“Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thời gian tới sẽ tập trung cho việc phát triển và nâng cao kỹ năng lao động. Tổng cục GDNN sẽ giữ vai trò trọng tâm trong việc triển khai các nhiệm vụ, tuy nhiên tiếng nói từ Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam là tiếng nói có nhiều ưu thế, thế mạnh, đóng góp vào việc phát triển GDNN”
Đây là phát biểu của bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam tại phiên họp của Ban Thường vụ Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam Dương Đức Lân.
Tại Hội nghị, các ý kiến thành viên Ban thường vụ đã đóng góp nhiều ý tưởng và giải pháp để Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng cho GDNN và nghề CTXH Việt Nam trong nhiệm kỳ cho 5 năm sắp tới….
Nhiều kết quả nổi bật trong quý I/2021
Tại Hội nghị, báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ quý I/2021 của Hiệp hội, ông Phan Sỹ Nghĩa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cho biết, 3 tháng đầu năm 2021, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động toàn diện trên các lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, nổi bật là Hiệp hội đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội đã thảo luận, thống nhất cao, thông qua Báo cáo tổng kết kết quả hoạt động nhiệm kỳ II và các mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện do Ban chấp hành nhiệm kỳ II trình Đại hội.
Các văn kiện nghị quyết được thông qua tại Đại hội là trí tuệ, ý chí của toàn đại hội, các hội viên. Đồng thời là sự tổng kết thực tiễn thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ II của Hiệp hội; sự vận dụng các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn phát triển mới của Đất nước vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ và xây dựng Hiệp hội.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 68 người để đảm đương trọng trách lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hiệp hội nhiệm kỳ 2020-2025, thể hiện tính kế thừa, quyết tâm đổi mới và sự chuyển tiếp hợp lý giữa các thế hệ lãnh đạo của Hiệp hội.
Sau Đại hội, Hiệp hội đã tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ kết quả Đại hội báo cáo Bộ Nội vụ theo quy định, thông báo danh sách Ban lãnh đạo Hiệp hội tới hội viên và các cơ quan liên quan. Phân công lãnh đạo Hiệp hội tham gia Ban tổ chức Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 theo đề nghị của Tổng cục GDNN.
Trong công tác chuyên môn, Hiệp hội đã bảo vệ trước các Hội đồng thẩm định của Tổng cục GDNN sản phẩm của một số đề tài về xây dựng “quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu năng lực người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ cao đẳng và trung cấp” (chuẩn đầu ra); xây dựng Định mức kinh tế kỹ thuật và Danh mục thiết bị đào tạo; xây dựng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho một số nghề được Tổng cục GDNN giao Hiệp hội thực hiện.
Phối hợp với Cục Việc làm tổ chức 2 Hội nghị tuyên truyền về chính sách thuộc lĩnh vực việc làm, bảo hiểm thất nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau (trong khuôn khổ Kế hoạch phối hợp công tác năm 2020 giữa Hiệp hội và Cục). Tham gia góp ý kiến phản biện về một số quy định về trình độ cao đẳng và định hướng hoạt động của Tổng cục GDNN.
Trong lĩnh vực công tác xã hội và chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, Hiệp hội đã triển khai một số nội dung của Dự án thành phần “Nghiên cứu về tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục của trẻ em trong các gia đình công nhân di cư làm việc tại các khu công nghiệp tại Hà Nội” thuộc EU JULE do tổ chức OXFAM tài trợ. Viện Nghiên cứu – Đào tạo công tác xã hội tổ chức được nhiều lớp trực tiếp và trực tuyến hướng dẫn tự chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm người, trong đó có nhiều người thuộc đối tượng chính sách.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, Hiệp hội đã chuẩn bị triển khai đề tài “Giải pháp tăng cường tiếp cận của người lao động có thu nhập trung bình khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng nguồn kinh phí do Bảo hiểm XHVN cấp.
