Không hài lòng với trả lời của Bộ trưởng GIáo dục và đào tạo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) tái chất vấn về sửa sai trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1.
Việc sách giáo khoa không ghi tên tác giả nhiều sáng tác văn học có đúng quy định về quyền nhân thân của tác giả không? Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tái chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ, sau khi nhân được văn bản trả lời “lạc đề”.
Tại kỳ họp thứ 10, đại biểu Thuý đã gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Nhạ: Báo chí và dư luận gần đây lại rộ lên ý kiến phê bình cả 4 bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, trong đó khuyết điểm nặng nhất là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.
Vậy Bộ có ra văn bản yêu cầu rà soát, điều chỉnh những nội dung cụ thể chưa phù hợp của 4 bộ sách ấy không? nếu chỉ nhắc rà soát, điều chỉnh một cách chung chung thì có bảo đảm công bằng với những học sinh đang học và giáo viên dạy 4 bộ sách đó không?
Ngày 10/12, Bộ trưởng Nhạ có văn bản trả lời: triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Bộ giáo dục và đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa gồm 4 bộ sách thuộc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ sách Cánh Diều thuộc Nhà xuất bản Đại học sư phạm và Nhà xuất bản Đại học sư phạm TP.HCM để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn đưa vào giảng dạy.
Tất cả các sách gíao khoa được Bộ phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu, đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa, ngăn ngừa sự độc quyền trong xuất bản, phát hành sách giáo khoa, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng, các nội dung liên quan đến Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định có liên quan đến bản quyền, sở hữu trí tuệ khi biên soạn sách giáo khoa theo chương trình GDPT mới, Bộ đã yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam báo cáo.
Theo đó, đối với tác phẩm, ngữ liệu văn học (văn, thơ), âm nhạc (bài hát, bản nhạc) được trích dẫn trong sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã ký hợp đồng về việc sử dụng tác phẩm văn học với Trung tâm quyền tác giả văn học (VLCC); ký hơp đồng về việc sử dụng tác phẩm âm nhạc với Trung tâm quyền tác giả âm nhạc (VCMPC). Tất cả tác phẩm văn học, âm nhạc được trích dẫn trong sách giáo khoa của các tác giả đã uỷ thác qua hai trung tâm nói trên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã ký hợp đồng để được khai thác, sử dụng trích dẫn trong sách giáo khoa.
Những tác phẩm mà tác giả không uỷ thác, uỷ quyền thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trực tiếp liên hệ với tác giả để xin phép được trích dẫn, sử dụng trong sách giáo khoa. Tất cả đều có hợp đồng hoặc văn bản chấp thuận cho phép trích dẫn của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm.
Đối với hình ảnh sử dụng trong sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đều ký hợp đồng bản quyền sử dụng hình ảnh với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm (phần lớn hình ảnh được mua qua Shuttersock).
Đối với lược đồ, bản đồ đều là bản đồ chuyên đề, nhằm cụ thể hoá nội dung bài học trong sách giáo khoa, nên đều được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các tác giả biên soạn mới trên cơ sở hệ thống nền bản đồ tiêu chuẩn quốc gia. Ngoài ra, một số bản đồ, lược đồ được khai thác từ sách giáo khoa trước đây, bàn quyền đều thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết, trước những phản ánh từ đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp một số khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học, một số ngữ liệu chưa phù hợp, Bộ đã yêu cầu hội đồng thẩm định và các nhà xuất bản kiểm tra, rà soát. Các nhà xuất bản đã gửi báo cáo về Bộ, sau đó Bộ tiếp tục yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam báo cáo, giải trình thêm một số nội dung về sách giáo khoa lớp 1 mới. Hiện nay, các hội đồng thẩm định, tác giả và các nhà xuất bản đã và đang tiếp tục triển khai các bước thực hiện, gửi báo cáo về Bộ những nội dung theo quy định.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng cho rằng, mặc dù việc chỉnh sửa/hiệu đính sách giáo khoa vẫn thường xuyên được thực hiện như đối với các sách giáo khoa trước đây, nhưng việc để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội về một số điểm chưa phù hợp trong sách giáo khoa thời gian qua có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và đào tạo, Hội đồng thẩm định, các nhà xuất bản và các tác giả.
Tới đây, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hoá việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa lớp 1, tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện chương trình GDPT mới theo lộ trình quy định, Bộ trưởng Nhạ hồi âm đại biểu Thuý.
Nhận văn bản trả lời, đại biểu Thuý tiếp tục gửi chất vấn đến Bộ trưởng Nhạ, vì đại biểu thấy “văn bản trả lời dài nhưng không đề cập trực tiếp đến hai điều đại biểu đã hỏi”.
Vì thế, bà Thuý gửi lại Bộ trưởng hai vấn đề mà bà muốn chất vấn.
Một là, việc sách giáo khoa không ghi tên tác giả nhiều sáng tác văn học có đúng quy định về quyền nhân thân của tác giả không? sách giáo khoa có sữa chữa điều này không. Đại biểu Thuý nhấn mạnh “tôi không hỏi về quyền tài sản (ký hợp đồng, trả nhuận bút)”.
Vấn đề thứ hai đại biểu Thuý chất vấn là Bộ chỉ đạo sửa chữa những chỗ sai như thế nào? Nhà xuất bản có biên soạn tài liệu đính chính không? có công khai lấy ý kiến nhân dân không, có sửa chữa ngay năm học này không? nếu có thì bao giờ làm, nếu không thì vì sao?
Trước khi đại biểu Thuý gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Nhạ, theo phản ánh của báo chí thì trong sách Tiếng Việt lớp của Nhà xuất vản Giáo dục Việt Nam có rất nhiều truyện, bài tập đọc, kể chuyện được chuyển thể, phóng tác, phái sinh từ các tác phẩm, truyện ngụ ngôn của các tác giả nổi tiếng trong và ngoài nước, nhưng lại không thấy ghi tên tác giả, hay nguồn gốc tác phẩm.
Theo Baodautu.vn