65 học viên đến từ 20 tỉnh thành phố phía Bắc là cán bộ quản lý, nhân viên làm việc trong các Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa thuộc hệ thống hội viên ngoài công lập của Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam đã tham gia khóa tập huấn Nâng cao năng lực công tác xã hội với trẻ em trong các ngày từ 14 đến 17/12/2020 tại Quảng Ninh.
Trực tiếp tham gia giảng dạy khóa tập huấn, TS Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội các trường đào tạo Công tác xã hội cho biết, hiện chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, đặc biệt là chính sách pháp luật về quyền của trẻ em và phát triển nghề công tác xã hội đã được ban hành và đang dần hoàn chỉnh.
Tuy nhiên việc nắm bắt và tổ chức thực hiện theo hướng chuyên nghiệp bài bản, nhất là áp dụng phương pháp kỹ năng công tác xã hội trong làm việc với trẻ em của các cán bộ xã hội, các cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để thống nhất nhận thức, đưa chính sách, pháp luật nghề công tác xã hội đi vào cuộc sống và để nâng cao nghiệp vụ, làm việc về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội phối hợp với Cục Trẻ em tổ chức khóa tập huấn Nâng cao năng lực về công tác xã hội với trẻ em cho hệ thống hội viên của Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam.
Thông qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của hội viên của Hiệp hội khi tham gia với các cơ quan nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ với trẻ em, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền được bảo vệ không bị bạo lực, xâm hại, bóc lột.
Tại khóa tập huấn các học viên được cập nhật, nắm bắt các chỉ thị nghị quyết mới của Đảng, chính phủ về công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em: Quyết định Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025 (Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2019); Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em (Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 26 tháng 5 năm 2020); Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Quyết định Ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (Quyết định số 1472/QĐ-TTg, ngày 28 tháng 9 năm 2020).
– Quy trình hỗ trợ, can thiệp với trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Hướng dẫn hoạt động nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã; Định hướng của Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội tham gia công tác BVTE.
Với phương pháp thuyết giảng và cùng tham gia trao đổi, thảo luận nhóm theo vấn đề khóa tập huấn đã giúp các học viên có thềm nhiều thông tin, kiến thức kỹ năng mới áp dụng vào công tác xã hội đang làm, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm dịch vụ bảo trợ xã hội ngoài công lập ngày càng đi vào nền nệp và chuyên nghiệp.
Phương Minh