24/02/2021 12:43:44

Tổng cục GDNN: Ban hành Cẩm nang đào tạo trực tuyến

Với những hướng dẫn đầy đủ, chi tiết các nội dung liên quan đến việc tổ chức đào tạo trực tuyến tại các cơ sở GDNN, “Cẩm nang đào tạo trực tuyến trong GDNN” giúp các nhà giáo, các nhà trường có thêm thông tin, kiến thức, kỹ năng về tổ chức quản lý, đào tạo trực tuyến, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) vừa phát hành Cẩm nang đào tạo trực tuyến trong GDNN” trên nền tảng web tại địa chỉ: https://daotaocq.gdnn.gov.vn/camnangdttt/, và có phiên bản điện tử phát hành trên website của Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN.

“Cầm tay chỉ việc” về đào tạo trực tuyến

Theo Tổng cục GĐNN, đào tạo trực tuyến tuy có nhiều ưu điểm song hiện tại vẫn là vấn đề quá mới với hệ thống GDNN, một hệ thống với đặc trưng là đào tạo thực hành, phát triển kỹ năng.

Các cơ sở GDNN trước đây hầu hết chỉ quen với việc tổ chức đào tạo trực tiếp, gắn với việc hướng dẫn thực hành, thực tập trực tiếp nay chuyển sang đào tạo trực tuyến, giảng dạy, hướng dẫn từ xa; trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học của nhà giáo ở nhiều cơ sở GDNN cũng còn hạn chế, lúng túng trong sử dụng các ứng dụng về đào tạo trực tuyến ….

Về mặt pháp lý, mặc dù đã có quy định cho việc đào tạo trực tuyến nhưng những quy định này chưa tính hết những phát sinh mới trong thực tiễn.v.v… Những điều đó dẫn đến việc tổ chức đào tạo trực tuyến trong GDNN còn gặp những khó khăn nhất định.

Để góp phần vào giải quyết những khó khăn nêu trên, Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN phối hợp với Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) đã tổ chức biên soạn tài liệu điện tử: “Cẩm nang đào tạo trực tuyến trong GDNN”.

“Cẩm nang đào tạo trực tuyến trong GDNN” là tài liệu hướng dẫn đầy đủ, chi tiết các nội dung liên quan đến việc tổ chức đào tạo trực tuyến tại các cơ sở GDNN, giúp các nhà giáo, các nhà trường có thêm thông tin, kiến thức, kỹ năng về tổ chức quản lý, đào tạo trực tuyến.

Cuốn Cẩm nang bao gồm các nội dung chính sau: Khái quát về đào tạo trực tuyến; Quy định và hướng dẫn về đào tạo trực tuyến; Hướng dẫn sử dụng các phần mềm đào tạo trực tuyến; Hướng dẫn xây dựng hệ LMS bằng mã nguồn mở; Phụ lục: Một số văn bản hướng dẫn đào tạo trực tuyến.

Xu thế tất yếu của thời đại

Thời gian qua, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, đồng thời thay đổi hoàn toàn hệ thống sản xuất và quản trị hiện nay. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, đào tạo trực tuyến (E-learning) ra đời như một cuộc cách mạng về dạy và học, trở thành một xu thế tất yếu của thời đại và đang “bùng nổ” ở nhiều nước đã và đang phát triển, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến toàn thế giới.

Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn kinh tế tri thức. Đặc điểm của nền kinh tế này là dịch vụ sẽ là khu vực thu hút được nhiều lao động tham gia nhất và là những lao động có tri thức cao. Do đó việc nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục, đào tạo sẽ là nhân tố sống còn quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, công ty, gia đình, và cá nhân. E-learning chính là một giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề này. Việc học tập không chỉ bó gọn trong việc học phổ thông, học đại học mà cả GDNN – một cấp học chú trọng vào đào tạo kỹ năng.

Từ những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên thế giới, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho hệ thống giáo dục đào tạo nói chung, hệ thống GDNN nói riêng, Việt Nam đã chủ động, kịp thời có các giải pháp để ứng phó với tình hình mới. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo Tổng cục GDNN, hệ thống GDNN đã chuyển đổi tuyển sinh, đào tạo từ truyền thống (offline) sang hình thức đào tạo trực tuyến (online).

Đây là phương thức học thông qua một máy tính, hoặc thiết bị di động nối mạng đối với một máy chủ ở nơi khác có lưu giữ sẵn bài giảng điện tử và phần mềm cần thiết để có thể yêu cầu cho học sinh học trực tuyến từ xa. Giáo viên có thể truyền tải hình ảnh và âm thanh qua đường truyền băng thông rộng hoặc kết nối không dây (WiFi, WiMAX), mạng nội bộ (LAN).

Đào tạo trực tuyến cho phép đào tạo mọi lúc mọi nơi, truyền đạt kiến thức theo yêu cầu, thông tin đáp ứng nhanh chóng. Học viên có thể truy cập các bài học, các khoá học bất kỳ nơi đâu như tại văn phòng làm việc, tại nhà, tại những điểm Internet công cộng, 24 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần.

Ưu điểm của đào tạo trực tuyến giúp giảm khoảng 60% các chi phí truyền thống như địa điểm, lớp học, giáo viên….; giúp giảm thời gian đào tạo từ 20-40% so với phương pháp giảng dạy truyền thống nhờ hạn chế sự phân tán và thời gian đi lại; học viên có thể chọn lựa những khoá học có sự chỉ dẫn của giảng viên trực tuyến hoặc khoá học tự tương tác (Interactive Self-pace Course), tự điều chỉnh tốc độ học theo khả năng và có thể nâng cao kiến thức thông qua những thư viện trực tuyến; nội dung truyền tải nhất quán. Đào tạo trực tuyến dễ dàng tạo và cho phép học viên tham gia học, dễ dàng theo dõi tiến độ học tập, và kết quả học tập của học viên.

Năm 2020, trong bối cảnh công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo bị gián đoạn và phải thay đổi nhiều do tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19, các cơ sở GDNN đã áp dụng linh hoạt và đa dạng các phương pháp giảng dạy.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo đã được hầu hết các cơ sở GDNN ứng dụng các phần mềm tin học trong công tác quản lý đào tạo (từ khâu quản lý công tác tuyển sinh; xây dựng, quản lý kế hoạch đào tạo; quản lý kết quả đào tạo; quản lý văn bằng tốt nghiệp,…). Nhiều trường đã thực hiện tuyển sinh online, quản lý kết quả đào tạo online…nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học.

Kết quả, năm 2020 cả nước tuyển sinh khoảng 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch; trong đó, tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng khoảng 580 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,7 triệu người.

Tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người, đạt mục tiêu đề ra, trong đó: tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp khoảng 510 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,68 triệu người.

Hải An