Chuyển dịch mô hình kinh tế từ thâm dụng tài nguyên và nhân công giá rẻ được ví như sắc “nâu” sang “xanh” – mô hình kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ số, đổi mới sáng tạo và lao động có kỹ năng đang là bước chuyển nhiều thách thức đối với Quảng Ninh, trong đó thách thức lớn nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Nhu cầu nhân lực qua đào tạo tăng cao
Là tỉnh có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa theo hướng hiện đại nhanh nhất các địa phương phía Bắc, Quảng Ninh đang là đại công trường với các dự án công nghiệp, cầu cảng, bến bãi hiện đại, giao thông liên kết vùng, đô thị thông minh. Đặc biệt Quảng Ninh cũng đang là địa phương thực hiện chuyển đổi chiến lược phát triển kinh tế- xã hội từ “Nâu” sang “Xanh”, phát triển du lịch, nghỉ dưỡng thành ngành công nghiệp mũi nhọn có tăng trưởng Xanh bứt phá. Đối với các khu công nghiệp, tỉnh định hướng ưu tiên các dự án chế tạo có tính tự động hóa cao.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định:” giai đoạn 2020-2025, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số là khâu đột phá, cấp bách”.
Định hướng phát triển trên đặt ra nhiều thách thức cả về lượng và chất cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ sản xuất các ngành kinh tế của tỉnh, nhất là trong bối cảnh “ngày càng có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Quảng Ninh làm ăn đều đang ‘khát nhân lực’ trình độ cao, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ, du lịch đang đòi hỏi lượng lớn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp”, như phát biểu của một lãnh đạo tỉnh.

Theo số liệu khảo sát nhu cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được công bố tại Đề án sát nhập Trường CĐ Giao thông Quảng Ninh với Trường CĐ Việt – Hàn Quảng Ninh, dân số toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 1.320.000 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 66%. Đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 85%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 45,5%.
Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, dự kiến đến năm 2025, nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh là 728,28 ngàn lao động. Đến năm 2030 cần 874,25 ngàn lao động. Tốc độ tăng trưởng bình quân về nhân lực khoảng 18%/năm. Trong đó lực lượng lao động tập trung ở các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải, kho bãi, du lịch, dịch vụ.
Cụ thể, ngành công chế biến dự kiến nhu cầu nhân lực tăng 7,9% với 94.845 lao động năm 2021 lên 128.767 người năm 2025 và 178.455 người năm 2030. Trong đó nhu cầu lực lượng lao động có chứng chỉ bằng cấp của ngành này cũng tăng từ 69.559 người năm 2021 lên 96.279 người năm 2025 và 141.908 người và năm 2030.
Ngành vận tải, kho bãi nhân lực tăng từ 50.341 người năm 2021 lên 62.389 người năm 2025 và 71.569 người vào năm 2030. Trong đó nhu cầu lực lượng lao động có chứng chỉ của ngành này cũng tăng từ 41.330 người năm 2021 lên 51.223 người năm 2025 và 61.826 vào năm 2030.
Riêng trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, giải trí, bà Hà Thị Kim Nhung – Trưởng ban nhân sự Tập đoàn Sun Group Vùng Đông Bắc cho biết, nhu cầu sử dụng lao động của Sun Group Vùng Đông Bắc từ năm 2022 đến năm 2025 là hơn 10.000 lao động, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng, công nghệ thông tin.
Nỗ lực hoàn thiện cơ chế chính sách
Bám sát nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, ngành LĐ-TB&XH Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược Phát triển GDNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn đến 2045 khá sớm, với nhiều đề xuất đột phá được UNBND tỉnh chấp thuận phê duyệt.
Ông Vũ Quang Trực – Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cho biết, không chỉ xây dựng kế hoạch, giải pháp, chúng tôi còn tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tổ chức nhiều hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở GDNN trên địa bàn, nhằm tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, đồng thời thông qua sự gắn kết, giúp các cơ sở GDNN nâng cao chất lượng đào tạo sát với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cho biết, để đạt mục tiêu đến năm 2025 GDNN của tỉnh phải bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 87,5, một trong 7 giải pháp quan trọng được tỉnh đề ra là đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo.

Ông Tuấn cho biết thêm, bên cạnh các giải pháp, tỉnh còn chú trọng đầu tư nguồn lực tài chính, tạo đà cho giáo dục đào tạo phát triển. Giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh đã chi gần 22.000 tỷ đồng từ ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, gấp đôi so với 5 năm trước.
