Ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở là xu hướng tất yếu trong giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Một xu thế hướng tới phát triển giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời theo hướng tiếp cận với CMCN 4.0, phù hợp với yêu cầu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại… Dưới đây chúng tôi lược đăng bài phỏng vấn của PV Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống với Chuyên gia tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) Lê Trung Nghĩa.
Xu thế tất yếu trong xã hội học tập
PV: Thưa ông, ứng dụng tài nguyên giáo dục mở đem lại những lợi ích gì cho giáo dục nói chung và đặc biệt giáo dục nghề nghiệp nói riêng ? Các trường nghề cần làm gì để tiếp cận được với nguồn tài nguyên này ?
Ông Lê Trung Nghĩa: Như chúng ta đã biết, ngày 25/11/2019, tại Hội nghị Toàn thể của UNESCO lần thứ 40, 193 quốc gia thành viên UNESCO đã nhất trí thông qua Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở (KN TNGDM). Khuyến nghị này được coi như là công cụ tiêu chuẩn cho ứng dụng và phát triển TNGDM ở phạm vi toàn cầu và khẳng định TNGDM là xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay ứng dụng và phát triển TNGDM nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững – SDG (Sustainable Development Goal) của Liên hiệp quốc tới năm 2030, đặc biệt là SDG 4 về đảm bảo giáo dục toàn diện, công bằng và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người theo phương châm ‘không để ai bị bỏ lại phía sau’.
Định nghĩa TNGDM theo KN TNGDM của UNESCO:
– TNGDM là các tư liệu dạy, học và nghiên cứu ở bất kỳ định dạng và phương tiện nào mà nằm trong phạm vi công cộng hoặc có bản quyền đã được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những người khác không mất chi phí để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại.
– Giấy phép mở tham chiếu tới giấy phép tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ của người nắm giữ bản quyền và đưa ra sự cho phép trao cho công chúng các quyền để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại các tư liệu giáo dục.
Điều cơ bản là: việc người sử dụng chỉ có khả năng truy cập tự do không mất tiền tới một tài nguyên là quá ít, quá tối thiểu và hoàn toàn không đủ điều kiện để tài nguyên đó được gọi là TNGDM! Đây điển hình của cái gọi là TNGDM RỞM![4]
– KN TNGDM của UNESCO đưa ra khuyến nghị cho 193 quốc gia thành viên của nó ưu tiên đầu tư vào 5 khía cạnh mục tiêu và lĩnh vực hành động sau đây:
+ Xây dựng năng lực: phát triển năng lực của tất cả các bên tham gia đóng góp chính cho giáo dục để tạo lập, truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi, và phân phối lại TNGDM, cũng như để sử dụng và áp dụng các giấy phép mở theo cách thức ổn định với pháp luật bản quyền quốc gia và các bổn phận quốc tế;
+ Phát triển chính sách hỗ trợ: khuyến khích các chính phủ, các nhà chức trách và các cơ sở giáo dục áp dụng thường xuyên khung công việc hỗ trợ cho việc cấp phép mở cho các tư liệu giáo dục và nghiên cứu được nhà nước cấp vốn, phát triển các chiến lược để xúc tác cho sử dụng và tùy biến thích nghi TNGDM để hỗ trợ cho giáo dục chất lượng cao, bao hàm toàn diện và học tập suốt đời cho tất cả mọi người, được nghiêu cứu thích hợp trong lĩnh vực này hỗ trợ;
+ Truy cập hiệu quả, bao hàm toàn diện và công bằng tới TNGDM chất lượng: hỗ trợ áp dụng các chiến lược và chương trình, bao gồm qua các giải pháp công nghệ thích hợp để đảm bảo TNGDM trong bất kỳ phương tiện nào được chia sẻ ở các định dạng và các tiêu chuẩn mở để tối đa hóa truy cập công bằng, đồng sáng tạo, giám tuyển, và khả năng tìm thấy được, bao gồm cho những người từ các nhóm bị tổn thương và những người khuyết tật;
+ Nuôi dưỡng sự sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM: hỗ trợ và khuyến khích sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM ở các mức quốc gia, khu vực và cơ sở, và lên kế hoạch và kiểm thử thí điểm các dạng thức bền vững mới của giáo dục và học tập;
+ Khai thác và tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế: hỗ trợ hợp tác quốc tế giữa các bên tham gia đóng góp để tối thiểu hóa đúp bản không cần thiết trong các đầu tư phát triển TNGDM và để phát triển kho toàn cầu các tư liệu giáo dục đa dạng, phù hợp với địa phương, nhạy cảm với giới tính, truy cập được trong nhiều ngôn ngữ và định dạng.
