11/11/2021 12:24:11

Sau 6 tháng, vaccine COVID-19 nào giảm hiệu quả bảo vệ?

Các chuyên gia phát hiện ba loại vaccine Covid-19 Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson có sự suy giảm đáng kể khả năng bảo vệ sau 6 tháng.

Nghiên cứu thứ nhất được thực hiện trên 780.000 cựu chiến binh Mỹ, cho thấy cả 3 loại vaccine được sử dụng ở Mỹ (Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson) đều cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại nguy cơ tử vong do COVID-19.

Nghiên cứu bao gồm các cựu chiến binh nam và nữ được điều trị tại các cơ sở y tế của Cơ quan Quản lý y tế Cựu chiến binh Hoa Kỳ, tập trung vào những người đã được tiêm chủng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm PCR. Kết quả cho thấy hiệu quả chung của vaccine chống lại tất cả các biến thể của virus Corona đã giảm từ 87,9% vào tháng 2/2021 xuống 48,1% vào tháng 10/2021.

Theo kết quả được đăng trên Tạp chí Science, mặc dù bị SARS-CoV-2 “đột phá” hàng rào miễn dịch do vaccine tạo nên, nhưng việc đã tiêm chủng vẫn giúp bệnh nhân COVID-19 giảm nguy cơ tử vong trong giai đoạn gia tăng ca nhiễm biến thể Delta.

Nhóm nghiên cứu cho biết, dữ liệu nghiên cứu này cập nhật hơn dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cung cấp mặc dù nghiên cứu chỉ tiến hành ở các cựu chiến binh và có thể không đại diện cho dân số Mỹ. Nhóm đối tượng nghiên cứu đại diện cho 2,7% dân số Mỹ và thiên nhiều về giới tính nam nhưng có thể đại diện cho nhiều nhóm thiểu số hơn so với các nghiên cứu khác.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, vào tháng 3/2021, vaccine của Johnson & Johnson (J&J) có hiệu quả 86,4%, Moderna có hiệu quả 89,2% và Pfizer-BioNTech có hiệu quả 86,9% trong việc phòng ngừa lây nhiễm bất kỳ biến thể SARS-CoV-2 nào.

Nghiên cứu đo lường vào cuối tháng 9 và cho thấy hai liều vaccine Moderna mang lại hiệu quả ngăn ngừa nhiễm nCoV là 58%. Hồi tháng 3, con số này ở Moderna đo được là 89%.

Tương tự, hai liều vaccine Pfizer cũng giảm hiệu quả từ 87% xuống 45%. Đáng chú ý, khả năng bảo vệ của vaccine đơn liều Johnson & Johnson giảm từ 86% xuống 13% chỉ sau nửa năm.

Đầu tháng 11, một nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí y khóa The Lancet cũng cho thấy hiệu quả của hai vaccine Pfizer sụt giảm đáng kể theo thời gian.

Hãng Reuters đưa tin hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm của hai liều Pfizer giảm từ 88% xuống 47% sau 6 tháng. Tuy nhiên, khả năng giảm nguy cơ nhập viện, tử vong của loại vaccine này vẫn ở mức cao (90%), ngay cả với biến chủng Delta.

Nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Viện Y tế Công cộng Mỹ cũng phát hiện với độ tuổi khác nhau, khả năng suy giảm kháng thể từ vaccine Covid-19 cũng khác biệt.

Trong số các cựu chiến binh từ 65 tuổi trở lên được tiêm vaccine Moderna, những người mắc Covid-19 sau tiêm có nguy cơ tử vong thấp hơn 76% nhóm dân số cùng tuổi không được tiêm chủng.

Những cựu chiến binh được tiêm Pfizer và mắc Covid-19 cũng có nguy cơ tử vong thấp hơn 70% so với nhóm còn lại. Con số này ở người tiêm Johnson & Johnson là 52%.

Với những cựu chiến binh dưới 65 tuổi, vaccine Pfizer, Moderna có khả năng bảo vệ tốt nhất trước nguy cơ tử vong. Tỷ lệ giảm tử vong ở hai vaccine nói trên ở nhóm tuổi này lần lượt là 84% và 82%. Trong khi đó, cựu chiến binh mắc Covid-19 sau tiêm vaccine J&J có nguy cơ tử vong thấp hơn 73%.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến cáo tất cả người đã tiêm vaccine J&J cần tiêm mũi nhắc lại sau ít nhất 2 tháng.

Cả 2 nghiên cứu đều cho thấy vaccine bảo vệ mạnh mẽ chống lại nguy cơ bị tình trạng COVID-19 nặng và tử vong, ngay cả trong giai đoạn biến thể Delta xuất hiện và dễ lây lan dịch bệnh hơn.

Theo các nhà khoa học, các loại vaccine phòng COVID-19 cho thấy hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh giảm dần theo thời gian. Những người được tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ tử vong sau nhiễm SARS-CoV-2 thấp hơn đáng kể. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết cần phải duy trì đồng thời nhiều biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như khẩu trang và giữ khoảng cách, ngay cả ở những người đã được tiêm chủng, đồng thời củng cố những nỗ lực hiện tại nhằm tăng cường tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Hà Linh