Bộ GD&ĐT đã có Văn bản cho phép các trường đào tạo nghệ thuật tiếp tục thực hiện giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cho các khóa học tuyển sinh từ năm học 2021-2022 trở về trước. Đây là quyết định hợp lý từ thực tiễn.
Đảm bảo quyền lợi cho người học
Ngày 3/11, Bộ GD&ĐT có công văn gửi Sở GD&ĐT Hà Nội về việc thực hiện giảng dạy chương trình GDTX trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật.
Theo đó, để đảm bảo quyền lợi người học trong tình hình thực tế hiện nay và đảm bảo sự ổn định của các trường, Bộ GD&ĐT cho phép các trường đào tạo nghệ thuật tiếp tục thực hiện giảng dạy Chương trình GDTX như đã thực hiện thời gian qua cho các khóa học tuyển sinh từ năm học 2021-2022 trở về trước.
Theo Bộ GD&ĐT, ngày 30/10/2021, Bộ đã nhận được công văn số 3734/SGDĐT-GDTX-CN của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc giảng dạy Chương trình GDTX cấp THCS và THPT trong các trường đào tạo nghệ thuật.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ VH-TT&DL (tại Công văn số 4093/BVHTTDL-ĐT ngày 3/11/2021 về việc tháo gỡ vướng mắc trong giảng dạy Chương trình THCS, THPT trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật) và các cơ sở đào tạo nghệ thuật (với chuyên ngành chuyên sâu đặc thù); để đảm bảo quyền lợi của người học trong tình hình thực tế hiện nay và bảo đảm sự ổn định của các trường, Bộ GD&ĐT đã đồng ý với đề xuất của các đơn vị nêu trên. Cho phép các trường đào tạo nghệ thuật tiếp tục thực hiện giảng dạy Chương trình GDTX như đã thực hiện thời gian qua cho các khóa học tuyển sinh từ năm học 2021-2022 trở về trước.
Theo đó, các trường cần thực hiện nghiêm Chương trình GDTX, bảo đảm về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để thực hiện hiệu quả chương trình.
Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo và kịp thời hướng dẫn để việc thực hiện giảng dạy Chương trình GDTX trong các trường đào tạo nghệ thuật đảm bảo đủ thời lượng, đúng thời gian theo Khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GDĐT bảo đảm chất lượng giáo dục.
Không để cơ chế “trói buộc” nghệ thuật
Liên quan đến việc giảng dạy Chương trình GDTX trong các cơ sở giáo dục, trước đó, ngày 8/4/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 76/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về cấp bằng tốt nghiệp THCS cho các học viên Học viện Múa Việt Nam và giảng dạy văn hóa THPT. Trong đó, nêu rõ các cơ sở GDNN đã và đang tổ chức giảng dạy chương trình GDTX được tiếp tục thực hiện.
Trên cơ sở kết luận này, 4 cơ sở đào tạo nghệ thuật của Bộ VH-TT&DL gồm Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép chủ động đào tạo văn hóa phổ thông tại trường.
Tuy nhiên mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã gửi công văn yêu cầu từ năm học 2021-2022, các trường này sẽ không được chủ trì thực hiện việc giảng dạy Chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT. Thay vào đó, các trường phải phối hợp với các trung tâm GDNN – GDTX trên địa bàn tổ chức giảng dạy văn hóa cho học viên có nguyện vọng học Chương trình GDTX cấp THCS để xét tốt nghiệp THCS, cấp bằng tốt nghiệp THCS hoặc Chương trình GDTX cấp THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Công văn nêu rõ: “Trung tâm GDNN – GDTX có trách nhiệm chủ trì thực hiện các khâu chọn, cử và phân công giáo viên; tổ chức thực hiện chương trình, kiểm tra, đánh giá, quản lý, lưu trữ hồ sơ, phê học bạ, cấp giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình và thực hiện cấp văn bằng theo đúng quy định”.
Công văn của Sở GD&ĐT Hà Nội xuất phát trên cơ sở quy định của Luật Giáo dục 2019 rằng, chỉ có trung tâm GDTX, trung tâm GDNN mới có nhiệm vụ thực hiện chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế lại, gây khó khăn cho công tác sắp xếp và quản lý giáo dục vốn mang tính chuyên sâu đặc thù của các trường nghệ thuật.
Lo lắng những thay đổi trong quy định nêu trên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của con em mình, tháng 8/2021, đại diện 500 phụ huynh học sinh Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan liên quan.
Theo kiến nghị của phụ huynh Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, trước đây, bằng tốt nghiệp ghi là học tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và được trường này ký, đóng dấu học bạ. Song, nếu áp dụng theo quy định mới, bằng tốt nghiệp của các học sinh này sẽ ghi là học tại Trung tâm GDNN-GDTX dù trên thực tế các em vẫn là học sinh của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và các trung tâm GDNN&GDTX chỉ đóng vai trò là đơn vị liên kết để giảng dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THCS, THPT.
Trao đổi với báo chí, bà Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội chia sẻ, đặc thù đào tạo năng khiếu nghệ thuật nên việc tuyển sinh vào trường không thể tiến hành ồ ạt mà phải có sự lựa chọn kỹ càng theo yêu cầu của từng chuyên ngành.
Đa số các ngành đào tạo nghệ thuật giảng dạy theo hình thức một thầy-một trò nên việc tổ chức, xếp lớp cũng rất khác so với những trường nghề khác. Việc bố trí học văn hóa cùng với mười mấy môn chuyên ngành cho một năm học để phù hợp với tất cả học viên trong trường không hề đơn giản.
Theo quy định hiện nay, trường phải phối hợp với trung tâm GDNN-GDTX để dạy học văn hóa cho học viên khiến việc sắp xếp lịch học thêm phần khó khăn vì phụ thuộc vào trung tâm, thêm thủ tục hành chính, sử dụng đội ngũ giáo viên…
Cùng với Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, nhiều trường nghệ thuật khác cũng cho rằng, các nội dung yêu cầu này đúng với quy định của pháp luật nhưng chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hiện nay của các trường nghệ thuật đào tạo lĩnh vực chuyên sâu đặc thù.
Thực tế tuyển sinh ở các trường nghệ thuật rất khác nhau về lứa tuổi đào tạo, thời gian đào tạo, đặc thù của từng loại hình nghề thuật đào tạo. Có trường phải thực hiện cả chế độ bảo mẫu đối với học sinh, không thể theo công thức chung giống như đào tạo ở các ngành nghề khác. Mặt khác, học sinh đào tạo nghệ thuật đang thuộc diện hưởng trợ cấp của Nhà nước theo đề án đào tạo các chuyên ngành khó tuyển sinh. Nếu phải thực hiện đào tạo văn hóa tại các trung tâm GDTX thì học sinh sẽ phải chịu mức học phí văn hóa theo quy định của trung tâm GDTX. Điều này sẽ gây khó khăn về kinh phí cho gia đình các em.
Các ý kiến đều cho rằng, cần có cơ chế đặc thù và thời gian cho các trường để giải quyết đối tượng học sinh đã tuyển vào từ năm học 2021-2022 trở về trước, bảo đảm quyền lợi cho người học. Do đó, việc Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan, có Văn bản cho phép các trường đào tạo nghệ thuật tiếp tục thực hiện giảng dạy Chương trình GDTX cho các khóa học tuyển sinh từ năm học 2021-2022 trở về trước là quyết định cần thiết và phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Hải Yến