10/11/2023 9:54:26

TP.HCM: Nhiều trường CĐ, TCN “loay hoay” tìm ngành, nghề đào tạo mũi nhọn

Tuyền sinh trùng lắp nhiều ngành nghề, không đồng đều về chất lượng đầu ra, chưa tìm ra ngành, nghề đào tạo mũi nhọn, mang bản sắc của trường là những tồn tại của hệ thống trường trung cấp, cao đẳng của TP.HCM được chỉ ra tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Hiệu trưởng các trường Cao đẳng và Trung cấp trên địa bàn TP.HCM hôm 9/11.

Hội nghị do ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng chủ trì.

Chưa tìm ra ngành nghề mũi nhọn, bản sắc

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh, hệ thống GDNN của TP.HCM đang chiếm trên 12% tổng số cơ sở GDNN của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Tỷ lệ người lao động qua đào tạo tham gia vào thị trường của thành phố đạt trên 80%, luôn nằm ở nhóm lao động chất lượng cao so với cả nước. Tuy nhiên bên cạnh những chuyển biến tích cực trên, hệ thống GDNN của thành phố vẫn còn nhiều vấn đề cần được nhìn nhận và tìm ra giải pháp để nâng chất.

Cụ thể, các trường cao đẳng, trung cấp nghề chưa đồng đều về chất lượng đầu ra; chưa tìm ra ngành nghề mũi nhọn, bản sắc của trường. Mặt khác, nguồn nhân lực đã qua đào tạo vẫn chưa đáp ứng đầy đủ về số lượng so với nhu cầu thực tiễn và có lúc tay nghề, chất lượng chưa tiệm cận với tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng phát biểu khai mạc hội nghị

Công tác phân luồng hướng nghiệp, tuyển sinh đạt nhiều tích cực

Báo cáo tổng quan về hệ thống GDNN trên địa bàn TP.HCM hiện nay, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng hiệu trưởng cho biết, hiện thành phố có 376 cơ sở GDNN, quy mô đào tạo các trình độ nghề tính đến hết tháng 9/2023 đạt trên 430.000 người.

Lao động đang làm việc đã qua đào tạo là 4.430.201 người/5.094.285 lực lượng lao động, đạt 86,96% (chỉ tiêu năm 2023 là 86,45%). Kết quả dạy và học, công tác phân luồng hướng nghiệp, tuyển sinh đạt nhiều tích cực; thầy và trò các trường nghề còn gặt hái nhiều thành tích cao tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế.

Sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM trong lễ tốt nghiệp năm 2023 sẵn sàng tham gia thị trường lao động đã qua đào tạo

Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh ở các nghề đào tạo ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng thể kết quả tuyển sinh của các trường hàng năm. Việc này dẫn đến đa phần người lao động khó thích ứng sự thay đổi nhanh của khoa học công nghệ so với người lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng.

Công tác số hóa, chuyển đổi số chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ. Cạnh đó, nhiều cơ sở xuống cấp, phương tiện kỹ thuật dạy học lạc hậu, diện tích đất nhỏ không đảm bảo theo quy định.

Xét về yếu tố chủ quan, khó khăn của hệ thống GDNN còn nằm ở việc kết quả tuyển sinh trình độ trung cấp không đạt chỉ tiêu nhiều năm, do ảnh hưởng từ chính sách tuyển sinh trình độ đại học và một phần là do chất lượng đào tạo, điều kiện học tập của các trường nghề chưa đảm bảo, chưa thu hút người học.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM báo cáo tổng quan về hệ thống GDNN của thành phố

Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo một số trường cao đẳng, trung cấp nghề và các chuyên gia về GDNN đã có nhiều tham luận, đóng góp ý kiến để các cơ sở GDNN của thành phố phát triển đúng hướng, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong từng nhóm ngành để kịp thời cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, của xã hội.

TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng tham luận về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành cơ khí tự động hóa

Nhiều ý kiến đề xuất UBND thành phố cần có chế độ, chính sách đặc thù trong xây dựng đội ngũ nhà giáo làm công tác đào tạo nghề theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm số lượng đủ, cơ cấu đồng bộ và giỏi kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động. Mặt khác, trường nghề cần xây dựng tốt cơ sở hạ tầng kỹ thuật mới đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, học tập đặc thù của GDNN.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức một lần nữa nhấn mạnh, thành phố là trung tâm GDNN lớn của cả nước, với gần 200.000 người tốt nghiệp các trình độ nghề/năm.

Tuy nhiên, thế mạnh này chưa được phát huy hiệu quả do còn các trường còn tuyển sinh, đào tạo trùng lắp nhiều ngành, nghề. Theo đó, phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu ngay sau hội nghị này, mỗi cơ sở GDNN cần rà soát, đánh giá thực trạng đào tạo một cách thực chất, xác định được các lĩnh vực trọng điểm để tập trung đào tạo theo ngành nghề mũi nhọn, bản sắc, tránh đào tạo đa ngành, dàn trải.

