27/03/2022 12:04:30

Xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới

Đây là chủ đề Hội thảo khoa học do Hiệp hội các trường Cao đẳng, Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật (ATEC) tổ chức tại Đà Lạt hôm thứ 6 vừa qua. Tại đây, các chuyên gia, các nhà khoa học đã trình bày về các đề án, đề cương, một số giải pháp xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), phát triển bền vững hệ sinh thái, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề tại các trường cao đẳng trong đại dịch Covid 19 bằng giải pháp chuyển đổi số…

Toàn cảnh của Hội thảo

Phát triển văn hóa học đường kết nối phát triển cơ sở GDNN

Đây là mục tiêu mà Hiệp hội ATEC đang hướng tới nhằm lan tỏa giá trị văn hóa học đường phát huy tiềm năng, lợi thế, đồng hành, hội nhập. Theo ông Trần Công Chánh – Chủ tịch Hiệp hội ATEC, chương trình mục tiêu chiến lược sẽ cụ thể và xác định 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bao gồm: Giải pháp về phát triển văn hóa học đường cơ sở GDNN thành viên Hiệp hội ATEC, trong đó có những biện pháp như xây dựng văn hóa cảnh quang môi trường cơ sở GDNN, xây dựng văn hóa tổ chức cơ sở GDNN, xây dựng văn hóa giao tiếp -ứng xử cơ sở GDNN; Giải pháp truyền thông kết nối lan tỏa giá trị văn hóa học đường đến các cơ sở GDNN thành viên Hiệp hội cũng được đưa vào là một trong những giải pháp quan trọng nhằm định hướng, lan tỏa, đưa giá trị văn hóa học đường đến cơ sở GDNN; nhiệm vụ không kém phần quan trọng thứ ba là nhiệm vụ giải pháp kiến tạo mô hình văn hóa tổ chức, xây dựng ngôi nhà chung ATEC chia sẻ – đồng thuận, hợp tác – phát triển.

Ông Trần Công Chánh – Chủ tịch Hiệp hội ATEC phát biểu tại hội thảo

Điều kiện để đảm bảo thực hiện được mục tiêu này sẽ là đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà giáo có uy tín là thành viên của Hiệp hội sẽ là những hạt nhân, đầu tàu dẫn đầu quy tụ, tập hợp các đơn vị và cá nhân tham gia thực hiện. Luôn phát huy các hoạt động có sắc thái văn hóa ATEC, hình thành những quy tắc ứng xử gắn kết trách nhiệm chia sẻ – đồng thuận, hợp tác – phát triển.

Khởi nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Theo Nghị Quyết số 52 ban hành vào tháng 09/2019 về một số chủ trương, chính sách để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra mục tiêu thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trong đó nhấn mạnh đến tinh thần chủ động thực sự là động lực phát triển kinh tế – xã hội. Mặc dù, gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 nhưng tinh thần khởi nghiệp, chủ động đổi mới sáng tạo vẫn phát huy tạo động lực tăng trưởng. Các doanh nghiệp cũng đã đóng góp trung bình từ 2% đến 3% tổng thu nhập quốc nội và giá trị cốt lõi vẫn là con người sẽ mang lại cơ hội và giá trị cho nền kinh tế đất nước.

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. HCM phát biểu tại Hội nghị thông qua nền tảng trực tuyến

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. HCM, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế chia sẻ, cần phải hiểu khởi nghiệp là như thế nào và đâu là các yếu tố cần thiết, cần phân biệt giữa khởi nghiệp và lập nghiệp. Để khởi nghiệp bạn cần phải chú ý những vấn đề chính như : phải giỏi một nghề, am hiểu và đam mê hoạt động kinh doanh, hiểu rõ sở trường bản thân, am hiểu công nghệ, chấp nhận rủi ro, dám đối đầu với khó khăn, nắm rõ mục tiêu mình đang vươn tới…

Hiện nay, ngay khi còn ngồi ghế nhà trường, nhiều học sinh, sinh viên của các trường đã tham gia kinh doanh trong nhiều lĩnh vực đa phần thuộc các hoạt động ứng dụng và sáng kiến trong các ngành công nghiệp, kinh doanh dịch vụ cung ứng và ngành công nghệ nông nghiệp – thủy – hải sản với những phương thức kinh doanh đa dạng.

Tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp nhằm tìm kiếm những ý tưởng mang tính khả thi thúc đẩy việc sẵn sàng đầu tư vốn, chuyên gia để hỗ trợ người khởi nghiệp từ nhiều tổ chức công nghệ trong và ngoài nước. Giá trị cuối cùng của khởi nghiệp không chỉ là thành công tài chính mà còn là giá trị về tính nhân bản. Chính vì vậy, trong quá trình học nghề, từng sinh viên, học sinh phải tích cực chủ động học tập, rèn luyện kỹ năng, không ngại khó, ngại khổ, thử sức mình từ những việc nhỏ rồi sẽ thành công.

Ông Lê Trung Nghĩa – Chuyên gia tài nguyên giáo dục mở

Xây dựng chiến lược phát triển GDNN trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh việc định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh đăng ký các khóa đào tạo GDNN còn thấp, việc phát triển GDNN cần phải nâng cao hơn về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, đổi mới phương thức đào tạo, nhân rộng mô hình đào tạo liên kết nhà trường và doanh nghiệp trong đó doanh nghiệp trực tiếp cùng cơ sở GDNN xây dựng, triển khai quá trình đào tạo. Gắn kết chặt chẽ GDNN với thị trường lao động, tăng cường gắn kết trong việc tổ chức hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp hoặc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Triển khai mạng xã hội GDNN có sự kiểm soát và định hướng thống nhất tạo môi trường kết nối số giữa cơ quan quản lý, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở GDNN, gia đình, nhà giáo, người học, hình thành mạng xã hội GDNN mở của Việt Nam. Nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực GDNN, tổ chức đăng cai kỳ thi kỹ năng nghề quốc tế ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Nam – Trợ lý Tổng Giám Đốc Công ty Logicbuy

Cũng tại buổi hội thảo ông Nguyễn Ngọc Nam, Trợ lý Tổng Giám Đốc Công ty Logicbuy cũng chia sẻ về dự án hợp tác với chính phủ Đức, khuyến khích mở rộng việc đưa sinh viên sau tốt nghiệp làm việc tại Đức, thúc đẩy dự án phát triển.

Đây là một dự án ưu tiên cho Việt Nam, ngoài ra giữa Đức và Việt Nam cũng đã thỏa thuận về việc công nhận bằng cấp cho các trường Trung cấp, Cao đẳng Việt Nam được công nhận tại Đức hoàn toàn miễn phí. Ông cho rằng, nên chăng cần nâng cao giáo dục đào tạo ở một số ngành nghề có đủ trình độ ngang bằng với đào tạo Trung cấp, Cao đẳng tại Đức và cũng cho biết bằng cấp được công nhận tại Đức là có thể được công nhận trên toàn thế giới.

Bên cạnh các nội dung trên, buổi hội thảo cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến về các đề tài phát triển bền vững hệ sinh thái khoa học công nghệ từ cách tiếp cận truyền thông, xây dựng chiến lược phát triển Hiệp hội các Trường Cao đẳng, Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật từ nay đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Kết thúc hội nghị, Tiến sĩ Trần Công Chánh – Chủ tịch Hiệp hội ATEC đánh giá cao các đề tài của các chuyên gia, nhà khoa học và mong muốn sẽ đạt được những mục tiêu chiến lược và sứ mạng Hiệp hội từ nay đến năm 2025 tầm nhìn 2030, thực hiện trọng tâm và cụ thể các chương trình mục tiêu tổ chức như một đề án đổi mới căn bản toàn diện.

Uyển Nhi