Phát biểu khai mạc Hội thảo Triển khai dạy văn hóa trong các cơ sở GDNN do Hội GDNN TP.HCM tổ chức ngày 16/12, ông Lâm Văn Quản – chủ tịch Hội cho biết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT ngày 8/11/2022 quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN. Đây được xem là một tin vui đối với các trường nghề khi nút thắt về giảng dạy văn hóa và tuyển sinh đã được tháo gỡ.”
“Thông qua hội thảo, các cơ sở GDNN có ý kiến đóng góp cho thông tư, Hội GDNN TP.HCM là đơn vị tổng hợp ý kiến để chuyển đến Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và các cơ quan chức năng khác qua đó góp phần giúp tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thông tư này” – ông Lâm Văn Quản chia sẻ thêm.
Thông tư 15 quy định học sinh trong các cơ sở GDNN học 3 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, các môn học lựa chọn gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí. Thời lượng giảng dạy của các môn học như sau: Toán, Ngữ văn: 252 tiết/môn học; Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử: 168 tiết/môn học.
Cụ thể, mỗi ngành, nghề đào tạo phải học 3 môn học bắt buộc và ít nhất 1 môn học lựa chọn. Người đứng đầu cơ sở GDNN quyết định lựa chọn các môn học bảo đảm phù hợp với ngành, nghề đào tạo. Việc giảng dạy các môn học được tổ chức theo lớp học đối với từng môn học, mỗi lớp học có không quá 45 người học.
Mỗi môn học được giảng dạy trong 3 kì, người đứng đầu cơ sở GDNN quyết định việc phân chia các kì và xây dựng kế hoạch giảng dạy bảo đảm thực hiện đầy đủ khối lượng kiến thức, yêu cầu cần đạt và thời lượng giảng dạy của môn học. Hoạt động giảng dạy thông qua một số hình thức chủ yếu: Học lí thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập, trải nghiệm, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Thông tư cũng quy định, học sinh có điểm thi kết thúc môn học của tất cả môn học theo ngành, nghề đào tạo đạt từ 5 điểm trở lên được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo ngành, nghề đó. Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT do người đứng đầu cơ sở GDNN tổ chức giảng dạy cấp.
Trước đó, cuối tháng 7/2022 tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức dạy văn hóa ở các trường nghề, trường nghệ thuật; đưa GDNN vào trường phổ thông do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mỗi năm hệ thống GDNN tuyển sinh được khoảng 350.000 học sinh vào học trình độ trung cấp, trong số đó có trên 80% số học sinh tốt nghiệp THCS và có nguyện vọng học và thi lấy bằng tốt nghiệp THPT.
Tính đến hết năm 2020, cả nước có 245/410 trường cao đẳng nghề, 380/444 trường trung cấp nghề có thực hiện tuyển sinh và đào tạo trình độ trung cấp cho các đối tượng tốt nghiệp THCS, trong đó có khoảng gần 400 trường có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu giảng dạy văn hóa THPT ngay tại trường theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Thông tư 15 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2022, tuy nhiên đại diện các cơ sở GDNN – đơn vị triển khai trực tiếp 15/2022/TT-BGDĐT yêu cầu làm rõ một số nội dung tại Thông tư.
Cụ thể, cần quy định rõ cơ sở GDNN nào có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thì được dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; còn cơ sở nào không đủ điều kiện thì phối hợp với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên.
Hai là, các cơ sở GDNN đủ điều kiện có thể đăng ký với Sở GD&ĐT cho học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và Sở GD&ĐT sẽ cấp bằng tốt nghiệp THPT cho những học sinh đạt yêu cầu.
Thông tư 15 có cho phép người có bằng tốt nghiệp Trung cấp và Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được theo học trình độ cao hơn của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp…
Được biết, theo khoản 2 Điều 33, Luật GDNN 2014 quy định: “Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp THCS trở lên là từ 1 đến 2 năm học tuỳ theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo”. Do đó học sinh tốt nghiệp THCS học Trung cấp nghề chỉ học trong thời gian từ 1 đến 2 năm, không thể vừa hoàn thành chương trình đào tạo Trung cấp, vừa hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT.
Quang Trung