Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được dự báo lặng sóng ít nhất đến hết quý I/2024, khi các điều kiện phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp khó khăn hơn.
Không phát hành mới, tích cực mua lại trái phiếu trước hạn
Theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tháng 1/2024 (tính đến ngày 24/1), chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận. Ngược lại, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn vẫn diễn ra đều đặn, các doanh nghiệp đã mua lại gần 4.300 tỷ đồng trái phiếu.
Hiện chưa có nhiều doanh nghiệp công bố kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2024, ngoại trừ một số ngân hàng như Vietcombank, VietCapital Bank…
Các chuyên gia phân tích nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm nay sẽ có kịch bản gần giống năm ngoái, tức là trầm lắng nửa đầu năm và tăng tốc mạnh hơn trong nửa cuối năm. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, niềm tin của nhà đầu tư cá nhân chưa quay lại… là nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng.
Ngoài ra, việc trở lại thực hiện Nghị định 65/2022/NĐ-CP từ đầu năm 2024 sau một thời gian giãn, hoãn theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP cũng là rào cản trước mắt của thị trường trái phiếu.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, về lâu dài, việc thực hiện Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Song trước mắt, điều này sẽ gây áp lực nhất định cho doanh nghiệp phát hành.
Hiện nay, lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng rất thấp, nhiều nhà đầu tư cá nhân muốn quay lại kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, song rất khó đáp ứng được điều kiện của Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia “cuộc chơi” trái phiếu doanh nghiệp phải có danh mục chứng khoán niêm yết nắm giữ tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Trong giai đoạn trước, nhà đầu tư cá nhân là động lực tăng trưởng chính của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chiếm 1/3 sức mua trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, niềm tin suy giảm sau sự cố Tân Hoàng Minh, cộng với các quy định chắt chặt về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp nói trên, khiến số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Năm 2023, nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 6,8% tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Bá Khương, chuyên gia phân tích vĩ mô Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, các quy định chặt chẽ hơn của Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ khiến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm 2024 bị ảnh hưởng. Phải đến cuối năm nay, hoạt động phát hành mới có thể phục hồi khi các thành viên tham gia thị trường dần quen với quy định mới, cùng với nhu cầu vốn của doanh nghiệp gia tăng khi hoạt động sản xuất – kinh doanh phục hồi.
Cần đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư tổ chức
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đến hạn là gần 279.000 tỷ đồng, 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản và 20% thuộc nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, gánh nặng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp đang đè nặng doanh nghiệp trong khi thị trường vẫn hết sức khó khăn.
Cho đến nay, Bộ Tài chính chưa thông tin về việc có gia hạn hay không Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM kiến nghị, Chính phủ gia hạn quy định áp dụng việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng (tức kéo dài đến hết năm 2024), nhằm từng bước hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia ủng hộ quan điểm siết lại cơ sở nhà đầu tư cá nhân, đồng thời với việc mở ra cơ chế thu hút nhà đầu tư tổ chức tham gia nhiều hơn thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI cho rằng, nên quản lý chặt hoạt động bán trái phiếu doanh nghiệp cho cá nhân, vì đây là sản phẩm có độ rủi ro nhất định. Tuy nhiên, song song với vấn đề này, cần xây dựng kênh giao dịch riêng cho nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư theo hướng thông thoáng hơn để tăng thanh khoản cho thị trường. Hiện nay, cơ chế để thu hút quỹ đầu tư nội tham gia còn hạn chế.
Theo các quỹ đầu tư, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, song trở ngại vẫn còn ở phía trước trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang trầm lắng. Năm 2023, phát hành trái phiếu doanh nghiệp tương đối khả quan, song có tính cục bộ cao khi trái phiếu doanh nghiệp hầu như là sân chơi của các ngân hàng. Các doanh nghiệp phi tài chính phát hành không nhiều, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu để cơ cấu nợ.
Kênh huy động vốn trung, dài hạn trong nước vẫn bế tắc khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn, kỳ hạn phát hành ngắn, chủ yếu cơ cấu nợ, hoặc phát hành của nhóm ngân hàng thương mại. Để khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp, không chỉ siết lại các quy định về phát hành như thời gian qua, mà quan trọng hơn là phải phát triển cơ sở nhà đầu tư, nhất là thị trường nhà đầu tư tổ chức.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup
Theo baodautu.vn