Sáng ngày 01/03/2024, Văn phòng đại diện Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và nghề Công tác Xã hội Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Cao đẳng Đà Lạt; Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở; Đại diện Google tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi số trong nhà trường và các giải pháp xây dựng công cụ đánh giá năng lực số” với mục đích: Gợi ý một số vấn đề cơ bản về xây dựng trường học số, cách xây dựng khung năng lực số phù hợp với một số nhóm đối tượng trong xã hội, công cụ đánh giá các năng lực số, cũng như các khía cạnh đặc thù của Giáo dục và Đào tạo Nghề trong các khung đó.
Chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng không thể tránh trong thế giới ngày nay, và giáo dục không phải là ngoại lệ. Trong thời đại của công nghệ số, chúng ta đối mặt với cơ hội và thách thức mới khi áp dụng chuyển đổi số trong các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam. Chúng ta đang chứng kiến những biến đổi mạnh mẽ trong cách chúng ta học và dạy học. Những thay đổi về cách dạy học và quản lý trường học yêu cầu sự thay đổi tư duy, quy trình và cơ cấu tổ chức.
Công nghệ số đang thúc đẩy sự tiến bộ và đổi mới trong giáo dục, mang đến những cơ hội học tập phong phú, phân phối tri thức một cách toàn diện và mở ra những cánh cửa mới cho học sinh và sinh viên. Chúng ta cần tìm hiểu cách tận dụng công nghệ số để cải thiện chất lượng giảng dạy, nâng cao hiệu quả học tập và tạo ra môi trường học tập thân thiện với công nghệ.
Tại tọa đàm TS. Lê Trung Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, đào tạo và phát triển tài nguyên giáo dục mở trình bày tham luận chuyên đề “Chuyển đổi số giáo dục Việt Nam: năng lực số, văn hóa số và tính mở là điều kiện tiên quyết để thành công”. Theo TS. Lê Trung Nghĩa, năng lực số, văn hóa số và tính mở là các điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số trong giáo dục. Trong đó, văn hóa số là rào cản lớn nhất đối với chuyển đổi số. Nhà nước có thể xúc tác cho 4 trụ cột văn hóa số (cộng tác, dữ liệu dẫn dắt, lấy khách hàng làm trung tâm, đổi mới sáng tạo) để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Tiếp theo, TS Nghĩa đưa ra các tham luận đặc biệt được quan tâm trong chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay như: “Giới thiệu các khung năng lực số và gợi ý cách xây dựng công cụ đánh giá năng lực số” (DOI: 10.5281/zenodo.7980046😉 và “Khung năng lực Tài nguyên Giáo dục Mở cho giảng viên và gợi ý xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở” (DOI: 10.5281/zenodo.10512192).
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận với nhiều nội dung sát thực, cụ thể về công tác chuyển đổi số tại các trường đào tạo nghề. Tọa đàm “Chuyển đổi số trong nhà trường và các giải pháp xây dựng công cụ đánh giá năng lực số” thực sự là cơ hội để các đại biểu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để đạt được những thành quả như mong đợi trong tương lai.
Quang Trung