Năm 2021 để thu hút người học, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại 03 cơ sở đào tạo của tỉnh là Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh.
Theo đó HSSV theo học các ngành nghệ trọng điểm cần thiết cho sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh trình độ đại học và cao đẳng được hỗ trợ 100% học phí cho mỗi năm học và tùy thành tích học tập, rèn luyện được hỗ trợ thêm từ 150.000 đồng/người/tháng tiền mua đồ dùng học tập đến 2,2 triệu đồng; 300.000 đồng tiền hỗ trợ thuê nhà trọ học; 600.000 tiền ăn hàng tháng.
Bất cập cung – cầu và hợp tác đào tạo
Tuy nhiên thực tế đang đặt ra nhiều thách thức đối với đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh tại Quảng Ninh.
Thứ nhất: Quảng Ninh có 7 khu công nghiệp được định hướng ưu tiên các dự án chế biến ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến có tính tự động hóa cao với tổng nhu cầu nhân lực dự kiến đến năm 2025 là 70.279 người, đến năm 2030 là 108.500 người.
Tuy nhiên theo khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp, nhu cầu lao động qua đào tạo năm 2025 của 7 khu công nghiệp này chỉ 14.585 người và đến năm 2030 là 21.405 người. Một tỷ lệ lao động qua đào tạo tương đối thấp so với tổng số lao động có nhu cầu sử dụng. Liệu có phải do các doanh nghiệp này áp dụng công nghệ mới nên nhu cầu sự dụng lao động qua đào tạo thấp như vậy. Hay ngược lại, các doanh nghiệp chỉ muốn sử dụng lao động phổ thông nhiều hơn lao động qua đào tạo để giảm chi phí và việc kêu khát lao động chất lượng cao chỉ là “ảo”?
Thứ 2,chậm chủ động trong đào tạo nhân lực du lịch đang kiến cả cơ sở GDNN và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh lúng túng trong cung – cầu nhân lực. Tại Quảng Ninh hoạt động du lịch, dịch vụ đã phát triển và bùng phát mạnh khoảng 5 năm trở lại đây, nhưng dường như các cơ sở GDNN vẫn chậm bổ sung ngành nghề đào tạo nhân lực du lịch, cũng như chưa chủ động tăng qui mô tuyển sinh đào tạo nhân lực cho ngành này.

Nguyên nhân có lẽ do Quảng Ninh là tỉnh có truyền thống phát triển công nghiệp khai thác than – khoáng sản, công nghiệp chế biến, chế tạo nên đa phần các cơ sở GDNN có thế mạnh đào tạo các nghề kỹ thuật phục vụ các ngành công nghiệp nói trên mà chưa “bắt trend” với đào tạo các ngành nghề du lịch, dịch vụ đang bùng phát trên dịa bàn tỉnh.
Trường CĐ Than khoáng sản Việt Nam, thuộcTập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam mạnh về đào tạo các ngành nghề phục vụ cho nhiệm vụ khai thác, chế biến, vận chuyển than khoáng sản. Trong 16 nghề đào tạo hệ cao đẳng và 37 nghề đào tạo hệ trung cấp của trường, không có nghề nào liên quan đến du lịch dịch vụ. Đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, hiện trường này mới đang có kế hoạch mở ngành mới Công tác xã hội.
03 trường cao đẳng chủ lực thuộc tỉnh quản lý là cao đẳng Giao thông Quảng Ninh, Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh và Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, trong đó Trường cao đẳng Giao thông Quảng Ninh và CĐ Việt – Hàn từ năm 2021 trở về trước và hiện nay cũng chủ yếu đào tạo các ngành liên quan đến công nghiệp cơ khí, khai thác mỏ, giao thông vận tải.
Trong đó trường CĐ Giao thông Quảng Ninh có Khoa du lịch với 3 nghề đào tạo gồm: hướng dẫn du lịch; kỹ thuật chế biến món ăn và quản trị khách sạn, nhưng qui mô tuyển sinh nghề du lịch chỉ 90 HSSV/năm. Giai đoạn từ 2016- 2020 hệ cao đẳng và trung cấp du lịch của nhà trường này tuyển sinh đào tạo được cả thảy 334 học sinh.
