Vụ việc TikToker “Yuki” bị nghi sử dụng bằng giả và quảng cáo dịch vụ y tế trái phép không chỉ đặt ra vấn đề cá nhân vi phạm pháp luật mà còn cho thấy những lỗ hổng trong quản lý hoạt động hành nghề y qua mạng xã hội lĩnh vực đang ngày càng nở rộ nhưng thiếu kiểm soát chặt chẽ.
Ngày 23/4, Sở Y tế TP. HCM xác nhận đang phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vụ việc liên quan tài khoản TikTok “Yuki” bị nghi sử dụng bằng tốt nghiệp Cao đẳng Điều dưỡng giả để quảng bá dịch vụ y tế trái phép. Vụ việc được phát hiện từ phản ánh của báo chí, tiếp tục cho thấy mặt tối của việc hành nghề y “chui” qua mạng xã hội một hình thức tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cộng đồng.
Dấu hiệu sử dụng bằng giả và quảng cáo dịch vụ trái phép
Theo thông tin từ Sở Y tế TP. HCM, ngày 18/4/2025, Thanh tra Sở phối hợp với Phòng Y tế Quận 3 và Công an Phường 5, Quận 3 tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Iris Premium HDC, địa chỉ tại số 414 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3 nơi bà Đặng Thị Phương Thanh, chủ tài khoản “Yuki”, đang hoạt động.
Đáng chú ý, địa chỉ này từng là phòng khám chuyên khoa Da liễu được cấp phép nhưng đã giải thể. Dù vậy, thông qua mạng xã hội, bà Đặng Thị Phương Thanh vẫn quảng cáo các dịch vụ chăm sóc da, điều trị thẩm mỹ với danh nghĩa “điều dưỡng” và giới thiệu hình ảnh bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Y Dược TP. HCM.
Qua kiểm tra trên hệ thống tra cứu văn bằng chính thức của Trường Đại học Y Dược TP. HCM, không có thông tin bằng cấp mang tên bà Đặng Thị Phương Thanh. Trước dấu hiệu bất thường này, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị nhà trường xác minh. Nếu xác định bằng giả, vụ việc sẽ được chuyển cho Công an TP. HCM điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Lỗ hổng trong quản lý dịch vụ y tế qua mạng xã hội
Không phải lần đầu tiên mạng xã hội trở thành “đất diễn” cho những cá nhân hành nghề y tế trái phép. Từ livestream tư vấn da liễu, bán thuốc online đến thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ tại nhà, hàng loạt sự vụ tương tự đã bị cơ quan chức năng xử lý, song vẫn chưa đủ để chấm dứt tình trạng này.
Vụ việc của “Yuki” tiếp tục cho thấy việc quản lý các hoạt động dịch vụ y tế trên môi trường mạng đang gặp nhiều bất cập. Trong khi đó, người dân lại dễ dàng tiếp cận và tin tưởng những thông tin thiếu kiểm chứng trên TikTok, Facebook hay Instagram… dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng.
Việc một cá nhân không đủ điều kiện chuyên môn, sử dụng bằng giả để quảng cáo dịch vụ y tế là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Không chỉ tiềm ẩn rủi ro cho người tiếp cận dịch vụ mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín các cơ sở y tế chân chính và gây khó khăn trong công tác quản lý.
Hiện Sở Y tế cho biết sẽ xử lý nghiêm hành vi quảng cáo trái phép đối với Công ty TNHH Iris Premium HDC và bà Đặng Thị Phương Thanh, đồng thời tạm dừng quy trình cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho cơ sở này. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp xử lý sự vụ. Về lâu dài, việc siết chặt quản lý dịch vụ y tế trên mạng xã hội cần được đặt ra một cách cấp thiết, nhất là trong bối cảnh thị trường chăm sóc sức khỏe trực tuyến đang phát triển nhanh nhưng thiếu hành lang pháp lý phù hợp./.
Thanh Quang