hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của bản thân trong tương lai.
Uyển Nhi – Tấn Bình