21/04/2025 11:22:33

Thúc đẩy đào tạo nhân lực ngành bán dẫn qua mô hình liên kết giáo dục – doanh nghiệp

Ngành công nghiệp bán dẫn đang mở ra cánh cửa đầy hứa hẹn cho Việt Nam, nhờ lợi thế về nguồn nhân lực trẻ và chính sách khuyến khích đào tạo bài bản. Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, cùng sự hợp tác quốc tế, được xem là “chìa khóa vàng” để Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực công nghệ lõi này.

Liên kết đào tạo với doanh nghiệp được coi là “chìa khóa vàng” phát triển nhân lực ngành bán dẫn

Thời điểm vàng cho sinh viên ngành bán dẫn

Tại hội thảo Phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam và toàn cầu thông qua liên kết giáo dục và doanh nghiệp, do Asia University Vietnam (thuộc Viện Đào tạo Đại học Quốc tế FPT) tổ chức, ông Đỗ Tiến Thịnh — Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia — khẳng định: ngành bán dẫn là “ngành công nghiệp đặc biệt” và giữ vai trò then chốt đối với sự độc lập, tự chủ của bất kỳ nền kinh tế nào.

Việt Nam hiện mới dừng lại ở công đoạn đóng gói và kiểm thử chip, tuy nhiên mục tiêu dài hạn là mở rộng sang lĩnh vực thiết kế — mảng có giá trị hàng tỷ USD và nhiều dư địa phát triển.

“Đây là thời điểm vàng để sinh viên Việt Nam xác định hướng đi cho sự nghiệp, nhất là khi ngành bán dẫn không chỉ có mức thu nhập hấp dẫn mà còn gắn chặt với tính an ninh, bền vững của nền kinh tế,” ông Thịnh nhấn mạnh.

Nhân lực vừa là cơ hội, vừa là thách thức

Theo chiến lược quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo từ 50.000 đến 100.000 kỹ sư ngành bán dẫn từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, con số hiện tại chỉ mới đạt khoảng hơn 5.000 kỹ sư. Đây là một khoảng trống lớn mà các trường đại học đang nỗ lực lấp đầy, trong bối cảnh chi phí đầu tư cho đào tạo, trang thiết bị và nhân lực chất lượng cao rất lớn.

Điểm sáng của Việt Nam, theo các chuyên gia, là nền tảng toán học và khoa học tự nhiên vững chắc, giúp người học dễ dàng tiếp cận những kiến thức nền tảng trong thiết kế chip — lĩnh vực then chốt trong chuỗi giá trị bán dẫn.

Chính phủ cũng thể hiện rõ quyết tâm khi sớm có các chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực, như đầu tư 18 phòng thí nghiệm trọng điểm, hỗ trợ mua sắm thiết bị hiện đại và kết nối với các cường quốc công nghệ như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan.

Liên kết quốc tế: Rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn

Một điểm sáng trong công tác đào tạo nhân lực bán dẫn là mô hình liên kết giáo dục giữa FPT và Đại học Asia University (Đài Loan). Theo ông Hoàng Việt Hà, Viện trưởng Viện Đào tạo Đại học Quốc tế FPT, sinh viên sẽ học 2 năm đầu tại Việt Nam, tập trung vào công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, trước khi sang Đài Loan học chuyên sâu về bán dẫn trong 2 năm tiếp theo.

Chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, kết hợp đào tạo tiếng Trung, giúp sinh viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn thành thạo ngoại ngữ, dễ dàng hòa nhập vào môi trường học tập và làm việc quốc tế.

“Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp ngay trong quá trình đào tạo giúp sinh viên có cơ hội thực hành thực tế, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và công việc,” ông Hà nhấn mạnh.

“Đi để trở về” — nhân lực toàn cầu, phục vụ quốc gia

Không chỉ phục vụ nhu cầu nhân lực trong nước, Việt Nam kỳ vọng sẽ đào tạo ra thế hệ kỹ sư bán dẫn có thể cạnh tranh toàn cầu. Theo định hướng của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, phần lớn nguồn nhân lực này sẽ được rèn luyện trong môi trường quốc tế để “đi để trở về” — mang theo kinh nghiệm, công nghệ và tư duy hiện đại về phục vụ sự phát triển của ngành bán dẫn trong nước.

Với sự đầu tư bài bản, liên kết chặt chẽ giữa giáo dục – doanh nghiệp – nhà nước, Việt Nam đang từng bước định vị mình trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu, sẵn sàng đón nhận những cơ hội lớn trong kỷ nguyên công nghệ số.

Phan Linh