Chú trọng vai trò xây dựng và phản biện chính sách
Phát huy kết quả đạt được, 9 tháng cuối năm 2021, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức của Hiệp hội. Đáng chú ý, Hiệp hội sẽ xem xét thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng GDNN, Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và đào tạo. Đồng thời, chú trọng phát triển các hội viên mới, nhất là trong các cơ sở GDNN, các cơ sở đào tạo nghề làm đẹp và công tác xã hội, vận động thành lập một số Hội GDNN tại một số địa bàn. Kiện toàn Ban lãnh đạo Hội Đào tạo- Phát triển nghề làm đẹp, tổ chức Đại hội Hội Đào tạo- Phát triển nghề làm đẹp; Đánh giá kết quả hoạt động của Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống sau 1 năm được giao quyền tự chủ toàn diện để kịp thời có sự điều chỉnh nhằm giúp Tạp chí hoạt động hiệu quả hơn.
Hiệp hội cũng sẽ tham gia ý kiến xây dựng Chiến lược Phát triển GDNN và Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN giai đoạn 2021-2030, các đề án và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Đối với lĩnh vực công tác xã hội, Hiệp hội tham gia ý kiến về các giải pháp thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Trong công tác chuyên môn, Hiệp hội sẽ xây dựng nội dung và ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 và triển khai một số hoạt động thuộc kế hoạch của năm 2021 với các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN, Cục Việc làm, Cục An toàn, Cục Trẻ em, Cục Bảo trợ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong đó chú trọng tham gia xây dựng chuẩn đầu ra, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật cho một số nghề. Ngoài ra tham gia bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nhà giáo GDNN, các bộ quản lý các cơ sở GDNN, tuyên truyền phổ biến về pháp luật có liên quan.
Đối với công tác truyền thông, trong 9 tháng cuối năm, Hiệp hội sẽ phát huy và nâng cao chất lượng, hiệu quả về tuyên truyền, vận động học nghề, việc làm bền vững. Đồng thời thực hiện các chuyên đề sâu về GDNN, việc làm, An toàn lao động, an sinh xã hội trên Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống. Vận động các cơ sở hoạt động trong nghề làm đẹp áp dụng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia nghề chăm sóc da sắp được Bộ LĐ-TB&XH ban hành trong hành nghề để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ theo hướng chuẩn hóa.
Hiệp hội cũng sẽ thực hiện các nội dung của dự án “nghiên cứu về tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục của trẻ em trong các gia đình công nhân di cư làm việc tại các khu công nghiệp tại Hà Nội”. Triển khai thực hiện đề tài “Giải pháp tăng cường tiếp cận của người lao động có thu nhập trung bình khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”…
Nhiều ý kiến tâm huyết xây dựng nâng cao vai trò của Hiệp hội
Tham luận tại Hội nghị, nhiều ý kiến thành viên Ban thường vụ đã đóng góp nhiều ý tưởng và giải pháp để Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng cho GDNN và nghề CTXH Việt Nam trong nhiệm kỳ cho 5 năm sắp tới….
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam, Hiệp hội có nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực GDNN. Do đó các hoạt động của Hiệp hội cần hướng đến trọng tâm của lĩnh vực GDNN trong thời gian tới.
Cụ thể, hiện nay, Tổng cục GDNN đang tập trung quyết liệt cho nhiệm vụ nâng cao kỹ năng lao động gắn với tăng nâng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Với Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/10 hàng năm đã trở thành Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Đây là sự kiện đặc biệt với nguồn nhân lực lao động kỹ năng nói riêng và lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng khi mà giá trị của kỹ năng lao động được ghi nhận, được khẳng định và tôn vinh.
Ngày Kỹ năng lao động theo đó sẽ là điểm tựa quan trọng về mặt truyền thông, chủ trương, định hướng triển khai các nhiệm vụ nâng cao kỹ năng lao động. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GNNN Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh, “Tổng cục GDNN sẽ giữ vai trò trọng tâm trong việc triển khai các hoạt động nâng cao kỹ năng lao động nhưng tiếng nói từ Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cũng có những ưu thế, có thế mạnh riêng”.
