Chiều ngày 06/01/2023, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “MOB Summit 2023 – Xây dựng thương hiệu trường tồn” do Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh và Viện Kinh doanh quốc tế (ISB) thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cùng các chuyên gia, giáo sư và các lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Vinamilk, PNJ, Thế giới di động…
Xây dựng thương hiệu đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây do chuyển đổi số. Với sự cập nhật công nghệ liên tục trong ngành quảng cáo, doanh nghiệp phải nhanh chóng tìm hiểu, nắm bắt và áp dụng những chiến thuật mới để không bị bỏ lại phía sau.
Ngược lại, để bắt kịp với tốc độ của thị trường, nhiều thương hiệu đã phải hy sinh những yếu tố khác như nhân viên, chất lượng, thông điệp… Điều này rất dễ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của thương hiệu trong tương lai. Vậy, đâu là cách xây dựng thương hiệu trong thời đại mới?
Với mong muốn cung cấp những xu hướng, phương pháp, công cụ và chiến lược mới nhất trong việc xây dựng thương hiệu, hội thảo “Xây dựng thương hiệu trường tồn” trong khuôn khổ chương trình Giải thưởng “Thương hiệu Vàng Thành phố Hồ Chí Minh”, các chuyên gia, giáo sư và lãnh đạo doanh nghiệp lớn với các góc nhìn khác nhau đã đưa ra bức tranh toàn cảnh trong việc xây dựng thương hiệu trường tồn trong thời đại mới. Cũng như cung cấp những xu hướng, phương pháp, công cụ và chiến lược mới nhất trong việc xây dựng thương hiệu đến cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đã nói : “Bước cao hơn của thương hiệu có nhận biết tốt là thương hiệu được yêu mến. Thương hiệu có mục tiêu và sứ mệnh rõ ràng. Thương hiệu được xây dựng, không chỉ vì lợi nhuận doanh nghiệp, mà còn hướng đến lợi ích cộng đồng. Sự phát triển theo hướng bền vững này sẽ tỷ lệ thuận với sự phát triển của xã hội, nên vô hình chung, người tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung sẽ yêu mến và ủng hộ thương hiệu. Vì vậy, dù khó, xây dựng thương hiệu trường tồn nên là mục tiêu của mỗi doanh nghiệp. Các thương hiệu nhỏ, mới xuất hiện nên có sứ mệnh cụ thể để nhanh chóng giành được thiện cảm từ công chúng.”
“Thương hiệu đã phát triển vững mạnh nhiều năm trong nước thì sẵn sàng để vươn mình ra thị trường quốc tế. Không chỉ có lợi ích kinh tế, thương hiệu Việt Nam phát triển toàn cầu sẽ giúp ích trong việc nâng cấp hình ảnh nước nhà trong mắt các bạn bè năm châu. Để làm được chuyện khó này, chúng ta phải có kiến thức mới nhất cũng như kinh nghiệm từ những người đã thành công.” – Ông Vũ nói thêm.
Bên cạnh đó, CEO Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Le Invest (Holdings) Corporation cũng đem đến hội thảo với những triết lý về thương hiệu bền vững, cách xây dựng thương hiệu, ý tưởng trung tâm thương hiệu, ý nghĩa của thương hiệu, lời hứa của thương hiệu… “Khách hàng không mua thứ bạn làm ra, họ mua lý do bạn làm ra nó” – CEO Lê Quốc Vinh chia sẻ.
Đặc biệt, câu chuyện về Công ty TokyoLife đã làm xúc động người tham dự khi xem clip bài hát Happy new year do những người khuyết tật biểu diễn. Thông điệp mà TokyoLife đem tới là câu chuyện phía sau những sản phẩm thời trang và hàng tiêu dùng đang được ưa chuộng của TokyoLife là sự nỗ lực gấp trăm ngàn lần của hơn 170 người khuyết tật. Huấn luyện viên thể hình cho nhân viên công ty là người bị mất một cánh tay, nhân viên truyền thông sáng tạo nhất là một người mù, nhân viên đón khách hàng bằng ký hiệu của những ngón tay vì không thể diễn đạt thành lời. Nhưng trên tất cả, những “thiên thần” ấy luôn làm việc và chăm sóc khách hàng bằng cả trái tim.
Trao đổi thêm bên lề hội thảo về vấn đề thương hiệu trong lĩnh vực giáo dục , ông Nguyễn Lê Đình Hải – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ cho biết, “việc xây dựng thương hiệu là tất yếu nếu như muốn tồn tại của bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào và để trường tồn đòi hỏi chúng ta phải nâng tầm thương hiệu như sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, được thị trường đón nhận với tình cảm và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tôi nghĩ, trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp cũng vậy, đây đc xem như một dịch vụ cung cấp cho xã hội, nếu chúng ta không marketing, quảng cáo… nâng cao chất lượng dịch vụ thì chúng ta sẽ mất người học”.
“Và tôi nghĩ với trách nhiệm của bất cứ người lãnh đạo của cơ sở GDNN nào cũng đều suy nghĩ để hướng đến mục tiêu đó.”- ông Hải nói.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng đã diễn ra phiên thảo luận từ các nhà lãnh đạo của các thương hiệu lớn với ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT Thế giới di động (MWG), ông Lê Trí Thông – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PNJ…
Uyển Nhi