Những ngành, nghề có tuổi nghề rất thấp như vận động viên, diễn viên xiếc… ngoài ưu đãi về tiền lương, tuổi nghỉ hưu, cần có chính sách chuyển đổi vị trí việc làm, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Trên cơ sở đó, người lao động tiếp tục phát huy kinh nghiệm, kỹ năng đã có.
Đây là một trong những nội dung được Thủ tướng nêu trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc điều chỉnh thang bảng lương, tuổi nghỉ hưu đối với các nghệ sĩ, diễn viên nói chung và các nghệ sĩ, diễn viên múa, xiếc nói riêng.
Về chính sách tiền lương, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ VH-TT&DL đề xuất và phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý.
Từ đề xuất của Bộ VH-TT&DL về thang, bảng lương mới của viên chức ngành VH-TT&DL (trong đó có các nghệ sĩ, diễn viên múa, diễn viên xiếc), Chính phủ giao Bộ Nội vụ tổng hợp, cân đối chung, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế độ tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế, khả năng ngân sách và theo đúng quan điểm, định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW về thực hiện chế độ tiền lương mới; Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 9-10-2020 của Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Về tuổi nghỉ hưu, Thủ tướng cho biết, theo quy định của pháp luật thì diễn viên xiếc uốn dẻo, đế trụ, nhào lộn và xiếc khác trên cao; diễn viên xiếc; dạy thú và biểu diễn xiếc thú, múa ballet, múa cổ truyền và hát tuồng; diễn viên chèo, cải lương, dân ca, kịch, điện ảnh và ca sĩ chuyên nghiệp… thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Như vậy, các nghệ sĩ, diễn viên múa, xiếc có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.
Riêng các trường hợp có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên sẽ được hưởng lương hưu khi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên (không kể tuổi đời).
Thực tế có những ngành, nghề có tuổi nghề rất thấp như vận động viên, diễn viên xiếc như ý kiến đại biểu nêu và một số ngành, nghề khác (tuổi nghề chỉ khoảng 30 – 35 tuổi hoặc thấp hơn) nên không thể quy định tuổi nghỉ hưu theo tuổi nghề do phải đảm bảo tương quan trong tổng thể chính sách bảo hiểm xã hội nói chung.
Vì vậy, đối với các ngành, nghề này, Thủ tướng cho biết, ngoài các chính sách ưu đãi về tiền lương, tuổi nghỉ hưu… cần có chính sách chuyển đổi vị trí việc làm, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp để người lao động tiếp tục phát huy kinh nghiệm, kỹ năng đã có.
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã chất vấn Thủ tướng về vấn đề thang bảng lương, tuổi nghỉ hưu đối với các nghệ sĩ, diễn viên múa, xiếc.
Theo đại biểu Dương Minh Ánh, hiện nay, việc áp thang bảng lương cho nghệ sĩ, diễn viên nói chung, đặc biệt các nghệ sĩ, diễn viên múa và xiếc nói riêng đang có nhiều bất cập, chưa hợp lý. Bởi lẽ, thời gian học tập của họ rất dài (phải học từ nhỏ, học 6 năm, 7 năm, 9 năm tốt nghiệp trung cấp; 3-4 năm tốt nghiệp đại học) nhưng thời gian cống hiến của họ rất ngắn.
Ngoài 30 tuổi trở đi, rất ít người có thể tiếp tục cống hiến theo nghề, gây khó khăn cho người sử dụng lao động. Đại biểu cho rằng, cần phải nghiên cứu để điều chỉnh lại thang bảng lương, tuổi nghỉ hưu đối với các nghệ sĩ, diễn viên nói chung và các nghệ sĩ, diễn viên múa, xiếc nói riêng. Đại biểu cũng đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề nêu trên.
Hải Yến