Những lợi ích cơ bản của việc ứng dụng và phát triển TNGDM là như sau:
+ Mọi người học khắp trên thế giới đều có quyền bình đẳng như nhau trong việc truy cập tới các tư liệu học tập chất lượng cao với nội dung thích hợp và cập nhật nhất.
+ Tiết kiệm tiền cho người học khi sử dụng các TNGDM vì chúng là tự do không mất tiền để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại các tư liệu giáo dục.
+ Duy trì nội dung thích hợp và chất lượng cao, nhất là các TNGDM ở dạng số, vì chúng được các chuyên gia rà soát lại ngang hàng một cách minh bạch, được cập nhật liên tục và có khả năng có những tính năng mà các tài liệu in theo truyền thống không thể có.
+ Quan trọng nhất trong số các lợi ích của việc ứng dụng và phát triển TNGDM là nó khuyến khích khả năng sáng tạo của cả các nhà giáo dục và người học dựa vào các TNGDM có sẵn rồi để tùy chỉnh, sửa đổi và sáng tạo ra tri thức mới phù hợp với các nhu cầu của chính họ, biến họ trở thành những người đồng sáng tạo, chứ không đơn giản là những người sử dụng thụ động tri thức. Về lợi ích quan trọng nhất này, tài liệu của UNESCO đã nhấn mạnh như sau:
“Việc tùy chỉnh TNGDM có thể bao gồm việc dịch nội dung sang một ngôn ngữ khác, sửa đổi nội dung đang có để làm cho nó phù hợp với các bối cảnh của địa phương hoặc văn hóa vùng miền, hoặc làm lại tư liệu cho một môi trường hoặc cấp học khác”.[1]
Việc ứng dụng và phát triển TNGDM trong thực tế ở nhiều trường đại học và cao đẳng ở nước Mỹ hiện nay cho thấy TNGDM mang lại nhiều lợi ích cả cho những người học, nhà giáo dục và cơ sở giáo dục[2], cụ thể như sau:
Đối với các nhà giáo dục:
+ Đảm bảo cho mọi người học có truy cập tức thì và không giới hạn tới nội dung khóa học;
+ Lựa chọn đối tác công nghệ thay vì bị khóa trói vào một nền tảng hoặc hệ thống nhất định;
+ Có khả năng để sử dụng, sửa đổi, và tùy biến thích nghi các tư liệu đang có mà không cần có sự cho phép bản quyền;
+ Sẵn sàng trong nhiều định dạng (như, HTML, PDF, ePUB) hoặc khả năng sản xuất tài nguyên ở các định dạng lựa chọn thay thế;
+ Chủ sở hữu nội dung vĩnh viễn;
+ Linh hoạt về khi nào và liệu có chuyển sang một ấn bản mới hay không;
Đối với những người học, TNGDM chào tiết kiệm chi phí và những lợi ích sau:
+ Truy cập tới nội dung khóa học ở các định dạng thích hợp cho các thiết bị và các tình huống khác nhau, bao gồm lựa chọn tải về tư liệu học tập khi không có truy cập Internet;
+ Khả năng chia sẻ nội dung trên các mạng xã hội và các diễn đàn công cộng, bao gồm các môi trường học tập kết hợp;
+ Truy cập tới nội dung tức thì, không có giới hạn, và vĩnh viễn;
+ Khả năng in tất cả các tư liệu khóa học khi thuận tiện;
Đối với các cơ sở giáo dục:
+ Truy cập rộng hơn của người học tới các tư liệu khóa học, điều có thể dẫn tới sự ở lại và tiến bộ trình độ gia tăng và/hoặc giảm thiểu tỷ lệ thất bại và bỏ học;
+ Gia tăng tác động và sự trực quan cho các nhà giáo dục để tạo lập và chia sẻ TNGDM, tiềm tàng tác động tới sự phát triển của khóa học ở các cơ sở khác;
+ Sư phạm được cải thiện, vì các nhà giáo dục có thể tùy chỉnh/sửa đổi các tư liệu khóa học cho các mục đích học tập của họ thay vì làm cho nội dung khóa học của họ cho “vừa” với sách giáo khoa được chỉ định;
+ Các quan hệ công chúng tích cực và cơ hội để triển lãm các nỗ lực làm giảm các chi phí của người học.