Đồng thời Hội đồng Hiệu trưởng các Trường Cao đẳng và Trung cấp trên địa bàn TP.HCM cần bám sát 06 nhiệm vụ trọng tâm đã được Chủ tịch UBND thành phố ký ban hành là:

  1. Tham mưu, giúp cho UBND TPHCM xây dựng kế hoạch phát triển, nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng dạy; Đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của đất nước, xu thế của thế giới.
  2. Tham mưu, sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn thành phố theo quy hoạch; Xây dựng cơ chế phối hợp đào tạo giữa các trường với doanh nghiệp.
  3. Tham gia thực hiện các chương trình, dự án, các đề tài khoa học của thành phố theo yêu cầu; Tham gia xây dựng chính sách về GDNN.
  4. Xây dựng các mối liên kết giữa các trường, chia sẻ nguồn lực giữa các trường tiến đến xây dựng các chương trình thống nhất, công nhận tín chỉ của nhau.
  5. Tư vấn, định hướng hợp tác quốc tế đối với các trường cao đẳng, trung cấp trong các chương trình đào tạo trọng điểm
  6. Phối hợp với Hội đồng các trường Đại học của TP.HCM về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.

Hội đồng Hiệu trưởng được thành lập theo Quyết định số 2473/QĐ-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2021 của Chủ tịch UBND TP.HCM và được kiện toàn tại Quyết định số 1924/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2023 của UBND TP. Thường trực Hội đồng Hiệu trưởng gồm 11 thành viên gồm: Chủ tịch Hội đồng, 02 Phó Chủ tịch Hội đồng và 08 thành viên Hội đồng.

Hội đồng Hiệu trưởng được cơ cấu thành 08 tiểu ban chuyên gia theo nhóm ngành đào tạo chủ yếu, gồm:

(1) Tiểu ban chuyên gia nhóm ngành Vận tải – Kho bãi – Logistics có 25 thành viên là Hiệu trưởng các Trường Cao đẳng, Trường Trung cấp có tổ chức đào tạo theo nhóm ngành này; Trưởng Tiểu ban là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM.

(2) Tiểu ban chuyên gia nhóm ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn có 54 thành viên là Hiệu trưởng các Trường Cao đẳng, Trường Trung cấp có tổ chức đào tạo theo nhóm ngành này; Trưởng Tiểu ban là Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch Khách sạn Saigontourist.

(3) Tiểu ban chuyên gia nhóm ngành Cơ khí – Tự động hóa có 43 thành viên là Hiệu trưởng các Trường Cao đẳng, Trường Trung cấp có tổ chức đào tạo theo nhóm ngành này, Trưởng Tiểu ban là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.

(4) Tiểu ban chuyên gia nhóm ngành Công nghệ thông tin – Truyền thông có 71 thành viên là Hiệu trưởng các Trường Cao đẳng, Trường Trung cấp có tổ chức đào tạo theo nhóm ngành này; Trưởng Tiểu ban là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức.

(5) Tiểu ban chuyên gia nhóm ngành Y tế – Chăm sóc sắc đẹp – Thời trang có 54 thành viên là Hiệu trưởng các Trường Cao đẳng. Trường Trung cấp có tổ chức đào tạo theo nhóm ngành này và Trưởng Tiểu ban là Hiệu trưởng Trưởng Cao đẳng Bách Khoa Nam Sài Gòn.

(6) Tiểu ban chuyên gia nhóm ngành Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng có 70 thành viên là Hiệu trưởng các Trường Cao đẳng, Trường Trung cấp có tổ chức đào tạo theo nhóm ngành này và Trưởng Tiểu ban là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế – Đối ngoại.

(7) Tiểu ban chuyên gia nhóm ngành Xây dựng – Đô thị – Môi trường có 35 thành viên là Hiệu trưởng các Trường Cao đẳng. Trường Trung cấp có tổ chức đào tạo theo nhóm ngành này; Trưởng Tiểu ban là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiến trúc – Xây dựng TP.HCM.

(8) Tiểu ban chuyên gia nhóm ngành Văn hóa – Nghệ thuật – Xã hội và Nhân văn có 55 thành viên là Hiệu trưởng các Trường Cao đẳng. Trường Trung cấp có tổ chức đào tạo theo nhóm ngành này; Trưởng Tiểu ban là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM

Để giúp việc cho Hội đồng Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng đã thành lập Tổ giúp việc gồm 20 thành viên (theo Quyết định số 3067/QĐ-HĐHT ngày 23 tháng 8 năm 2021). Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng các trường Cao đẳng và trường Trung cấp trên địa bàn TP.HCM (theo Quyết định số 3068 QĐ-HĐHT ngày 23 tháng 8 năm 2021 và được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung theo Quyết định số 1925/QĐ-HĐHT ngày 15 tháng 5 năm 2023).

Hội đồng Hiệu trưởng đề ra 05 công tác trọng tâm trong năm 2024 như sau:

  1. Truyền thông, hướng nghiệp GDNN
  2. Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, kết nối cung – cầu lao động
  3. Nâng cao chất lượng sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp
  4. Đào tạo cho các đối tượng chính sách
  5. Thực hiện tốt chế độ sinh hoạt định kỳ của Hội đồng Hiệu trưởng năm 2024 và những năm tiếp theo.

Trần Quyền