Để nâng cao vai trò và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng nông sản, Ban chỉ đạo liên ngành xác định cần tăng cường thông tin và truyền thông chính xác, kịp thời các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm trong Tháng an toàn thực phẩm 2022.
Phát triển chuỗi sản xuất – kinh doanh
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho biết, trong năm qua, công tác bảo đảm ATTP nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực.
Theo Cục An toàn thực phẩm –Bộ Y tế, hiện nay công tác quản lý ATTP đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn không ít bất cập, nhất là xuất phát từ việc còn tồn tại: Số lượng rất lớn các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, chưa nhiều sản phẩm được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Do vậy, việc kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc rất cần chú trọng đẩy mạnh hơn.
Với sự diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Việt Nam cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch, đặc biệt là trong sản xuất và kinh doanh.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP Trung ương chọn chủ đề Tháng hành động vì ATTP năm 2022 là: Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới.
Theo đó, mục tiêu của tháng hành động là: Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm;
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; Tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn người người dân thực hiện đúng các quy định.
Đồng thời, giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP củng cố niềm tin của người dân, và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Vai trò của cơ quan chức năng
Ngoài các hoạt động thường xuyên, “Tháng hành động” năm 2022 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm cũng như sản xuất hàng giả, hàng kém chết lượng. Từ đó, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân các cấp đều có trách nhiệm trong công tác VSATTP giúp nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.
Theo đó, ở cấp Trung Ương, Các đơn vị truyền thông, báo đài cần tăng cường, lan tỏa thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP; Tăng cường truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn;
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ; Giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường trong nước, xuất khẩu…
Ở cấp địa phương, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP các tỉnh/thành phố trực thuôc trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành, tổ chức chính trị, xã hội triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, tổ chức các tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về ATTP.
Huy động các cơ quan thông tấn báo chí ở địa phương tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm ATTP, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp quy định của pháp luật trên địa bàn.
Ngô Diệp