Ứng dụng TNGDM mang lại nhiều lợi ích cho giáo dục đào tạo
PV: Vậy ông có thể cho biết, nguồn TNGDM hiện nay mà người có nhu cầu có thể khai thác?
Ông Lê Trung Nghĩa: Ở thời điểm hiện tại, số lượng các TNGDM có sẵn trên Internet là rất nhiều, cụ thể:
+ Gần 12 tỷ tệp mã nguồn phần mềm được chia sẻ công khai nằm trong gần 170 triệu dự án phần mềm trên thế giới;
+ Khoảng 2 tỷ các tài nguyên được cấp phép mở bằng các giấy phép Creative Commons với các dạng nội dung khác nhau[4] như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video; trong số này có khoảng 60 triệu video có giấy phép mở CC BY[5], một loại giấy phép cho phép người sử dụng tự do không mất tiền để truy cập và tải về để sử dụng, sử dụng lại, tái mục đích, sửa đổi, phân phối lại chúng, miễn là thừa nhận ghi công đúng các tác giả của các video đó; rất nhiều trong số này là các video dạy nghề trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau.
+ Nhiều phần cứng mở[6] với các bản thiết kế được cấp phép mở có thể giúp chế tạo các phần cứng mà không cần có chuyển giao công nghệ, miễn là bạn phải tuân thủ các điều khoản và điều kiện của các giấy phép mở đó; đặc biệt, có hàng loạt các phần cứng mở như vậy trong lĩnh vực y tế, như các vật tư y tế và thiết bị bảo vệ cá nhân phục vụ cho việc phòng chống COVID-19 hiện nay mà Việt Nam rất thiếu và phải nhập khẩu.
Vài ví dụ các giảng viên và sinh viên trong GDNN ở Việt Nam có thể tận dụng rất tốt các TNGDM nêu trên không chỉ cho việc dạy và học, mà còn cả trong việc khởi nghiệp và/hoặc chế tạo một số sản phẩm để đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế:
– Xây dựng các hệ thống phần mềm phục vụ dạy nghề và khởi nghiệp được lựa chọn cho phù hợp từ vô số các dự án phần mềm nguồn mở trên thế giới, với mã nguồn có sẵn và không phải trả tiền mua giấy phép để sử dụng chúng.
– Lồng tiếng Việt cho các video dạy nghề gốc bằng tiếng nước ngoài để phục vụ cho việc dạy nghề và/hoặc xuất khẩu lao động cho hàng chục triệu người có nhu cầu.
– Dạy/học/chế tạo dựa vào hàng trăm sản phẩm phần cứng mở với các thiết kế có sẵn, được cấp phép mở mà không phải chờ chuyển giao công nghệ, không phải xin phép ai, kể cả tác giả, miễn là tuân thủ đúng các điều khoản và điều kiện của giấy phép mở gắn với phần cứng mở đó, đặc biệt các phần cứng mở phục vụ cho việc phòng chống COVID-19 rất thiết thực và có nhu cầu cao hiện nay.
Bất kỳ ai trên thế giới, chứ không chỉ người Việt Nam, đều có thể tự do không mất tiền để truy cập và khai thác các nguồn tài nguyên này, nếu bạn biết tìm chúng ở đâu và biết cách sử dụng chúng với sự tuân thủ các điều khoản và điều kiện của giấy phép mở được gắn với chúng. Vì thế, trong vài năm qua đã có một số trường nghề đã cử các đại diện là các cán bộ và giảng viên tham gia các khóa thực hành khai thác TNGDM, với các nội dung cả cơ bản và nâng cao[8], theo hình thức huấn luyện huấn luyện viên.