Để phát huy những ưu thế, thế mạnh đặc thù đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương cho rằng, Hiệp hội cần chú ý nhiều vấn đề mang tính chất hệ thống. Cụ thể, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cần đưa ra các ý kiến tham mưu cũng như tiếng nói phản biện từ thực tiễn dư luận xã hội về hệ thống cấu trúc hiện nay. Trong đó, chú ý đến khung trình độ quốc gia. Hiệp hội cần có tiếng nói phân tích khung trình độ quốc gia đang được hiểu thế nào, trên cơ sở đó xem xét cách tiếp cận của Việt Nam thế nào là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Hiệp hội cần có các chiến lược, kế hoạch làm việc chi tiết để làm nổi bật nội dung này.
Cũng theo bà Hương, ngoài khung trình độ quốc gia còn có khung trình độ kỹ năng nghề. Hai khung trình độ này có mối quan hệ với nhau. Từ mối quan hệ này, vai trò, tiếng nói của Hiệp hội với các cơ quan nhà nước, các các tổ chức đoàn thể xã hội mới đưa ra được thông điệp khách quan. Đó là khung trình độ quốc gia phải tiệm cận, kết nối, quy chiếu được sang khung trình độ kỹ năng nghề. Bởi khung trình độ kỹ năng là yếu tố để đo lường yêu cầu đầu ra mà doanh nghiệp cần.
Bà Hương cũng nhấn mạnh, khung trình độ quốc gia và khung trình độ kỹ năng nghề cũng phải quy chiếu sang khung cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam. Hiên khung cơ cấu này, Hiến pháp, Luật pháp đã đề cập đến nhưng vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Do đó Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cần có tiếng nói về nội dung này.
“Với cách tiếp cận hệ thống như vậy, có tiếng nói của Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam, tiếng nói của các hiệp hội, các hội đồng sẽ góp phần cộng hưởng, lan tỏa sẽ có thêm sức cộng hưởng, lan tỏa. Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam sẽ là cầu nối đề xuất nên phát triển hội đồng nghề nào trước để phù hợp với xu hướng phát triển của GDNN, nhu cầu của doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Việt Hương góp ý.
Góp ý giải pháp để Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng cho GDNN và nghề CTXH Việt Nam, ông Phan Quang Trung, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch -Đầu tư, Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cho rằng, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong GDNN, học tập kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực GDNN. Cùng với đó chú ý đến mối quan hệ phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn. “Đây cũng chính là thế mạnh của Hiệp hội GDNN và nghề CTXH so với các Hiệp hội khác, bởi lẽ GDNN gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phan Quang Trung.
Các ý kiến cũng đánh giá, lãnh đạo Hiệp hội và các thành viên trong Ban thường vụ Hiệp hội đều nguyên là lãnh đạo Tổng cục, các Cục, vụ thuộc Bộ LĐ-TB&XH, là những “cây đa”, “cây đề” của ngành LĐ-TB&XH và các ngành nghề khác. Do đó, Hiệp hội không chỉ đông về lực lượng mà còn mạnh về trí tuệ, kinh nghiệm”. Đây là những nhân tố thuận lợi để Hiệp hội phát triển mạnh, trở thành một Hiệp hội lớn mạnh của Việt Nam. đóng góp to lớn cho lĩnh vực dạy nghề trước đây và GDNN hiện nay.
Các ý kiến thành viên Ban thường vụ Hiệp hội cũng cho rằng, Hiệp hội cần tăng cường công tác truyền thông để góp phần nâng cao nhận thức đối với người dân và học sinh về GDNN, góp phần thực hiện tốt công tác phân luồng sau THCS, THPT. Năng động trong các hoạt động, các lĩnh vực chuyên môn để các thành viên hiểu hơn về vai trò của Hiệp hội, tạo cơ sở cho việc phát triển các hội viên mới, nhất là trong các cơ sở GDNN, các cơ sở đào tạo nghề lam đẹp và công tác xã hội.
Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Hiệp hội cũng đã trao đổi về công tác tổ chức, phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Thường vụ.
Hải An