Ngày 26/05, Công ty Cổ phần Đào tạo Huấn luyện Nghiệp vụ Hàng Không Việt Nam (VNAS) đã tổ chức Lễ khai giảng khóa huấn luyện catwalk nghiệp vụ hàng không Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Đinh Mạnh Quang – sáng lập viên Công ty VNAS đã bày tỏ niềm tự hào về lịch sử 13 năm xây dựng và phát triển của VNAS. Đến nay, VNAS đã đạt đến độ toàn diện trong công tác đào tạo kỹ năng mềm theo yêu cầu của ngành hàng không, đóng góp cho ngành hàng không nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng tốt.
Các em tham dự ngành Tiếp viên hàng không có kỹ năng đầy đủ, được ví như “đại sứ” hình ảnh của một quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Vì thế, sự vận hành của VNAS rất coi trọng vị trí và những giá trị văn hóa, bởi ở đó chứa đựng cốt cách của dân tộc thông qua những “đại sứ tiếp viên”.
Qua đây, Ông Quang đánh giá cao sự phối hợp của Trung tâm Unesco là đối tác quan trọng, cùng VNAS đồng hành trong công tác đào tạo những tiếp viên đạt chuẩn, mang phong cách văn hóa Việt, tạo nên dấu ấn đẹp của ngành hàng không Việt Nam.
Từ trước lễ khai giảng 2 ngày, các em học viên nam, nữ tham dự lớp tiếp viên hàng không dự bị đã được đào tạo cơ bản về catwalk – phong cách đi đứng mà nhiều ngành dịch vụ coi trọng.
Vì vậy, ngay trong lễ khai giảng các học viên lớp dự bị đã trình diễn các động tác khá ấn tượng. Chứng kiến màn trình diễn của các học viên, ông Nguyễn Văn Thịnh – Giám đốc Trung tâm Unesco Nghiên cứu lịch sử văn hóa các dòng họ Việt Nam, người đã gắn bó với VNAS trong suốt chặng đường phát triển – đã động viên các học viên cần có tinh thần tự tin và thần thái tốt hơn khi trình diễn, đặc biệt là biểu cảm thuyết phục lòng người.
Ông Thịnh cho rằng: “Nghề Tiếp viên đơn giản là nghề phục vụ, nhưng các tiếp viên cũng chính là “đại sứ” mang thần thái văn hóa của người Việt đến với bạn bè quốc tế. Vì vậy, các học viên rất cần sự hướng dẫn của các giáo viên VNAS để thực sự trở thành những tiếp viên có văn hóa, là đại sứ của văn hóa Việt Nam. Đây không chỉ là mục tiêu của VNAS, mà còn là thông điệp của ngành hàng không Việt Nam”.
Còn theo ông Nguyễn Đông Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, kiêm Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh VNAS, ngành hàng không mang nhiều đặc thù và có tính riêng biệt rất cao. Tiếp viên hàng không, nhân viên an ninh hay nhiều vị trí việc làm khác đều đòi hỏi trình độ chuyên nghiệp. Do vậy, đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, đẳng cấp sẽ góp phần tạo dựng củng cố giá trị thương hiệu lâu dài của hãng bay.
Ngoài diện mạo, ngoại hình thì phần catwalk cũng có mức độ quan trọng không hề kém trong các phần thi tuyển của nghề tiếp viên hàng không. Hiểu theo nghĩa rộng, đó là cách phong cách đi đứng của một người và được xem là chìa khóa quan trọng giúp chúng ta thể hiện sự tự tin của bản thân.
Bên cạnh đó, sự cẩn trọng trong cách đi đứng phần nào phản chiếu được tính nhẫn nại, chỉn chu, cầu toàn. Ở vị trí của người phục vụ, đây là đức tính trọng yếu. Bên cạnh đó, thông qua những bước đi nhà tuyển dụng cũng đánh giá được thể trạng và mức độ chịu áp lực của ứng viên.
“Trong ngành hàng không, vẻ ngoài phải luôn luôn hoàn hảo. Điều này tạo ra sự thoải mái tin cậy, vừa là động lực phát triển của thương hiệu. Chính vì thế catwalk là tiêu chuẩn bắt buộc trong tuyển dụng tiếp viên” – ông Hà nhấn mạnh.
Ông Hà mong muốn các học viên tham gia lớp học với tinh thần tự giác, tự tin, nhiệt tình, mạnh dạn trao đổi, tiếp thu đầy đủ những kiến thức do giảng viên truyền đạt. Đồng thời, trong quá trình huấn luyện giảng viên dành tâm huyết tổ chức luyện tập đảm bảo chất lượng chuyên môn, giúp cho các học viên lĩnh hội đạt tiêu chuẩn cao nhất đáp ứng các yêu cầu phù hợp với ngành nghề mà các học viên lựa chọn.
Bình Minh