Một số khóa học như vậy đã được Hội Giáo dục Nghề nghiệp và Công tác Xã hội Việt Nam cũng như Hội Giáo dục Nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức và/hoặc phối hợp tổ chức[9]. Hy vọng trong thời gian tới các khóa học như vậy sẽ tiếp tục được tổ chức và cũng hy vọng các học viên của các khóa học đó sau đó sẽ triển khai tiếp các khóa học tương tự cho các giảng viên và các sinh viên ở các cơ sở đào tạo nghề của mình để lan truyền chúng càng nhanh cho càng nhiều giảng viên và sinh viên càng tốt để biết và khai thác hiệu quả các TNGDM đó.
Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội tổ chức bồi dưỡng hoạt động khai thác tài nguyên giáo dục mở cho cán bộ giáo viên
TNGDM là một phần thiết yếu của giáo dục nghề nghiệp mở
PV: Chiến lược Phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quan điểm xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại. Với kinh nghiệm và nghiên cứu của ông, thế nào là một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại?
Ông Lê Trung Nghĩa: Không chỉ TNGDM, mà Khoa học Mở cũng là xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay, khi mà vào ngày 23/11/2021, nhân Hội nghị Toàn thể của UNESCO lần thứ 41, 193 quốc gia thành viên UNESCO cũng đã nhất trí thông qua Khuyến nghị Khoa học Mở (KN KHM)[10]. Khuyến nghị này được coi là công cụ tiêu chuẩn cho ứng dụng và phát triển KHM ở phạm vi toàn cầu và khẳng định KHM là xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay. Khuyến nghị này cũng khẳng định TNGDM là một thành phần không thể thiếu của Kiến thức KHM và nhấn mạnh:
“Thúc đẩy sử dụng tài nguyên giáo dục mở – OER (Open Educational Resources) như được định nghĩa trong Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở của UNESCO năm 2019, như là công cụ cho việc xây dựng khả năng của khoa học mở. Tài nguyên Giáo dục Mở vì thế nên được sử dụng để gia tăng sự truy cập tới các tài nguyên nghiên cứu và giáo dục khoa học mở, cải thiện các kết quả đầu ra học tập, tối đa hóa tác động của việc cấp vốn nhà nước và trao quyền cho các nhà giáo dục và những người học để trở thành các nhà đồng sáng tạo kiến thức.”
Ngày nay, cả thế giới đang phải sống chung với đại dịch COVID-19, đại dịch đã gây ra sự đổ vỡ chính trong các hệ thống giáo dục và trong cuộc sống của tất cả mọi người trên trái đất, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Để đối phó với sự đổ vỡ này cũng như khắc phục các tác động tiêu cực của các thảm họa tương tự trong tương lai, vào năm 2020, Viện Học tập Suốt đời của UNESCO – UIL (UNESCO Institute for Lifelong Learning) đã xuất bản tài liệu báo cáo ‘Ôm lấy văn hóa học tập suốt đời: Đóng góp cho sáng kiến Tương lai của Giáo dục[11]’, đưa ra tiếp cận và những khái niệm mới chưa từng có liên quan tới việc học tập suốt đời cho sáng kiến ‘Tương lai của Giáo dục’ tới năm 2050 với 10 thông điệp chính của nó nhằm mục đích để giáo dục toàn thế giới suy nghĩ lại cách để việc học tập có thể đóng góp tốt hơn cho việc tạo lập các xã hội bền vững và hòa nhập hơn, nơi mà mọi người có khả năng tham gia như những công dân tích cực và toàn cầu, ấy là đưa việc học tập suốt đời trở thành một quyền cơ bản mới của con người, nơi mà TNGDM có thể trở thành hàng hóa công cộng (Common Goods) và những điều chung của giáo dục (Education Commons), nhằm hiện thực hóa việc ‘không để ai bị bỏ lại phía sau’.
