06/12/2023 9:20:19

Thúc đẩy cung- cầu đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp

Ngày 6/12, tại Đại học Thủy lợi ( Hà Nội), Bộ NN&PTNT đã chủ trì tổ chức Hội nghị/Hội chợ việc làm kết cấu cung cầu về đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”.

Hoạt động này nhằm hướng tới mục tiêu  “Đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030”.

Gian hàng trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh tại hội chợ.

Tai hội nghị, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết: Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng  GDP bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 – 6%/năm; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/ năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2030 phấn đấu đạt 2,5 – 3 lần so với năm 2020; tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn.

Để đạt được các mục tiêu này, yêu cầu về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chất lượng cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại để tạo đột phá trong nghiên cứu; đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu thị trường, doanh nghiệp hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn…

Thời gian qua, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế của ngành. Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ NN&PTNT được kiện toàn về tổ chức bộ máy hoạt động.

Các trường của Bộ đã có nhiều nỗ lực, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo linh hoạt để thu hút học sinh, sinh viên; nhất là thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các viện, trường với cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, các trường cần tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.

Gian hàng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nổi bật với mô hình Robot thu nhỏ.

Các trường đã chú trọng công tác quảng bá tuyển sinh, mở rộng nhiều ngành nghề đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người học. Chẳng hạn, Đại học Thủy lợi mở các ngành mới An ninh mạng, Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh, Kinh tế số, Tài chính- Ngân hàng, Kiểm toán, Luật… Học viện Nông nghiệp Việt Nam mở mới các ngành gồm: Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Tài chính ngân hàng, Logistic và quản lý chuỗi cung ứng, Luật, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Quản lý bất động sản, Sư phạm công nghệ.

Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp đã được các trường quan tâm, triển khai thực hiện, điển hình một số cơ sở đào tạo đại học như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Thủy lợi, Đại học Lâm nghiệp.. ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp.

Một số trường như Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi, Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp… đã chủ động ký kết hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Tập đoàn Hòa Phát, Samsung, Canon, Toyota, Foxconn (Hồng Hải), Công ty Cổ phần nông nghiệp Trường Hải, Công ty TNHH CJ Vina Agri và Công ty TNHH Chăn nuôi New Hope.. để đưa học sinh, sinh viên đến thực tập, cam kết việc làm và khuyến khích học bổng, trả lương cho học sinh, sinh viên trong quá trình học và thực tập tại doanh nghiệp.

Việc hợp tác, liên kết giúp các trường có thêm nguồn lực quan trọng trong công tác đào tạo, thực hành thực tập; nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng uy tín, thương hiệu của nhà trường. Người học cơ hội nhận học bổng, hỗ trợ, ưu đãi trong quá trình học, rèn luyện các kiến thức, kỹ năng phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, nâng cao tinh thần khởi nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Gian hàng của CĐ Nông lâm Đông Bắc với các sản phẩm nuôi nông nghiệp chất lượng cao

Trong khuôn khổ sự kiện, các gian hàng trưng bày sản phẩm của các cơ sở đào tạo đã khẳng định sự sáng tạo, đổi mới, cập nhật và ứng dụng những kiến thức, nền tảng công nghệ để ứng dụng trong giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực của đời sống sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng phát triển kinh tế xanh.

Đại diện nhóm tác giả “Mô hình đào tạo hệ thống điện máy điều hòa VRF” của CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh nhận Chứng nhận trong Sách Vàng sáng tạo Việt Nam- 2023.

Có thể kể đến các gian hàng ấn tượng tại hội chợ như: Gian hàng của trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh với Mô hình đào tạo hệ thống điện máy điều hòa VRF. Gian hàng thu hút sự quan tâm của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các doanh nghiệp quan tâm. Đặc biệt, tại đây còn có các em sinh viên của Singapore tới tham quan trao đổi cùng giao lưu học hỏi những mô hình hay của nhà trường. Nhóm tác giả sáng tạo mô hình này vinh dự là một trong 79 tác giả, nhóm tác giả được ghi nhận trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam – 2023.

CĐ Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc với các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Gian hàng của trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nổi bật với mô hình Robot thu nhỏ – đây là sự sáng tạo của giảng viên nhà trường, ứng dụng trong công tác giảng dạy, giúp sinh viên tiếp cận dễ dàng đối với ngành học Tự động hóa, cũng như phát triển các kỹ năng nghề trong xu hướng thích ứng với cuộc CMCN 4.0.

Hay những gian hàng với nhiều sản phẩm nông nghiệp được ứng dụng từ những mô hình nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp xanh của các Viện Nông nghiệp, trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc, trường CĐ Nông lâm Đông Bắc, Đại học Lâm nghiệp… Các sản phẩm đã được nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng sử dụng và đánh giá tích cực.

Việc thiết lập mối quan hệ khăng khít cung cầu nhân lực đã giúp định hướng nghề nghiệp và thu hút tuyển sinh. Trên cơ sở chuẩn đầu ra, một số trường đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chương trình đảm bảo linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp.

CĐ Cơ khí Nông nghiệp với các sản phẩm chế tạo Cơ khí hoàn hảo, khẳng định chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

Những nỗ lực, kết quả trên đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, góp phần quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa Cung – Cầu về đào tạo nguồn nhân lực, Bộ NN&PTNT đề nghị các cơ sở đào tạo nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích của việc hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với các doanh nghiệp. Thường xuyên khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo, cập nhật chương trình, nội dung đào tạo với sự tham gia của các doanh nghiệp như người sử dụng sản phẩm đào tạo của các trường. Đây không chỉ là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của mỗi trường trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động, cạnh tranh tuyển sinh ngày càng gay gắt và bối cảnh tự chủ tài chính.

Các doanh nghiệp chủ động tham gia đặt hàng đào tạo, cung cấp học bổng hỗ trợ người học, đặc biệt đối với các ngành nông nghiệp khó tuyển sinh, khó xã hội hóa; tham gia xây dựng chương trình đào tạo và kiểm định chất lượng, đánh giá kết quả đào tạo theo mức độ đáp ứng yêu cầu sử dụng.

Thu Thủy