27/10/2020 1:24:50

Vì sao nhiều ứng viên GS, PGS bị tố gian lận?

Sau khi vụ việc 16 ứng viên bị tố gian lận, đã có thêm 21 ứng viên GS, phó giáo sư (PGS) khác có hồ sơ không đủ tiêu chuẩn nhưng đã được Hội đồng GS ngành y học thông qua.

Trong thư gửi Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) mới đây, GS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho biết, ông vừa nhận được 6 email gửi trực tiếp và gửi qua GS Phạm Đức Chính (Hội đồng Cơ học) với nội dung “Thêm 21 ứng viên GS – PGS ngành Y không đạt, 3 ứng viên nghi ngờ”.

Trước đó, theo báo cáo của GS Châu, trong số 16 ứng viên bị tố cáo, có 1 ứng viên ngành dược do không đủ số lượng công bố quốc tế nên đã bị loại từ Hội đồng GS ngành dược, số còn lại đều đã được Hội đồng GS các ngành y dược thông qua và đề nghị lên Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm nay.

Tuy nhiên, sau khi tự kiểm tra theo nội dung một bức thư tố cáo, ông đã nhận thấy không chỉ có 1 ứng viên đã bị “trượt” mà 12/15 ứng viên khác đã được hội đồng ngành thông qua cũng không đạt yêu cầu về công bố quốc tế; chỉ có 4/16 ứng viên bị tố cáo (đều là ứng viên PGS) có đủ số bài báo quốc tế theo yêu cầu đối với ứng viên PGS.

Hầu hết các bài của các ứng viên này đều đăng trên các tạp chí OA (thường được gọi là tạp chí mở) chất lượng thấp và người đăng bài phải đóng nhiều tiền mới được đăng.

Ngoài ra, các Hội đồng GS ngành y và ngành dược vì lý do nào đó (do trình độ, hoặc do cố tình bao che…) đã chưa thực hiện tốt việc thẩm định nên đã thông qua nhiều ứng viên không đủ chuẩn công bố bài báo quốc tế, giảng dạy (đúng như các đơn thư tố cáo).

Từ khoảng tháng rưỡi nay, cộng đồng khoa học trong nước nhận được nhiều thư tố cáo ứng viên GS, PGS các ngành y, dược có dấu hiệu gian dối trong việc khai báo hồ sơ, đặc biệt là các thông tin liên quan tới các bài báo đăng tạp chí quốc tế uy tín. Tổng hợp các thư tố cáo có 16 ứng viên liên quan.

GS Phạm Đức Chính, thành viên Hội đồng ngành cơ học đợt xét năm 2020 đã chuyển tiếp các nội dung tố cáo này tới Hội đồng GS Nhà nước và tới cộng đồng khoa học trong nước, đề nghị làm rõ và cho biết, Hội đồng GS ngành cơ học cũng đã kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên ngành mình, đặc biệt là với những hồ sơ có sự đột biến về các bài báo đăng tạp chí quốc tế uy tín.

Theo GS Mai Trọng Khoa, thư ký Hội đồng GS ngành y , hội đồng này đang kiểm tra lại hồ sơ của 10 ứng viên bị tố cáo của ngành mình. Còn GS Lê Quan Nghiệm, Chủ tịch Hội đồng GS ngành dược cho biết, hội đồng này đã được Hội đồng GS Nhà nước chuyển cho thông tin tố cáo 6 ứng viên ngành dược vi phạm về việc khai báo thông tin bài báo đăng tạp chí quốc tế uy tín.

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng GS ngành y học của năm 2020, GS.TS Đặng Vạn Phước ý kiến, việc yêu cầu các ứng viên PGS, GS phải có bài báo đăng trên các tạp chí nước ngoài là tốt vì góp phần nâng chuẩn lên. Nhưng có cung thì ắt có cầu. Sẽ có ứng viên tìm cách trả tiền để được đăng bài ở các tạp chí nước ngoài.

Ngoài ra còn có xu hướng coi nhẹ các tạp chí khoa học trong nước đã có truyền thống 40 – 50 năm.

“Có lẽ sắp tới chúng tôi đề xuất cần tính thêm cả bài báo đăng trên các tạp chí uy tín trong nước” – GS.TS Đặng Vạn Phước nói.

Về phía Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Đức Cường – chánh thanh tra Bộ GD-ĐT – cho biết thanh tra bộ đã nhận được đơn tố cáo các ứng viên PGS, GS thông qua email. Thanh tra sẽ lập tổ công tác để thẩm định hồ sơ của các ứng viên.

“Chúng tôi vẫn phải chờ quyết định của Hội đồng GS nhà nước” – ông Nguyễn Đức Cường cho biết.

PV