Tài liệu liệt kê 10 thông điệp chính, mỗi thông điệp cùng đi với các gợi ý đường hướng hành động nhằm biến các thông điệp chính đó thành các chính sách, chương trình nghiên cứu và các sáng kiến cụ thể. Dưới đây liệt kê và giới thiệu qua 10 thông điệp chính đó và mô tả rất ngắn gọn và còn chưa đầy đủ về chúng:
– Thừa nhận đặc tính toàn diện của học tập suốt đời. Khái niệm học tập suốt đời đầy đủ ngụ ý việc học tập từ lúc sinh ra cho tới lúc chết đi (bất kỳ lúc nào), tồn tại bên trong và bên ngoài hệ thống giáo dục (bất kỳ ở đâu), được mọi người ở mọi lứa tuổi triển khai (bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào), bằng và/hoặc qua một dải rộng lớn các phương thức, bao gồm mặt đối mặt, từ xa, trên trực tuyến (bất kỳ cách gì), và liên quan tới tất cả các lĩnh vực kiến thức (bất kỳ điều gì). Việc học tập suốt đời như vậy sẽ kéo theo việc phát triển năng lực của người học, cá nhân hóa việc học tập, việc thừa nhận các kết quả học tập giành được trong các bối cảnh khác nhau và thúc đẩy lộ trình học tập linh hoạt. Điều này, tới lượt nó, sẽ dẫn tới việc xây dựng chính sách học tập suốt đời dịch chuyển từ cung sang cầu.
– Thúc đẩy nghiên cứu liên ngành và cộng tác liên lĩnh vực cho học tập suốt đời. Nhiều thách thức ngày nay loài người đối mặt chỉ có thể được giải quyết bằng kiến thức liên ngành, liên lĩnh vực. Vì đặc tính của việc học tập suốt đời với nhiều điều ‘bất kỳ’ như được nêu ở thông điệp 1 ở trên, nó đòi hỏi sự cộng tác liên ngành, liên lĩnh vực.
– Đặt các nhóm bị tổn thương vào cốt lõi của chương trình nghị sự chính sách học tập suốt đời. Mục đích của nó là để ‘không để ai bị bỏ lại phía sau’ được triển khai trong thực tế. Ví dụ, đại dịch COVID-19 đã cho thấy, bạn chỉ an toàn khi mọi người được an toàn, và ngược lại.
– Làm cho việc học tập suốt đời trở thành hàng hóa công cộng. Quan điểm này bắt nguồn từ ý tưởng các hàng hóa chung (Common Goods), được định nghĩa như là các hàng hóa làm lợi cho xã hội như một tổng thể và là nền tảng cho cuộc sống của mọi người. Xây dựng những điều chung của giáo dục (Education Commons) – tính sẵn sàng tự do không mất tiền của các tài nguyên dạy và học – các bài học học được từ kinh nghiệm của các sáng kiến của chính phủ và xã hội dân sự xung quanh khái niệm những điều chung (như truy cập mở, nguồn mở, tài nguyên giáo dục mở, và các nền tảng tập thể trên trực tuyến) cần được áp dụng cho các sáng kiến học tập suốt đời.
– Đảm bảo truy cập lớn hơn và công bằng tới công nghệ học tập. Trong một thế giới ngày càng gia tăng trên trực tuyến, mọi người cần có khả năng giành được và liên tục cập nhật các kỹ năng số cần thiết để tham gia đầy đủ trong nền kinh tế, trong khi đại dịch COVID-19 đã và đang cảnh báo về sự đào sâu thêm các bất bình đẳng số trong cung ứng giáo dục trên trực tuyến.
– Biến đổi các trường phổ thông và đại học thành các cơ sở học tập suốt đời. Thay vì hiểu sứ mệnh của các cơ sở giáo dục phổ thông và đại học chủ yếu như là việc dạy các môn học đặc biệt cho các nhóm học sinh và sinh viên được xác định rõ ràng (từ giáo dục tiểu học tới đại học), nhiệm vụ của các trường phổ thông và đại học cần được mở rộng để bao gồm tất cả các thành viên của cộng đồng. Hệ quả là, điều này ngụ ý trách nhiệm vừa để chuẩn bị cho học sinh và sinh viên trở thành những người học tập suốt đời và vừa cung cấp các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, bất kể độ tuổi và trình độ học vấn.
– Thừa nhận và thúc đẩy khía cạnh học tập tập thể. Việc học tập suốt đời có thể diễn ra trong bất kỳ cộng đồng dân cư nào, bao gồm cả trong gia đình, làng xóm. Vai trò của người thầy và người học trở nên hoán đổi lẫn nhau được trong các cộng đồng tập thể như vậy, khi mọi người chia sẻ sự tinh thông của họ và cùng một lúc, học từ những người khác.
