25/01/2022 7:49:15

“Tài nguyên kỹ năng” – Tầm nhìn mới cho phát triển

Kỷ nguyên công nghệ số là kỷ nguyên của cạnh tranh toàn cầu nguồn nhân lực có kỹ năng chất lượng cao, nguồn lực quyết định sự thành, bại của các quốc gia, cũng là nguồn lực quyết định sự phát triển của Việt Nam trên hành trình đổi mới mô hình tăng trưởng, hiện thực hóa “giấc mơ” thịnh vượng vào năm 2045.

Ưu tiên nguồn lực, hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao

Trong Thư kêu gọi đồng hành Nâng tầm Kỹ năng lao động Việt Nam nhân Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia”. “Trên thực tiễn, lực lượng lao động có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao, đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế- xã hội”, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong Thư.

Đồng thời ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ngành LĐ-TB&XH cùng các các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Để thực hiện được mục tiêu lớn lao này, một trong những định hướng lớn mà Đảng và Nhà nước ta xác định là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; “Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, khoa học công nghệ, tri thức con người không ngừng phát triển. Để bắt kịp với nhịp sống đó, đòi hỏi mỗi chúng ta trong công việc hằng ngày phải không ngừng sáng tạo, dám thay đổi, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc.

Phải đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương, đầu tư nhiều hơn, có chiều sâu hơn nữa cho khoa học, công nghệ và giáo dục – đào tạo xứng tầm là quốc sách hàng đầu; triển khai có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, tạo nền tảng vững chắc hơn, căn cơ hơn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy cao nhất tiềm năng trí tuệ con người Việt Nam trong thời đại mới, thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển xanh.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung:

Xây dựng hệ thống GDNN hiện đại đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho nền kinh tế

Hiện nay lao động có kỹ năng được coi như đơn vị tiền tệ mới trong thị trường lao động toàn cầu. Các quốc gia phát triển trong khối G20, hay ở Châu Âu, điển hình như Cộng hòa liên bang Đức, dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghiệp nặng và công nghệ cao với năng suất lao động vượt trội nhờ có 1 hệ thống đào tạo nghề tiên tiến và hiệu quả.

Việt Nam có lực lượng lao động trẻ dồi dào với 55 triệu người. Để đạt mục tiêu  đến 2025 có khoảng 30-35% lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Và đến 2030 phấn đấu 40-45%”.Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết đẩy mạnh đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao nhằm tiếp cận và bắt kịp trình độ các nước ASEAN 4 và G20. Theo đó trong 5 năm tới sẽ hình thành 80 trường chất lượng cao, đồng thời xây dựng 3 Trung tâm đào tạo và thực hành chất lượng cao quốc gia ở 3 vùng có chức năng dẫn dắt, đào tạo các ngành nghề tương lai, các ngành nghề thuộc lĩnh vực trọng điểm mà Việt Nam còn thiếu và đòi hỏi chất lượng cao

Đặc biệt mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2222/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ hội, động lực để GDNN thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số, nhằm đào tạo ra thế hệ lao động mới đáp ứng thị trường lao động trong kỷ nguyên số.

Bà Michele Wee Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam:

Gia tăng hội nhập thương mại toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam cần nhiều hơn nữa lao động có kỹ năng

Việt Nam thuộc top 20 quốc gia thu hút đầu tư FDI hàng đầu thế giới, là trung tâm sản xuất toàn cầu đang phát triển và thu hút nhiều công ty nước ngoài đến đầu tư. Nền kinh tế số của Việt Nam đang tăng trưởng hàng đầu trong khu vực. Việt Nam đang trở thành một phần quan trọng hơn của chuỗi cung ứng toàn cầu với thế mạnh lực lượng lao động chất lượng cao sẵn có, chính sách thân thiện với đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Việc gia tăng hội nhập thương mại toàn cầu thông qua nhiều Hiệp định thương mại tự do khác nhau giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tăng cường chuỗi  giá trị trong tất cả các lĩnh vực và tạo nhiều việc làm, đòi hỏi Việt Nam cần nhiều hơn nữa lực lượng lao động có kỹ năng.

Quế Anh