Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có buổi làm việc với Giám đốc quốc gia ADB về các ưu tiên hợp tác giai đoạn 2022 – 2024.
Tham dự cuộc họp có ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội và đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Bảo trợ xã hội và đại diện Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Về phía Ngân hàng ADB có ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB cùng các chuyên gia của ADB.
Trao đổi với ADB tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng cho biết: Theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 06/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025 khẳng định việc thu hút nguồn vốn ODA tập trung ưu tiên cho lĩnh vực/nhóm dự án hỗ trợ thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, trong đó bao gồm lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Do vậy, thu hút đầu tư vốn ODA của các nhà tài trợ nước ngoài đặc biệt sử dụng vốn hỗ trợ của ADB trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là rất cần thiết.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã xác định một số định hướng chính sau đây cho giai đoạn 2022-2024 là: Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.
Để đạt được điều này, TCGDNN mong muốn ADB tiếp tục hỗ trợ để đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho các trường cao đẳng có năng lực đào tạo tốt, gần đáp ứng các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao để được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao. Đồng thời tăng khoản viện trợ không hoàn lại đi kèm khoản vay để hỗ trợ đào tạo nhóm yếu thế, dân tộc thiểu số… góp phần giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, khu vực nông thôn; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo cũng như người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản trong hệ thống an sinh xã hội.
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đề nghị ADB tập trung hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng cục thúc đẩy các lĩnh vực như: hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực GDNN, tập trung vào xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030; thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường hợp tác với DN, tiếp tục đầu tư nhằm xanh hoá, số hoá đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, công nhận khu vực và quốc tế để hỗ trợ dịch chuyển lao động; phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; thí điểm và hỗ trợ đối tượng yếu thế…
Liên quan đến lĩnh vực bảo trợ xã hội, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội đã chia sẻ thông tin liên quan đến các chính sách về phúc lợi xã hội. Hai bên cũng thống nhất sẽ thúc đẩy xây dựng và triển khai Dự án Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc trong dài hạn cho người già và nhóm yếu thế.
Tại cuộc họp, hai bên cũng trao đổi về tiến độ xây dựng Dự án “Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện – giai đoạn II”sử dụng vốn ODA của ADB trên cơ sở kết quả đạt được từ “Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện giai đoạn 1” và vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc trong dài hạn cho người già và nhóm yếu thế.
Chia sẻ tại cuộc họp, phía ADB trình bày về kế hoạch tài chính của ADB giai đoạn 2022-2024 và thông tin về những ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng xanh; tăng cường an sinh xã hội và hòa nhập, trong đó tập trung ưu tiên phát triển các chương trình GDNN và phát triển kỹ năng cho phát triển bền vững và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
ADB cũng chia sẻ những thay đổi trong cơ chế tài chính đối với những dự án vốn vay của ADB trong thời gian tới và cam kết sẽ cố gắng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đề ra với khả năng tốt nhất, trong bối cảnh Việt Nam được coi là nước thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid và điểm đến an toàn. Bên cạnh các dự án hỗ trợ tài chính, ADB cam kết sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các ưu tiên phát triển GDNN như: hỗ trợ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển GDNN, hỗ trợ đào tạo nghề cho nhóm yếu thế và người già, chuyển đổi số trong GDNN….
Kết thúc bổi họp Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đánh giá cao về sự hỗ trợ của ngân hàng ADB đối với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục Bảo trợ xã hội cam kết sẽ thực hiện, phát huy hiệu quả các nguồn vay mà ngân hàng ADB hỗ trợ.
Theo Baodansinh.vn