13/10/2022 10:28:54

CEO Công ty TNHH Sô Cô La Hallelu:

Từ “phút bốc đồng” bỏ lương kỹ sư nghìn USD tới khát vọng mang chocolate Việt vươn ra thế giới

“Em đã dành gần hết tuổi trẻ của em vào đó rồi. Hơn 5 năm qua, em chỉ biết đến có chocolate và trái cacao thôi. Rồi những công trình nghiên cứu, thử nghiệm máy móc, quy trình sản xuất… Em quên ăn quên ngủ với nó!…” – Nhà sáng lập thương hiệu Chocolate Hallelu Nguyễn Hồng Huy mở đầu cuộc chia sẻ với người viết, khi kể về hành trình “bỏ việc nghìn đô” ở tuổi 26 để bắt đầu với startup sản xuất sô cô la (chocolate) “made in Vietnam” của mình.

Nguyễn Hồng Huy (bìa phải) là một trong những thanh niên tiêu biểu được Thành đoàn TP.HCM, Trung ương Đoàn mời ra Hà Nội dự Diễn đàn toàn quốc về khởi nghiệp năm 2022.

Trước khi khởi nghiệp sản xuất chocolate, Huy cho biết 6 năm trước mình đang làm kỹ sư cơ khí cho một doanh nghiệp ô tô của nước ngoài tại Việt Nam với mức lương hơn nghìn USD. Và khởi đầu của câu chuyện về chocolate Hallelu là thời điểm 2016 khi “chàng” kỹ sư trẻ có những chuyến công tác dọc khắp miền Tây để chuyển giao máy móc phục vụ nông nghiệp cho doanh nghiệp trên.

Trong chuyến đi, Huy phát hiện tại miền Tây, cây ca cao được trồng rất nhiều ở Tiền Giang, Bến Tre.., được xen canh với dừa, cây ăn trái. Tuy nhiên đây cũng là thời điểm CEO của Hallelu nhìn thấy bà con chặt bỏ cây cacao đi nhiều bởi không có đại lý thu mua và giá bấp bênh…

TỪ MỘT Ý TƯỞNG LÓE LÊN…

Từ tò mò, ngạc nhiên, Huy ngày một suy nghĩ và thấy trăn trở nhiều hơn khi chứng kiến những vựa cacao từng bạt ngàn rực rỡ cứ dần một thu hẹp do không tìm được đầu ra. Vậy là những trái cacao chín vàng rụng xuống mà không ai thu hái; những vườn cacao cứ dần ngã xuống thay thế bằng những cây trái, hoa màu khác.

Huy tâm sự, “điểm bùng phát” khiến anh quyết tâm thực hiện hành trình khởi nghiệp với chocolate xuất hiện trong một lần nói chuyện các bác nông dân tại Tiền Giang. Khi Huy nêu thắc mắc cacao bạt ngàn như này, sao chúng ta không tự sản xuất chocolate thì họ cười bảo: Tôi chưa từng biết nó được làm ra như thế nào. Thậm chí có người còn chưa từng được ăn chocolate bao giờ.

“Các chú còn trẻ, được học hành thì nếu làm được gắng giúp bà con” – “Chính câu nói này đã thôi thúc tôi, giúp tôi nhận ra mình phải làm một điều gì đó”, Nguyễn Hồng Huy hồi tưởng lại.

Tuy nhiên, hành trình từ ý tưởng và sự quyết tâm ban đầu cho tới ra đời sản phẩm thương mại luôn luôn chứa đựng rất nhiều thử thách. Bắt tay vào làm, Huy sớm nhận ra, để sản xuất chocolate là một sự đầu tư cực kỳ lớn về máy móc.

“Hành trình từ hạt cacao lên men cho đến sản phẩm là chocolate, thực tế mới thấy đây đúng là một ngành đòi hỏi sự kiên trì và đam mê cực kì lớn. Để sản xuất thành chocolate thôi, chưa kể chocolate thượng hạng phải trải qua tới 10 công đoạn, với nhiều bước, cùng máy móc vô cùng hiện đại”, Huy nói.

Qua tìm hiểu, Huy nhận thấy hệ thống máy móc châu Âu, đặc biệt là Đức, Ý… cực kỳ đắt đỏ. Trong khi đó tài chính của một kĩ sư mới ra trường vài năm khi ấy không thể cho phép.

Huy nói, sau rất nhiều đêm mất ngủ với muôn vàn câu hỏi, thậm chí là nghĩ tới quyết định từ bỏ; rồi lại tự động viên “điều gì khiến mình có thể theo đuổi lâu như vậy chắc chắn mình đã rất đam mê nó, và nước ngoài làm được mình làm được, tại sao lại không?”…

Vốn là kỹ sư cơ khí, ý tưởng cứ tự nhiên loé lên trong Huy: “Tại sao mình không tự chế tạo luôn một dây chuyền sản xuất cho riêng mình, để hương vị cũng sẽ khác biệt hơn? Và biết đâu mai này chocolate sẽ đến gần với người Việt hơn khi bản thân người Việt có thể tự chủ mọi khâu…”.

