Từ 1/9, theo quy định mới, tất cả trường hợp thực hiện cách ly phải tự chi trả chi phí. Còn chi phí khám, chữa bệnh vẫn do ngân sách chi trả theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, việc thu phí phù hợp với tình hình hiện nay và cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế nhiều người dân mong muốn ở nơi cách ly có dịch vụ lưu trú tốt hơn. Chưa kể, việc tổ chức cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn còn giúp doanh nghiệp du lịch khách sạn có thêm việc làm cho người lao động.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, thu ngân sách 8 tháng đầu năm chỉ đạt 58,3% so với dự toán, tương đương gần 882.000 tỷ đồng, giảm 12,4% so với cùng kỳ. Trong khi chi ngân sách khoảng 975.600 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ 2019. Các khoản chi tăng chủ yếu dành cho phòng, chống dịch, chống thiên tai, chi hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ phục hồi kinh tế…
Vì thế, “ngân sách Nhà nước vừa giảm gánh nặng, người dân làm trong lĩnh vực dịch vụ, khách sạn cũng có thêm thu nhập”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng dẫn thêm số liệu cho thấy ngành du lịch nội địa một lần nữa “mắc kẹt” khi lượng khách huỷ tour trong tháng 8 lên tới 95-100%. Công suất buồng, phòng khách sạn theo thống kê bình quân chỉ đạt 10-20%.
“Tình hình Covid-19 phức tạp nên đến nay các nhà hàng, khách sạn, các khách sạn lớn đều không mở cửa, có mở cửa cũng khó có thể hoạt động được, thu không bù chi. Tình hình rất căng thẳng”, ông Dũng nói.
Theo thông báo ngày 31/8, hiện có trên 1.100 người đang cách ly tập trung tại bệnh viện, hơn 16.000 người cách ly tập trung tại cơ sở khác. Nếu tính cả mùa dịch, số người cách ly tập trung lên tới hàng trăm ngàn người.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết từ 31-8 trở về trước, toàn bộ phí cách ly tập trung (ngoại trừ người nước ngoài lựa chọn cách ly tại khách sạn) đều do ngân sách chi trả, bao gồm tiền ăn 100.000 đồng/ngày, tiền đồ dùng (bàn chải răng, khăn mặt, kem chải răng…), tiền ở và cả Internet. Với quy định mới mà Thủ tướng vừa thông báo sẽ thu phí cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh từ 1-9, những dịch vụ miễn phí này sẽ bắt đầu chuyển sang thu phí ở một số nơi.
Theo biểu phí công bố trên website của Đại sứ quán Việt Nam tại Úc, phí cách ly cho sinh viên đi trên chuyến bay này (tại khách sạn 4 sao ở Hạ Long) dao động từ 22,5 – 87,7 triệu đồng cho 14 ngày cách ly. Trong đó, mức phí cao nhất dành cho loại phòng khách sạn cao cấp bao gồm cả phòng ngủ và phòng làm việc, các dịch vụ kèm theo là ba bữa ăn/ngày, chi phí vận chuyển, phí phục vụ, thuế, dịch vụ Internet, nước súc miệng, trà và cà phê miễn phí. Tức là khách cách ly mong muốn dịch vụ cao cấp mức như thế nào đều được phục vụ tận răng.
Ngày 1/9 bắt đầu thực hiện thu phí cách ly với người nhập cảnh, nhưng đến nay Bộ Y tế và Bộ Tài chính vẫn chưa công bố được mức giá trần, bảng giá mà khách sạn kể trên công khai là mới áp dụng ở phạm vi nhỏ. Ở phạm vi lớn hơn thì cần một biểu giá thống nhất. Biểu giá ấy thì cần phải đợi.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền – giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ngày 1-/ Sở Y tế, Sở Du lịch Hà Nội và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát năng lực của các khách sạn tham gia dịch vụ cách ly tập trung, để xem năng lực của khách sạn, số lượng người cách ly mà khách sạn có thể đáp ứng, việc vận chuyển hành khách từ sân bay về do đơn vị nào thực hiện và giám sát ra sao…
Ông Hiền cho biết Hà Nội có một số cơ sở cách ly dành cho người nước ngoài, tới đây sẽ chuyển sang dịch vụ này. Tuy nhiên số lượng và cách thức thực hiện vẫn phải đợi sau ngày 1/9, khi các cơ quan chức năng hoàn tất rà soát và đánh giá, trong đó có khâu đánh giá khách sạn đó có an toàn hay không nếu cho làm dịch vụ cách ly tập trung.
PV (th)