– Khuyến khích và hỗ trợ các sáng kiến học tập suốt đời của địa phương bao gồm các thành phố học tập. Các sáng kiến học tập suốt đời của địa phương là phần quan trọng của sự thay đổi từ dưới lên hướng tới văn hóa học tập suốt đời.
– Thiết kế lại và phục hồi lại hoạt động học tập ở nơi làm việc. Để khai thác các không gian làm việc như là các không gian cho học tập suốt đời, việc thiết kế lại và phục hồi lại việc học tập ở nơi làm việc là chìa khóa.
– Thừa nhận học tập suốt đời như là quyền mới của con người. Quyền được giáo dục phải được làm mới lại, khẳng định lại học tập suốt đời như là quyền con người. Quyền này vì thế không còn bị giới hạn tới việc truy cập được hệ thống trường học, mà thay vào đó phục vụ để đảm bảo tính liên tục của việc học tập suốt cuộc đời, bao gồm hướng dẫn thích hợp và đánh giá tính khả chuyển kỹ thuật số của tất cả các kết quả học tập. Trên cơ sở này, quyền mới này có thể cần phải được chuyển mạnh thành pháp luật, chính sách và thực hành. Điều này cũng nhằm loại bỏ các bất bình đẳng trong thực tế tới giáo dục, bao gồm bất bình đẳng truy cập tới các hạ tầng kỹ thuật số.
Trong khi TNGDM và KHM là các xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay, cùng với tầm nhìn của giáo dục toàn cầu không chỉ hướng tới giáo dục chính quy, mà còn quan tâm hơn tới giáo dục phi chính quy và không chính quy, hướng tới học tập suốt đời, thì ở Việt Nam, Chương trình Chuyển đổi Số (CĐS) Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành vào tháng 6/2020 theo Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó giáo dục là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên, cũng đang được các cơ quan nhà nước các tỉnh – bộ – ngành, cũng như các doanh nghiệp và xã hội khắp cả nước hưởng ứng và khởi động triển khai nhiệt tình.
Điều này cho thấy, một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại cần phải là một hệ thống giáo dục nghề nghiệp đi cùng, bắt kịp và thích ứng được với các xu thế của thời đại, như với:
– Các xu thế Mở không thể đảo ngược của thế giới ngày nay. Đó là ứng dụng và phát triển TNGDM/Giáo dục Mở, KHM, như được nêu trong KN TNGDM, KN KHM và hướng tới học tập suốt đời với các đặc tính ‘bất kỳ’ của nó như với sáng kiến ‘Tương lai của Giáo dục’ tới năm 2050 của UNESCO.
– Chương trình CĐS quốc gia của Chính phủ. Để hướng dẫn cho các tổ chức khắp cả nước có được những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xuất bản tài liệu và website ‘Cẩm nang chuyển đổi số[12]’, cùng với tài liệu bài giảng của GS. Hồ Tú Bảo về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp[13]. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông có những định hướng triển khai Chương trình CĐS quốc gia bằng Công nghệ Mở[14], Nền tảng Mở[15], một định hướng rất phù hợp với xu thế phát triển TNGDM và KHM của thế giới.
