Xu hướng áp dụng các thông lệ tốt về ESG vào doanh nghiệp đang ngày càng phổ biến trên thế giới và bắt đầu được biết đến nhiều hơn tại Việt Nam. Đây được xem là một cách tiếp cận chủ động của doanh nghiệp khi đối diện với ngày càng nhiều rủi ro về phát triển bên vững liên quan đến yếu tố môi trường và con người.
Nhiều nghiên cứu học thuật cho thấy, việc liên kết các chỉ số ESG với thù lao của Ban điều hành sẽ góp phần cải thiện một số chỉ số nhất định của doanh doanh nghiệp theo đuổi tăng trưởng “xanh”. Trong đó có góp phần tăng giá trị doanh nghiệp, giảm phát thải, tăng cường đổi giá trị CSR (trách nhiệm xã hội) của doanh nghiệp và cải thiện độ tin cậy của các báo cáo về CSR.
ESG là cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Theo đó, khi doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt.
Đó là nội dung trọng tâm được các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp thảo luận, trạo đổi tại Directors Talk “Chương trình hành động của HĐQT trong việc tích hợp ESG vào chính sách thù lao Ban điều hành” do Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) tổ chức mới đây.
Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, để doanh nghiệp phát triển bền vững cũng như chuẩn bị cho một Hội đồng quản trị (HĐQT) vững vàng – vững tâm – vững tin hướng tới sự bền vững, thì một trong những chủ đề “nóng” đang được các lãnh đạo doanh nghiệp cao cấp trên toàn cầu và tại Việt Nam đặc biệt quan tâm chính là các vấn đề về ESG.
Chủ tịch VIOD cho rằng, nếu đối chiếu với các thông lệ trả thù lao cho Ban điều hành thì việc tích hợp ESG vào thù lao của Ban điều hành không phải là một bước nhảy vọt. Tuy nhiên, trước hết doanh nghiệp cần phải xác định có sẵn sang tích hợp ESG vào thù lao của Ban điều hành hay chưa thông qua việc xem xét về mức độ phát triển của các chính sách thù lao hiện tại.
Theo đó, nếu như các chính sách thù lao hiện tại đã phát triển thì sẽ là cơ sở tối ưu hơn để xem xét tích hợp ESG vào các yếu tố thù lao. Ngược lại, nếu chính sách thù lao hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế thì nên xây dựng lộ trình để từng bước khắc phục hạn chế và hướng đến việc tích hợp ESG vào thù lao của Ban điều hành.
Bên cạnh đó, Bản thân HĐQT cũng cần phải có năng lực liên quan đến ESG để tích hợp ESG với chiến lược của doanh nghiệp. Đi theo đó là cấu trúc HĐQT phù hợp. Bởi việc tích hợp ESG vào thù lao của Ban điều hành không chỉ đơn thuần là quyết định của HĐQT. Do đó, cần có một cơ chế phù hợp, cần sự tham gia của cả bộ phận nhân sự và các nhà tư vấn để cùng giải quyết nhiều vấn đề liên quan khác.
Còn theo bà Tiêu Yến Trinh, Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Talentnet, trước hết, không quan trọng là số vốn đầu tư bao nhiêu mà quan trọng hơn là cách doanh nghiệp áp dụng cấu trúc ESG theo hành trình đề cao sự minh bạch, rõ ràng. Bởi ở mặt bằng chung, thù lao HĐQT thì gần như không tăng, tuy nhiên khảo sát cho thấy, nhóm các công ty có thực hành HĐQT chuyên nghiệp như nhóm ngành Tài chính, Ngân hàng, Bất động sản hay Hàng tiêu dùng lại có mức tăng đáng kể.
Theo Deloitte, các nhà đầu tư hiện nay ngày càng quan tâm đến ESG bởi điều nay có tác động sâu sắc đến báo cáo hàng năm của các doanh nghiệp. Cộng đồng đầu tư tin rằng doanh nghiệp nào có chương trình ESG hiệu quả có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn. Đồng thời các nhà đầu tư hiện quan tâm nhiều hơn đến các cam kết và hành vi minh bạch doanh nghiệp mà các thành viên HĐQT thể hiện để thúc đẩy lợi thế cạnh tranh. Các cổ đông ngày nay quan tâm nhiều hơn đến bảng cân đối kế toán. Họ cũng tìm kiếm dữ liệu để giúp xác định các công ty đang tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh cốt lỗi của mình. Bởi vậy, ESG hiện thường được đưa vào quá trình phân tích, quyết định đầu tư và hoạt động cam kết. Đánh giá đầu tư mới nhất của Liên minh Đầu tư bền vững toàn cầu cho thấy, đầu tư bền vững toàn cầu hiện đạt 35 nghìn tỷ USD – tăng 15% trong hai năm và tương đương 36% tổng tài sản được quản lý chuyên nghiệp. |
Tuấn Việt