24/06/2022 7:25:45

“Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện rõ ràng khi nhà lãnh đạo phải đưa ra những quyết định sống còn”

Theo TS. Giản Tư Trung, văn hóa doanh nghiệp được định hình bởi văn hóa của ông chủ. Hiểu một cách đơn giản là cách sống, cách làm người của chủ doanh nghiệp. Điều này được thể hiện rõ ràng khi nhà lãnh đạo “phải đưa ra những quyết định sống còn một cách nhân văn”.

Văn hóa Hội đồng quản trị (HĐQT) là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự thành công và duy trì hoạt động lâu dài của doanh nghiệp. Khi công nghệ số hóa ngày càng phát triển, cùng với sự hội nhập kinh tế toàn cầu, việc tạo ra nét văn hóa riêng cho doanh nghiệp là vấn đề quan tâm hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay.

Toàn cầu hóa kinh tế đã đem lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, còn không ít thách thức mà họ phải đương đầu vì áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Cùng với các hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, việc xây dựng văn hóa kinh doanh và văn hóa HĐQT chính là phương thức quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt để nâng cao lợi thế cạnh tranh.

VĂN HÓA HĐQT TRONG KỶ NGUYÊN HẬU COVID-19

Phát biểu khai mạc chương trình Directors Talk số 5 với chủ đề “Văn hóa HĐQT – Kim chỉ nam để phát triển Văn hóa doanh nghiệp bền vững”, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch VIOD, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cho biết, theo khảo sát của VIOD, có tới 89% Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp đánh giá vai trò của họ có ảnh hưởng và rất ảnh hưởng đến văn hóa hoạt động của công ty.

Văn hóa doanh nghiệp được định hình bởi văn hóa của "ông chủ" ảnh 1

Theo Chủ tịch VIOD, các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) cần nhận thức được các hành vi cũng như hoạt động của mình để tạo ra được một văn hóa HĐQT mà ở đó các hành vi ứng xử được gắn kết với lợi ích, trách nhiệm và giá trị của công ty. Trong đó, HĐQT là đối tượng có thể chèo lái, cải thiện tất cả lợi ích kinh doanh để có thể đảm bảo quyền lợi của các bên và tối ưu hóa lợi ích của các cổ đông.

Bà Hà Thu Thanh nhận định, “trong bối cảnh kỷ một nguyên phát triển mới – kỷ nguyên sau 2 năm của đại dịch COVID-19, vẫn còn rất nhiều bất ổn trong sản xuất, kinh doanh, trong các vấn đề về địa chính trị… Trong đó, có các nguy cơ về tiếp tục đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát cao do tác động chưa thể lường trước từ xung đột Nga – Ukraine.

Bà Thanh cho rằng khi xảy ra khủng hoảng với doanh nghiệp thì giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa công ty và văn hóa của HĐQT sẽ được khẳng định là một giá trị rất quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững trong bất ổn.

VÌ SAO CHƯA NHIỀU TỔ CHỨC XÂY DỰNG THÀNH CÔNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP? 

Tiếp nối phần mở đầu của bà Hà Thu Thanh, TS. Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE đã có phần chia sẻ chuyên sâu với những kiến thức về văn hóa doanh nghiệp, giá trị của văn hóa HĐQT và vai trò, phương thức kiến tạo để phát triển văn hóa HĐQT trong kỷ nguyên mới…

TS. Trung mở đầu phần thuyết trình với câu hỏi về khái niệm “văn hóa HĐQT là gì?” – một câu hỏi bản thân ông Trung đánh giá là hơi “ngây thơ, hồn nhiên” với các lãnh đạo doanh nghiệp. Nhưng đôi khi vì chúng ta có phần e ngại với các câu hỏi này mà lại “rời xa những giá trị căn bản nhất”.

Theo TS. Trung khi hiểu rõ “văn hóa là cái gì, HĐQT là cái gì” và trả lời được 2 câu hỏi hỏi này thì sẽ hiểu được khái niệm “văn hóa HĐQT”. Và khi đã hiểu được thì “xây nó cũng không khó”. Nhiều khi thấy khó là bởi chưa hiểu rõ nó là cái gì, còn nếu hiểu rồi thì “xây kiểu gì cũng được hết”.

Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE cho rằng văn hóa HĐQT là văn hóa của “ông chủ”. Hiểu một cách đơn giản là cách sống, cách làm người của ông chủ vì “làm ăn” cũng là “làm người”.