Trường CĐ Việt – Hàn đào tạo 11 ngành nghề, chủ yếu các nghề liên quan đến cơ khí công nghiệp, khai thác mỏ. Chỉ có một nghề duy nhất là kỹ thuật chế biến món ăn hệ trung cấp với số lượng tuyển sinh rất thấp.
Theo kế hoạch, sau khi sát nhập Trường CĐ Giao thông Quảng Ninh với Trường CĐ Việt – Hàn lấy tên chung là Trường CĐ VIệt – Hàn, từ năm học 2022, trường này sẽ mở thêm khoa du lịch với 4 nghề đào tạo gồm: hướng dẫn du lịch, quản trị khách sạn; kỹ thuật chế biến món ăn và kỹ thuật pha chế đồ uống ở 3 cấp đào tạo cao đẳng, trung cấp và sơ cấp, qui mô tuyển sinh mỗi cấp từ 50 đến 140 HSSV/năm.
Trường CĐ Y tế Quảng Ninh, đào tạo các ngành dược, điều dưỡng hệ cao đẳng. Trong đó nghề y sĩ y học cổ truyền hệ trung cấp, tuyển sinh 3 năm từ 2019 đến năm 2021 được 87 học sinh. Các nghề xoa bóp bấm huyệt hệ sơ cấp không tuyển được học sinh nào. Năm 2022, trường đăng ký tuyển sinh 200 HS hệ cao đẳng ngành điều dưỡng và 20 học sinh hệ trung cấp nghề y sỹ y học cổ truyền; 50 học sinh nghề xoa bóp bấm huyệt hệ sơ cấp.
Như vậy để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hiện tại và các năm tiếp theo, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Quảng Ninh vẫn phải tìm nguồn tại các cơ sở đào tạo thuộc tỉnh thành khác.
Thứ 3: Doanh nghiêp cần gắn kết với cơ sở đào tạo thực chất hơn. Hiện các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Quảng Ninh khi hợp tác với các cơ sở đào tạo (đại học và GDNN) cũng chưa đặt hàng cụ thể số lượng nhân lực bao nhiêu ở các ngành nghề gì. Cần bao nhiêu nhân lực trình độ đại học, bao nhiêu nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp đáp ứng yêu cầu công việc gì, tiêu chuẩn kỹ năng là gì.
Tình trạng này khiến cho cơ sở đào tạo lúng túng chưa nắm bắt được cụ thể yêu cầu của doanh nghiệp để đào tạo sát với nhu cầu, ngược lại doanh nghiệp khi tiếp nhận sinh viên của cơ sở đào tạo về làm việc lại kêu ca đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu.
Ví như đã xảy ra trường hợp, vị trí việc làm chỉ cần nhân lực trình độ cao đẳng nhưng doanh nghiệp lại tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học, khi bắt tay vào công việc, sinh viên thì “vỡ mộng” về vị trí việc làm, còn doanh nghiệp thì “vỡ mộng” về thái độ làm việc của sinh viên.
Thiết nghĩ, để sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh hiệu quả, thực chất, trước hết các cơ sở đào tạo cần chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, khảo sát tổng thể các doanh nghiệp có nhu cầu hợp tác đào tạo và xây dựng khung hợp tác, điều chỉnh kế hoạch đào tạo, chương trình đào tạo thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, khi có chủ trương hợp tác với cơ sở đào tạo cần có kế hoạch, lộ trình phối hợp đào tạo cụ thể, cũng như cùng cơ sở đào tạo xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tham gia kiểm tra đánh giá các kỳ thi năng lực kết quả học tập của HSSV. Chủ động đặt hàng với các cơ sở đào tạo. Có như vậy việc phối hợp đào tạo mới đi vào thực chất.
NGÂN SÁCH TỈNH HỖ TRỢ 300 TRIỆU ĐỒNG CHO 1 GIẢNG VIÊN VỀ CÔNG TÁC TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG VIỆT – HÀN
Giảng viên có bằng tốt nghiệp thạc sĩ và Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 trở lên đủ tiêu chuẩn để giảng dạy các nghề Cắt gọt kim loại, Hàn, Điện tử công nghiệp, Điện Công nghiệp, Công nghệ ô tô, cam kết làm việc tại trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh ít nhất 5 năm kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, được ngân sách tỉnh hỗ trợ một lần bằng 300.000.000 đồng/ 1 giảng viên. Nếu được cử đi học thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 150.000.000 đồng/ 1 giảng viên.
Lê Toàn