14/04/2022 11:24:10

Xúc tiến đầu tư huyện Hóc Môn và Củ Chi: Đánh thức “con rồng” phía Tây Bắc TP. HCM

Từ đầu tháng 4/2022, TP.HCM đang kêu gọi đầu tư vào các khu đô thị mới ở phía Tây gồm huyện Củ Chi và Hóc Môn – được kỳ vọng tạo lên khu đô thị sinh thái và hiện đại bậc nhất khu vực.

Với phương châm mến khách, tôn trọng và thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh bạn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước đến đầu tư. Đặc biệt là trong các lĩnh vực: nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; thương mại, dịch vụ và du lịch,…

Định hướng Hóc Môn và Củ Chi thành khu đô thị sinh thái, công nghiệp công nghệ cao

Hồ Chí Minh – một đô thị đặc biệt là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Thành phố (TP) luôn tự hào là đầu tàu quan trọng của cả nước, có sức thu hút và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, là nền kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam và vị trí chính trị quan trọng của cả nước. TP luôn tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và mang trong mình khát vọng xây dựng TP thành nơi đáng sống, là hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước.

Thành phố phấn đấu đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ công nghiệp theo hướng hiện đại. Tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành trung tâm kinh tế và tài chính của châu Á, phát triển bền vững có chất lượng cuộc sống cao, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu. Để thực hiện được những mục tiêu là cả một sự đồng hành của chính quyền và xã hội, TP.HCM kêu gọi đầu tư vào các khu đô thị mới trong đó khu đô thị phía Tây gồm huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn được kỳ vọng đón nhận sự đầu tư để tạo lên khu đô thị sinh thái, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bậc nhất khu vực – Đánh thức “con rồng Tây Bắc” thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trong định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu phía Bắc – Tây Bắc là một trong những hướng phát triển chủ đạo của TP.

Ngày 12/4 vừa qua, Hội nghị xúc tiến đầu tư Hóc Môn – Củ Chi 2022 diễn ra, hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham dự, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào khu vực này.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá huyện Hóc Môn và Củ Chi là địa phương có nhiều lợi thế phát triển. Quy mô dân số của hai huyện tương đương với TP Đà Nẵng. Tuy nhiên dù TP.HCM phát triển năng động, đóng góp 1/3 ngân sách cả nước nhưng hai huyện vẫn phát triển ở mức thấp. Ví dụ huyện Củ Chi thu ngân sách chỉ trên 1.000 tỉ, trong khi cũng quy mô dân số ấy, TP Đà Nẵng thu hàng chục ngàn tỉ mỗi năm.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện lần này có 3 ý nghĩa quan trọng. Đó là thực hiện kế hoạch hành động của TP; thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội với cử tri TP và hai huyện trước khi ứng cử; tạo cơ hội cho các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện sứ mệnh cam kết đồng hành, thi đua thực hiện chiến lược phục hồi phát triển kinh tế TP. “Thông điệp của lần xúc tiến đầu tư này là nói phải làm, hứa phải giữ lời, làm thì làm đến nơi đến chốn”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Chấm dứt tình trạng phố không ra phố, làng không ra làng

Huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi có tổng diện tích khoảng 544 ha, chiếm gần trọn phần diện tích phía Bắc – Tây Bắc, kết nối TPHCM với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương) của các tỉnh cả miền Tây và Đông Nam Bộ.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đáp ứng nhu cầu phát triển của TP, huyện Hóc Môn và Củ Chi cần phải định hướng mở rộng phạm vi đô thị hóa theo một lộ trình bền vững, ổn định và hướng đến phát triển lên quận hoặc TP thuộc TP.HCM. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch chung cần dành diện tích đất thỏa đáng cho nông nghiệp và du lịch sinh thái, hướng đến phát triển Củ Chi thành vành đai xanh của TP.HCM. Không để tình trạng đô thị hóa tự phát, xây cất tự phát “phố không ra phố, làng không ra làng”. Giữ hành lang ven sông, đặc biệt là hành lang ven sông Sài Gòn. Đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông, tuyến đường bộ, tuyến cao tốc TPHCM – Tây Ninh và các tuyến đường sông, các tuyến xe buýt kết nối các địa điểm tham quan, du lịch. Kinh tế phát triển sẽ góp phần đổi mới đời sống người dân 2 huyện, nâng cao trình độ, dân trí, đáp ứng nhu cầu việc làm, ổn định và đảm bảo trật tự an ninh xã hội,…

Huyện Củ Chi và Hóc Môn là nơi có không gian văn hóa đặc trưng, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, tiến đến có những bước đô thị hóa mạnh mẽ, trở thành TP, quận mới thuộc TP.HCM theo lộ trình hợp lý. Đầu tư phát triển hai địa bàn này rất cần thiết và có nhiều triển vọng, đó là đánh thức đúng lúc tiềm năng của khu vực phía bắc TP vốn dĩ như một “của để dành”. Việc phát triển Củ Chi và Hóc Môn sắp tới không chỉ riêng cho Củ Chi và Hóc Môn, mà còn phát triển cho cả TP và khu vực phía Nam.

Cơ hội đầu tư phát triển của doanh nghiệp trong và ngoài nước

Vừa qua, TPHCM đã mời gọi đầu tư cho 48 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến là 9,415 tỷ USD (tương đương hơn 216 nghìn tỷ đồng). Trong đó có 12 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông – kỹ thuật có tổng vốn đầu tư mời gọi lên tới 9,302 tỷ USD. Các dự án giao thông này gồm giao thông đường thủy, đường nội đô, xử lý rác thải, giảm ngập nước.

Ngoài ra, TP cũng mời gọi đầu tư đối với 12 dự án chỉnh trang đô thị với tổng vốn 33 triệu USD, 3 dự án công nghiệp, 15 dự án nông nghiệp, 2 dự án thương mại – dịch vụ và 4 dự án giáo dục – văn hóa – thể thao.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Hóc Môn – Củ Chi năm 2022 vừa qua, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM, đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 10 nhà đầu tư vào 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng mức vốn gần 430 triệu USD (hơn 8.4000 tỷ đồng), đồng thời trao bản ghi nhớ đầu tư cho 31 nhà đầu tư với tổng số vốn gần 16,2 tỷ USD (hơn 370.000 tỷ đồng).

Quang Trung