16/06/2021 1:08:08

Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT tạo điều kiện thuận lợi cho trường nghề dạy chương trình GDTX cấp THPT

Ngày 14/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Trong Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo ngành giáo dục các cấp tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDNN tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh THCS.

Theo Thủ tướng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của người lao động.

So với 5 năm trước, số lượng công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm; đời sống của công nhân lao động ngày càng được cải thiện; điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng; các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được áp dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một bộ phận không nhỏ công nhân lao động vẫn chưa có việc làm ổn định, phù hợp. Điều kiện làm việc ở nhiều doanh nghiệp và đời sống của công nhân lao động chưa được cải thiện, có nơi còn yếu kém, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến đời sống, việc làm của nhiều công nhân lao động, đặc biệt ở bộ phận lao động giản đơn.

Ảnh minh họa

Khắc phục tình trạng kể trên, một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng giao cho Bộ LĐ-TB&XH triển khai là đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển hệ thống GDNN theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của công nhân lao động.

Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; gắn kết và huy động doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho công nhân lao động; đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo ngành giáo dục các cấp hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDNN tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại cơ sở GDNN, nhất là đối với con em công nhân lao động.

Hiện nay, theo quy định của Bộ GD&ĐT, các cơ sở GDNN muốn giảng dạy chương trình GDTX ở bậc THPT phải phối hợp, liên kết với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Dự thảo Thông tư Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN dành cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp trong cơ sở GDNN đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý hoàn thiện theo nhận định của nhiều cơ sở GDNN là chưa có gì đột phá, chưa tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho trường nghề.

Phản ánh của đại diện nhiều cơ sở GDNN, Dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định, mỗi ngành, nghề của GDNN, học sinh phải học ít nhất 04 môn học: 02 môn học bắt buộc và ít nhất 02 môn học lựa chọn phù hợp với ngành, nghề đào tạo. Cụ thể, Các môn học bắt buộc: Toán và Ngữ văn (Mỗi môn có thời lượng 270 tiết); Các môn học lựa chọn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí (Mỗi môn có thời lượng 180 tiết).

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành 4 môn này, học sinh không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu muốn dự thi tốt nghiệp THPT thì các em vẫn phải học chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT, bao gồm 7 môn học ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Như vậy, bản chất của dự thảo “Thông tư Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN dành cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp trong cơ sở GDNN” không có gì đột phá. Các trường nghề vẫn không được phép giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT.

Muốn được dạy, các cơ sở GDNN bắt buộc phải phối hợp, liên kết với các Trung tâm giáo dục thường xuyên. Điều này, theo đại diện các cơ sở GDNN vừa gây khó cho trường nghề, vừa không tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh, vừa gây vướng mắc cho việc phân luồng học sinh theo Quyết định số 522 của Thủ tướng.

Với việc Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg cùng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị, hy vọng sẽ có sự tiếp thu từ phía Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở đó, chỉ đạo ngành giáo dục các cấp tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDNN tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh THCS.

Hải Yến