TS. Trung cho rằng “văn hóa ông chủ” sẽ quyết định “văn hóa lãnh đạo” và “văn hóa lãnh đạo” lại là yếu tố định hình nên “văn hóa doanh nghiệp”. Lý giải điều này bởi lãnh đạo doanh nghiệp là do “ông chủ” chọn, cho nên văn hóa của lãnh đạo không thể thoát được văn hóa của ông chủ. Còn lãnh đạo doanh nghiệp là những người gần gũi, sát sườn nhất với công ty.

TS. Giản Tư Trung được Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới vinh danh là “Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò là một Nhà hoạt động giáo dục”.

Về cấu trúc của văn hóa cũng như văn hóa doanh nghiệp, ông Trung chia ra làm “văn hóa bản sắc” và “văn hóa nền tảng”. Trong đó, 3 điểm trọng tâm của văn hóa nền tảng là: hiệu quả, chính trực và hạnh phúc.

Với các doanh nhân, ông Trung nhìn nhận văn hóa là điều mà khi mất hết mọi thứ, nếu vẫn còn giá trị này, người ta có thể làm lại rất nhanh. Bởi đây cũng là vốn xã hội của họ. Tức là thất bại về chiến lược thì có thể làm lại còn nếu thất bại về giá trị, về văn hóa thì rất khó làm lại.

“Bởi vì thực ra đã thất bại về giá trị thì không chỉ là thất bại về tài chính mà thất bại luôn cả về vốn xã hội và rất khó gượng dậy”, ông Giản Tư Trung nêu lên góc nhìn.

TS. Trung dẫn lại câu chuyện vài năm trước, lãnh đạo một doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản trúng đấu giá cặp chóe Tứ Linh với giá hơn 6 tỷ đồng trong một chương trình từ thiện nhưng sau đó lại từ chối trả tiền.

“6 tỷ này là con số rất nhỏ so với gia sản của doanh nhân nọ nhưng đây cũng là sứ mệnh, giá trị của một doanh nhân. Chúng ta không thể bán mình với cái giá quá rẻ như vậy được. Và nói chung là không bán chứ không phải là do giá”, ông Trung nói.

Văn hóa doanh nghiệp được định hình bởi văn hóa của "ông chủ" ảnh 4

Từ câu chuyện này, ông Trung nêu quan điểm rằng văn hóa doanh nghiệp sẽ được thể hiện rõ ràng khi người lãnh đạo phải đưa ra những quyết định sống còn một cách nhân văn. Chắc chắn rằng, không có một nhà lãnh đạo nào là không phải đối diện với những quyết định như thế này trong suốt cuộc đời kinh doanh của mình.

Chia sẻ thêm, ông Trung nói trong đại dịch COVID-19 vừa qua, có không ít doanh nghiệp mà ông biết dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng bằng mọi giá lãnh đạo doanh nghiệp không giảm lương nhân viên, không phải để cho nhân viên phải nghỉ việc, dù nợ nần chồng chất.

Ở thái cực khác, lại có những doanh nghiệp không phải gặp quá nhiều khó khăn nhưng nhân lúc dịch bệnh thì lại “cắt được bao nhiêu thì cắt, giảm được bao nhiêu thì giảm”, ông Trung nói.

Văn hóa doanh nghiệp được định hình bởi văn hóa của "ông chủ" ảnh 5

Trước câu hỏi tại sao rất nhiều tổ chức muốn xây dựng văn hóa nhưng lại ít tổ chức xây dựng văn hóa thành công, TS. Trung nhìn nhận bởi do 5 nguyên nhân chính. Trong đó, 5 cái thiếu là: nhận thức, giấc mơ, phương pháp, giải pháp và bền bỉ.

Theo Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, một HĐQT chỉ vận hành được đúng nghĩa khi “trên đầu HĐQT phải có sự kiểm soát”. Bởi bất kỳ tổ chức nào, nếu quyền lực không được kiểm soát sẽ dẫn tới làm quyền, nặng hơn là lộng quyền rồi tới chuyên quyền, độc đoán.

“Quyền lực phải đi kèm sự kiểm soát nếu không người nắm giữ quyền lực sẽ rất dễ bị tha hóa cho dù họ có đạo đức cỡ nào”, TS. Trung nói.

Tuấn Việt