Tương tự như những gì đã được gợi ý cho việc phát triển TNGDM trong giáo dục đại học ở Việt Nam[16], để hệ thống giáo dục nghề nghiệp đi cùng và bắt kịp 2 xu hướng của thời đại được nêu ở trên, gợi ý cho Dự thảo Chiến lược Phát triển Giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 (do Bộ Lao động soạn thảo) hướng đến xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, một vài điểm như sau:
+ Ứng dụng và phát triển TNGDM ở Việt Nam là không dễ, nếu không nói là rất khó, cần có quyết tâm chính trị ở mức càng cao càng tốt. Thực trạng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, văn hóa của người Việt Nam vài ngàn năm lịch sử gắn với các tài nguyên hữu hình, trái ngược với nguyên lý cộng lực để phát triển, khi mà nguyên lý này dựa vào việc chia sẻ MỞ các tài nguyên VÔ HÌNH là kết quả của quá trình CĐS. Một thực tế khác là khu vực giáo dục và khu vực nhà nước, từ trước tới nay, hầu như không có thói quen sử dụng các thành phần của công nghệ mở trong hoạt động thường ngày của mình, điều có lẽ sẽ làm khó thêm cho việc ứng dụng và phát triển TNGDM ở Việt Nam nói chung, trong giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
+ Việc xây dựng chính sách TNGDM cho giáo dục nghề nghiệp là cần thiết và cấp bách, để giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam không đi chệch hướng hoặc ngược hướng với xu thế không thể đảo ngược của TNGDM, KHM và hướng tới học tập suốt đời của thể giới ngày nay, gây cản trở và kéo lùi sự phát triển của quốc gia. Vì vậy, cần bám sát 5 khía cạnh mục tiêu và lĩnh vực hành động được nêu trong KN TNGDM, bao gồm cả các nội dung được chi tiết hóa của chúng, để xem xét, tùy chỉnh, và lựa chọn cho phù hợp với bối cảnh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam.
+ Ưu tiên cao nhất trong xây dựng chính sách TNGDM và KHM ở thời điểm hiện tại là cần có chính sách cấp phép mở ở mức quốc gia, như với các giấy phép Creative Commons, cho các tài nguyên. Không được cấp phép mở, không tài nguyên nào là tài nguyên MỞ cả!
+ Hai từ khóa hàng đầu hiện nay là SỐ và MỞ! Chúng cần đi song hành với nhau. Để xây dựng chính sách cho tài nguyên giáo dục MỞ phù hợp với chương trình chuyển đổi SỐ quốc gia, cấp bách phải xây dựng các khung năng lực số quốc gia dựa vào, ví dụ như, việc tùy chỉnh các khung năng lực số của châu Âu, tuyệt đối không làm từ đầu, không phát minh lại cái bánh xe, biết rằng để có các khung đó, châu Âu đã có hàng chục nghiên cứu với hàng trăm tài liệu kết quả nghiên cứu về chuyển đổi số từ 2005, còn Việt Nam thì không. Ngoài ra, tất cả các khung năng lực số châu Âu đều tích hợp sẵn tính MỞ xoay quanh TNGDM và cấp phép mở với các giấy phép Creative Commons. Không có các khung năng lực số sẽ không có cách nào để đánh giá được tổ chức hay cá nhân nào thực sự có năng lực số để giúp hoàn thành các mục tiêu của chương trình CĐS quốc gia.
+ Đầu tư nhiều hơn nữa vào hướng nghiệp, bao gồm từ cấp tiểu học nhằm đáp ứng các kỳ vọng của học sinh về công việc và tập trung vào việc phát triển các năng lực có thể được kỳ vọng giúp thanh thiếu niên quản lý sự nghiệp của họ ở tuổi trưởng thành. Các khung năng lực số dành cho khởi nghiệp và dành cho trẻ em có thể đóng vai trò tích cực ở đây.
+ Việc lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng tiến hành chuyển đổi số bằng công nghệ mở và nền tảng mở là định hướng rất đúng, phù hợp với xu thế không thể đảo ngược của TNGDM và KHM của thế giới. Điều quan trọng là các khái niệm đó cần được toàn xã hội hiểu đúng và đầy đủ và được tích hợp trong các chính sách ứng dụng và phát triển TNGDM, cũng như trong quá trình triển khai các chính sách đó vào thực tế cuộc sống.
Gợi ý cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là không thể lấy tư duy nguồn đóng để áp dụng cho thế giới nguồn mở, vì chúng không là như nhau, và trong nhiều trường hợp, là ngược nhau.
Chương trình CĐS quốc gia của Chính phủ. Để hướng dẫn cho các tổ chức khắp cả nước có được những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xuất bản tài liệu và website ‘Cẩm nang chuyển đổi số, cùng với tài liệu bài giảng của GS. Hồ Tú Bảo về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông có những định hướng triển khai Chương trình CĐS quốc gia bằng Công nghệ Mở, Nền tảng Mở, một định hướng rất phù hợp với xu thế phát triển TNGDM và KHM của thế giới.