Như trên, Huy cho biết để có thể sản xuất chocolate thủ công theo hình thức Bean-to-bar (từ hạt tới thanh) cần đến 10 công đoạn. Trong đó có các máy móc bắt buộc phải sử dụng như: Máy nghiền cacao (Conching), Máy gia nhiệt chocolate (Tempering) Máy ép bơ cacao, Máy rung khuôn chocolate…

Trong đó, máy gia nhiệt chocolate (Tempering) là loại máy phức tạp nhất trong ngành sản xuất chocolate. Quy trình gia nhiệt là quy trình bắt buộc để tạo ra được chocolate, đảm bảo độ mịn mượt, màu sắc và hương vị thơm ngon của chocolate.

Nếu sử dụng máy nhập khẩu thì chỉ riêng giá thành máy gia nhiệt chocolate từ Châu Âu đã lên tới trên 500 triệu đồng/máy. Điều này cũng là trở ngại kinh phí khá lớn không chỉ với riêng Huy mà các startup khác nếu muốn mở rộng sản xuất ngành chocolate tại Việt Nam.

Hệ thống máy gia nhiệt chocolate do Nguyễn Hồng Huy sáng chế.

“AI CŨNG CÓ ƯỚC MƠ VÀ KHÔNG AI ĐÁNH THUẾ…”

Chặng đường vạn dặm đều bắt đầu tư những bước chân đầu tiên. Nghĩ là làm, Huy cho biết bắt đầu với quyết định nghiên cứu làm ra máy nghiền cacao trước tiên và tạm thời làm thủ công cho những công đoạn còn lại.

Với sản phẩm quan trọng nhất trong quy trình là máy gia nhiệt, Huy cho biết, anh đã phải đã dành hơn một năm mày mò nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm tại một xưởng cơ khí ở Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Vốn là kỹ sư ngành công nghệ ô tô, không có chuyên môn về công nghệ nhiệt lạnh, Huy đã phải tự tìm hiểu tài liệu và mua các hệ thống nhiệt và làm lạnh của các thiết bị cũ về thử nghiệm nhiều lần để đánh giá sự phù hợp.

Vừa làm vừa thử nghiệm, vừa nghiên cứu vừa tùy chỉnh, từ những bản thiết kế đầu tiên, những máy móc “hand made” do Huy trực tiếp chế tạo phục vụ cho công cuộc sản xuất chocolate cứ lần lượt ra đời. Đó là các thiết bị chính trong quy trình sản xuất chocolate như: Máy conching với công suất 100kg/mẻ; Máy ép bơ ca cao công suất 20kg/giờ; Máy đổ khuôn và gia nhiệt với công suất 40kg/mẻ… Các sản phẩm đều được sự ghi nhận, đánh giá cao từ Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM.

“Đã từ lâu em không còn nhớ mình là kỹ sư cơ khí hay đăng kiểm viên ô tô nữa”, Huy chia sẻ.

Khi cơ bản tạo ra được những thỏi chocolate, bột cacao, Huy quyết định mở một cửa hàng ngay tại trung tâm phố Tây – Bùi Viện, nơi giới thiệu sản phẩm và nghiên cứu sâu hơn khẩu vị của khách phương Tây. Và đáng mừng là các sản phẩm chocolate của Huy đa phần đều nhận được những phản hồi tích cực, được du khách đón nhận, đánh giá cao.

Đầu năm 2018, khi dây chuyền máy móc, quy trình cơ bản được hoàn thành, Huy quyết định nộp đơn xin nghỉ việc ở Toyota, toàn tâm toàn ý để làm chocolate, mở nhà máy sản xuất tại TP.Thủ Đức. Và cái tên Công ty TNHH Sô Cô La Hallelu chính thức ra đời với Nguyễn Hồng Huy là sáng sáng lập kiêm điều hành.

Nhìn lại quãng thời gian đã qua, từ khi bắt tay vào nghiên cứu, đến khi ra được những mẻ chocolate đầu tiên. Rồi tới khi cơ bản hoàn thiện được quy trình sản xuất thì “bùng dịch”! – Huy nói, tuy mọi việc có đình trệ đôi chút nhưng 2 năm COVID vẫn tiếp tục là giai đoạn được startup “nho nhỏ” ấy tận dụng để củng cố quy trình, R&D, phát triển thêm sản phẩm mới, tìm thêm đầu mối, quan hệ để đưa sản phẩm ra thị trường.

Tuổi trẻ hầu như ai cũng chỉ có khát vọng và lòng can đảm làm hành trang, nhiều lúc muốn cũng chùn bước vì hình như mình đang quá liều lĩnh. Với Huy: “Hành trình từ ý tưởng loé lên trong đầu cho tới thực tế cứ như một giấc mơ, nhưng giấc mơ ấy đã và đang thành hiện thực. Thật hạnh phúc khi ngành cacao đang dần được sống dậy và được quay về đúng giá trị vốn dĩ…”.

Tuấn Việt