Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV họp từ ngày 22/5/2023 đến ngày 24/6/2023 đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Thông qua 8 Luật và 17 Nghị quyết quan trọng
Thông qua 08 luật: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Thông qua 17 nghị quyết: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội;
Hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm
Về đảm bảo an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, Nghị quyết chỉ rõ: Có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm; xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.
Chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh; ngăn chặn suy thoái về đạo đức, lối sống; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Phát huy vai trò của các trường đại học sư phạm trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên, đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới phù hợp; xử lý có hiệu quả các bất cập về sách giáo khoa, tình trạng thừa, thiếu giáo viên, thiếu trường học, lớp học; ưu tiên ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, bảo đảm điều kiện thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội gắn với ổn định sinh kế, nhất là tại khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chủ động ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…
Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ
Về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nghị quyết nêu rõ: “Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã hoàn thành cơ bản toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, nhất là tăng trưởng và thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả, vừa thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện khó khăn do cả yếu tố bên trong và bên ngoài; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội giao. Những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ có xu hướng tăng; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống tinh thần, vật chất của người dân tiếp tục được quan tâm, cải thiện; lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh cơ bản được bảo đảm; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng và tăng cường; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt nhiều kết quả quan trọng”.
Hồng Nhung