Khánh An
Các chú giải
[1] UNESCO, 2021: Guidelines on Open and Distance Learning for Youth and Adult Literacy: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379397. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/xr5bxxr5mew88dh/379397eng_Vi-26122021.pdf?dl=0, tr. 84.
[2] Sarah Hare, Jessica Kirschner, và Michelle Reed biên tập: Đánh dấu khóa học mở và kham được: Các thực hành tốt nhất và các trường hợp điển hình. Nhà xuất bản Mavs, 2020, CC BY 4.0. Đoạn dịch trích dẫn: https://giaoducmo.avnuc.vn/giao-duc/loi-ich-cua-tai-nguyen-giao-duc-mo-290.html
[3] Software Heritage: https://www.softwareheritage.org/. Truy cập ngày 26/12/2021.
[4] Catherine Stihler, Creative Commons, May 24, 2021: Announcing Our 20th Anniversary “Better Sharing” Campaign. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa: https://giaoducmo.avnuc.vn/cap-giay-phep-mo/cong-bo-ky-niem-lan-thu-20-chien-dich-chia-se-tot-hon-cua-chung-toi-428.html
[5] Creative Commons: State of the Commons: https://stateof.creativecommons.org/
[6] Lê Trung Nghĩa, 2021: Phần cứng nguồn mở: Đổi mới sáng tạo tốc độ cao: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/phan-cung-nguon-mo-doi-moi-sang-tao-toc-do-cao-487.html
[7] OSMS: Search Our Open Source Library: https://opensourcemedicalsupplies.org/library/?library=category&filterState=%7B%22nodeFilters%22%3A%7B%7D%2C%22categoriesFilters%22%3A%7B%7D%2C%22searchBar%22%3A%22%22%7D
[8] Trang Giáo dục Mở – Tài nguyên Giáo dục Mở: Nội dung Chương trình đào tạo huấn luyện huấn luyện viên về Tài nguyên Giáo dục Mở: https://giaoducmo.avnuc.vn/tap-huan/noi-dung-chuong-trinh-dao-tao-huan-luyen-huan-luyen-vien-ve-tai-nguyen-giao-duc-mo-oer-open-educational-resources-ho-tro-chuyen-doi-so-quoc-gia-387.html
[9] Trang Giáo dục Mở – Tài nguyên giáo dục mở: Các lớp tập huấn thực hành ‘Khai thác tài nguyên giáo dục mở’ tới hết năm 2021: https://giaoducmo.avnuc.vn/tap-huan/cac-lop-tap-huan-thuc-hanh-khai-thac-tai-nguyen-giao-duc-mo-toi-het-nam-2021-564.html
[10] UNESCO, 2021: UNESCO Recommendation on Open Science: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/l3q04t99nil5mgo/379949eng_Vi-25112021.pdf?dl=0
[11] UNESCO, 2020: Ôm lấy văn hóa học tập suốt đời – Đóng góp cho sáng kiến Tương lai của Giáo dục. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/tai-lieu-dich/om-lay-van-hoa-hoc-tap-suot-doi-dong-gop-cho-sang-kien-tuong-lai-cua-giao-duc-ban-dich-sang-tieng-viet-509.html
[12] Bộ Thông tin và Truyền thông: Cẩm nang chuyển đổi số: https://dx.mic.gov.vn/
[13] Hồ Tú Bảo, 2020: Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam: https://www.dropbox.com/s/jpru491u465lxeo/1.%20Digital%20Transformation%20WS%20Handouts.pdf?dl=0
[14] Vietnamnet: Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại diễn đàn công nghệ mở Việt Nam: https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/toan-van-phat-bieu-cua-bo-truong-nguyen-manh-hung-tai-dien-dan-cong-nghe-mo-viet-nam-689681.html
[15] Lê Trung Nghĩa, 2021: Cần một nền tảng mở cho chuyển đổi số trong giáo dục: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/can-mot-nen-tang-mo-cho-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-504.html
[16] Lê Trung Nghĩa, 2021: Giải pháp chính sách nào để phát triển tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học ở Việt Nam: https://vnfoss.blogspot.com/2021/12/giai-phap-chinh-sach-nao-e-phat-trien.html
Giấy phép nội dung: CC BY-SA 4.0 Quốc tế