Dù luôn kêu gọi người dân chung tay cải thiện môi trường, ưu tiên triển khai nhiều giải pháp xây dựng thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp. Thế nhưng, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội tình trạng vứt rác bừa bãi, sử dụng các sản phẩm nhựa một lần vẫn diễn ra phổ biến như chưa từng được tuyên truyền.
Sau một thời gian dài phát động chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, phong trào này đã trở thành khẩu hiệu, lan tỏa sâu rộng từ các cấp, các ngành đến người dân. Nhiều hoạt động tuyên truyền về hạn chế sử dụng rác thải nhựa nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đã được tổ chức, các thông điệp cũng được treo phổ biến ở hầu hết các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội.
(Địa điểm chụp đường Hoàng Hoa Thám Hà Nội)- Ngày chụp 14/3/2021
Vậy nhưng, gần đây, tình trạng người dân đổ rác bừa bãi, sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, túi nilon vẫn xuất hiện phổ biến, nhiều điểm đen rác thải lại phát sinh như chưa từng được tuyên truyền.
Biển “CẤM ĐỔ RÁC” cũng chào thua
Hàng chục đống rác tự phát ngổn ngang khắp nơi, thậm chí rác thải tồn đọng nhiều ngày tràn ra đường giao thông. Nhiều điểm chứa xác động vật chết đang phân hủy, tiềm ẩn nguy cơ bệnh truyền nhiễm cao là những gì vẫn đang diễn ra tại một số tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Hoàng Mai, Minh Khai… Hà Nội.
Bãi rác tự phát nằm ngổn ngang trên chân đê Khuyến Lương, Hoàng Mai, Hà Nội(ngày chụp 13/3/2021)
Theo phản xạ, người dân đi qua con ngõ 55 Hoàng Hoa Thám (Quận Ba Đình) sẽ nghiêng người né những bao rác lớn vứt tràn ra chiếm gần nửa con đường. Điều đáng nói, mặc dù cơ quan chức năng đã đặt biển cấm đổ rác quy định mức xử phạt cho hành vi xả rác tại nơi đây lên tới 5 triệu đồng. Vậy nhưng, những túi rác lớn, nhỏ khác nhau vẫn chưa ngày nào ngừng xuất hiện dưới chân biển cấm này. Thậm chí, càng ở nơi nào có biển “cấm đổ rác” thì ở nơi đó lại càng nhiều phế thải.
Vô tư đổ rác dưới biển “CẤM ĐỔ RÁC”
Anh Hải Sơn người dân sống trên địa bàn cho biết: “Chỗ này vứt rác bừa bãi là chuyện thường tình như cơm bữa, bởi trong ngõ có nhiều khu dân cư. Đặc biệt, mỗi buổi chiều tối nhiều nhà không đợi được xe thu gom rác đến lại mang rác ra đường vứt. Người ta vứt nhiều quá, đến mức chẳng ai cản được”.
Ngay cả ở những nơi được nhân viên vệ sinh đặt thùng rác nhằm hạn chế việc vứt rác bừa bãi ra đường, ra ngõ thì thói quen vứt vô tội vạ vẫn ngang nhiên diễn ra, khiến thùng rác công cộng trở thành vật “trưng bày” ở những ngõ phố. Như dọc tuyến đường Âu Cơ, những bãi rác lộ thiên với đủ loại hộp nhựa, xốp, túi nilon vẫn dày đặc hai ven đường dù thùng rác bên cạnh trống trơn.
Thùng rác trống trơn… còn rác thì bỏ ra ngoài (Địa điểm chụp Âu cơ, Tây Hồ, Hà Nội-ngày chụp 13/3/2021)
Tình trạng vứt rác bừa bãi không chỉ xuất hiện ở những con ngõ nhỏ, tuyến đường dọc khu dân cư mà ngay cả ở những tuyến đường lớn như Đại lộ Thăng Long bãi rác cũng mọc lên như nấm, với quy mô lớn hơn gấp nhiều lần. Tâm lý “sạch nhà hơn bẩn ngõ” cứ chỗ nào trống, xa nhà một chút là vô tư “biến” thành bãi rác đã khiến nơi đây vương vãi rác thải sinh hoạt lẫn phế thải xây dựng gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị.
Đại lộ Thăng Long (đoạn giao với ngã 3 Lê Quang Đạo) phế thải rộng cả trăm mét được đổ một cách “vô tội vạ” (ngày chụp 19/3/2021)
Tuyên truyền thôi chưa đủ
Nguyên nhân khiến rác thải vẫn tiếp tục xuất hiện tràn lan chính là do “thói quen khó bỏ” tiện đâu vứt đấy của người dân, ngay khi những đợt tuyên truyền vận động chìm xuống, tật cũ lại tái diễn. Đặc biệt, trong mùa dịch COVID-19, lượng rác thải tăng cao khiến việc thu gom, xử lý hết các đợt rác thải trên địa bàn thành phố trở nên khó khăn hơn.
Thay đổi một thói quen, không chỉ dừng lại ở những hành động tuyên truyền, vận động, mà còn cần tạo ra một môi trường mới để mỗi cá nhân không có cơ hội tiếp xúc, tái diễn những thói quen cũ. Trước tình trạng trên, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội là cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp xử lý rác thải hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị cần quyết liệt hơn nữa trong việc hạn chế, cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác. Đồng thời, áp dụng chế tài xử phạt; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi xả rác thải bừa bãi ra môi trường để xây dựng một thành phố “Xanh – Sạch – Đẹp” đúng nghĩa.
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận được.
Rác vứt tràn lan trên vỉa hè, cho dù rất gần với với thùng rác (địa điểm trên đường Hoàng Hoa Thám)
Rác thải chất đống dọc tuyến đường Khuyến Lương, Hoàng Mai, Hà Nội (ngày chụp 13/3/2021)
Rác bị vứt tràn xuống đường (Địa điểm chụp Âu cơ, Tây Hồ, Hà Nội-ngày chụp 13/3/2021)
Nguyễn Ly