Những năm gần đây, lao động nông thôn tại TP.HCM đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhưng chưa nhiều. Nguyên nhân do thiếu vốn đầu tư, chưa có kiến thức về khoa học kỹ thuật…Thực tế cho thấy, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần xây dựng chương trình đào tạo, cập nhật liên tục để người học có thể tiếp cận với khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, cần có những phương thức đào tạo phù hợp như đào tạo trực tuyến với hình ảnh sinh động, mời nhà nông điển hình trao đổi, nói chuyện chuyên đề, tham quan học tập mô hình hay…
Nông dân nuôi cá thương phẩm tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Ảnh: T.Tri
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được TP đặc biệt quan tâm, giúp mọi người có điều kiện cơ hội tiếp cận với thành tựu khoa học kỹ thuật để vận dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tăng năng suất lao động cho TP. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận nông dân chưa mặn mà học nghề, đặc biệt là người trẻ hiện nay không thích làm nông nghiệp. Vì vậy, công tác tuyên truyền đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc làm thường xuyên đến từng hộ gia đình. Do đó, ông Tấn đề nghị các trường, đơn vị đào tạo hoặc liên kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải xác định đào tạo cái gì, đào tạo như thế nào, phương thức ra sao để đạt hiệu quả, đảm bảo học nghề xong có việc làm, có thu nhập. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ 4.0 trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc cần làm ngay.
Trong khi đó, TS. Từ Minh Thiện (Phó Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) cho rằng để lao động nông thôn mặn mà hơn với việc học nghề, cơ quan quản lý Nhà nước phải nắm bắt nhu cầu thị trường để thông tin đến người dân, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo. Quá trình đào tạo phải ứng dụng công nghệ, gắn với thực tiễn và bắt đầu từ nhu cầu của nông dân. Chương trình đào tạo phải đảm bảo cho người học có kỹ năng trong lao động sản xuất. Cụ thể, kỹ năng đó là nắm bắt xu hướng, nhu cầu của thị trường để họ có định hướng cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp tránh tình trạng lâu nay thường gặp là “được giá mất mùa, được mùa mất giá”. Ngoài ra, TS. Thiện lưu ý, nếu không nắm kỹ nhu cầu thị trường trong tương lai, việc đào tạo chỉ cho nông dân cái nghề, trong khi nghề đó không nuôi sống được bản thân và gia đình, điều này gây lãng phí thời gian, công sức và cả tài chính. Vì vậy, đào tạo nghề phải gắn với việc làm, để tự tạo việc làm.
Cùng quan điểm trên, TS. Đinh Công Tiến (Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp) cho biết dự báo nghề trong tương lai mang lại hiệu quả trong quá trình đào tạo. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ trong đào tạo là cần thiết, có thể đào tạo trực tuyến, tạo các diễn đàn nhà nông sát với thực tế, giải quyết và chia sẻ những nội dung mà nông dân đang gặp phải. Cũng theo TS. Tiến, đào tạo cho từng người xem như đào tạo nguồn, từ nguồn đó nhân rộng tại các địa phương sẽ hiệu quả hơn.
Một khía cạnh khác được nhiều chuyên gia đề cập là người dạy nghề cho lao động nông thôn quyết định chất lượng và hiệu quả đào tạo. Theo bà Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan (Trường TC Kỹ thuật Nông nghiệp TP.HCM), người dạy nghề có kinh nghiệm, có tay nghề và kỹ năng sử dụng công nghệ, truyền đạt dễ hiểu… được người dân tin tưởng là thành công, không nhất thiết phải có bằng cấp, học vị cao.
Ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết giai đoạn 2010-2019, TP.HCM đã đào tạo 717.134 lao động nông thôn/ 847.700 lao động nông thôn đang làm việc. Riêng năm 2020, TP đặt mục tiêu đào tạo nghề cho hơn 6.400 lao động trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ nông dân học nghề có việc làm đạt 85%. Ông Sự thông tin thêm, thời gian qua, nhiều địa phương có chuyển biến trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng cách ứng dụng công nghệ, đó là những hợp tác xã, hộ gia đình với các nghề nuôi tôm, cá, trồng hoa lan, rau sạch, nuôi yến… Nổi bật là huyện Cần Giờ với ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như nuôi cá dứa thương phẩm, nuôi cua bằng con giống nhân tạo; huyện Củ Chi, Q.12, Q.Thủ Đức… với mô hình trồng rau sạch đạt chuẩn.