17/11/2020 9:34:07

Từ ngày 1/1/2021 tăng tuổi hưu ra sao?

Sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản trình Thủ tướng dự thảo nghị định về quy định tuổi nghỉ hưu.

Theo dự thảo nghị định, các quy định trên có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Trong ảnh: Trả lương hưu cho người nghỉ hưu. Ảnh: VIẾT LONG

Theo đó, từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với nam và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng đối với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Cụ thể, lao động nam sinh tháng 12-1960 và lao động nữ sinh tháng 12-1965 làm việc trong điều kiện lao động bình thường thì thời điểm nghỉ hưu là kết thúc ngày 31-12-2020, thời điểm hưởng lương hưu bắt đầu từ ngày 1-1-2021.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất các trường hợp được nghỉ hưu sớm nhưng không quá năm năm so với tuổi quy định (nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi). Các trường hợp này bao gồm NLĐ có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành.

NLĐ có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1-1-2021 cũng được nghỉ hưu sớm.

Cạnh đó, đối tượng nghỉ hưu sớm cũng bao gồm NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; NLĐ có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại… và thời gian làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn đủ 15 năm trở lên.

Dự thảo nghị định cũng quy định NLĐ có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, qua nghiên cứu khảo sát cho thấy các nước trên thế giới đều khuyến khích NLĐ, nhất là khu vực doanh nghiệp (DN) làm việc lâu hơn, nghỉ hưu muộn hơn, không giới hạn tuổi làm việc tối đa, không buộc NLĐ đến độ tuổi nào đó phải nghỉ hưu vì có nhiều lợi ích.

Chẳng hạn, NLĐ đóng góp nhiều hơn và lâu hơn, hưởng bảo hiểm xã hội muộn hơn góp phần đảm bảo tính bền vững tài chính của quỹ, tiền lương cho NLĐ do DN trả.

Đối với khu vực giao kết hợp đồng lao động, BLLĐ cũng khuyến khích việc sử dụng NLĐ cao tuổi trên nguyên tắc thương lượng, thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động.

Cạnh đó, quy định này cũng phù hợp với thực tế, DN chủ động trong việc thỏa thuận với NLĐ để giữ lại lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và cũng chỉ có DN mới có thể đánh giá chính xác nhất trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, năng lực của NLĐ để quyết định sử dụng lao động nên Bộ LĐ-TB&XH mới đưa ra quy định trên.

Hướng dẫn tuổi nghỉ hưu công chức, viên chức

Bộ Nội vụ vừa có hướng dẫn tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức theo BLLĐ 2019. Theo đó, đối với trường hợp có thời điểm nghỉ hưu sau ngày 1-1-2021, khi xem xét ra thông báo nghỉ hưu và quyết định nghỉ hưu được tính trên cơ sở tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức theo quy định của BLLĐ 2019. Trường hợp cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý công chức, viên chức đã ra thông báo nghỉ hưu thì không phải ra thông báo lại.

Đối với trường hợp có thời điểm nghỉ hưu trước ngày 1-1-2021 mà thuộc trường hợp được áp dụng lùi thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 46/2010 và khoản 2 Điều 40 Nghị định số 29/2012 của Chính phủ thì không thuộc trường hợp được áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định của BLLĐ 2019. Thời điểm ra thông báo nghỉ hưu và quyết định nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo PLO