09/05/2025 7:49:48

Ra mắt Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57 về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Ngày 7/5/2025, liên minh 5 đơn vị gồm học viện, các trường đại học Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia và Lễ ra mắt liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW – với mục đích góp phần xây dựng và phát triển một thế hệ nhân sự có năng lực chuyên môn tốt, am hiểu công nghệ, được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, sẵn sàng tham gia triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW.

Tại sự kiện, Liên minh Nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW vừa chính thức được thành lập. Đây là kết quat từ sự phối hợp do 5 học viện, trường đại học hàng đầu, bao gồm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Kỹ thuật mật mã; Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường đại học FPT, thực hiện.

Liên minh được thành lập với mục đích góp phần xây dựng và phát triển một thế hệ nhân sự có năng lực chuyên môn tốt, am hiểu công nghệ, được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, sẵn sàng tham gia triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW.

Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành năm 2024 với tầm nhìn chiến lược về việc sử dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Một trong những mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ, công chức và nhân viên có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở quy mô quốc gia.

Lễ ký kết liên minh nhân lực Chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW.

Các “kỹ sư 57” là nhân lực nòng cốt cho kỷ nguyên vươn mình

Phát biểu tại sự kiện, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế tư nhân, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết từ năm đầu tiên đổi mới (năm 1986) đến nay, chúng ta đã nhìn thấy sự phát triển vượt bậc của đất nước, cuộc sống của người dân đã tốt hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, hiện thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chỉ ở mức 4.700 USD/năm, trong khi nhiều nước láng giềng lên tới con số 30-40.000 USD/năm. Ông Bình cho rằng, làm sao để thu nhập đầu người của Việt Nam phải bằng các nước Bắc Âu.

Đảng và Nhà nước đặt ra nhiều chiến lược để phát triển đất nước trong thời đại mới. Thứ nhất là làm thế nào để thể chế không phải là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” mà phải tạo được lợi thế cạnh tranh với các nước khác. Làm thế nào để tổ chức bộ máy tinh giản nhất, hiệu quả nhất, hiệu lực nhất. Làm thế nào để đứng đầu các đơn vị là những người tài giỏi nhất, sẵn sàng dấn thân vì cái hạnh phúc của nhân dân, vì sự phồn vinh của đất nước.

Để làm được điều này, Việt Nam phải huy động sức mạnh cả cộng đồng, để giải phóng khả năng lao động, khả năng sáng tạo và phải triển khai trên quy mô cả nước, từ Trung ương đến địa phương.

“Chúng ta không thể có thu nhập cao so với các nước phát triển nếu chúng ta không tạo ra những giá trị to lớn và khác biệt và đấy chính là công nghệ. Chúng ta quản trị một cách tốt nhất bằng công nghệ, làm chiến lược tốt nhất bằng công nghệ, triển khai các đề án tốt nhất bằng công nghệ và làm ra những sản phẩm tốt nhất bằng công nghệ. Chúng ta sẽ phải là một quốc gia trong lĩnh vực bán dẫn, chúng ta phải đi đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau. Chúng ta phải tạo ra những sản phẩm mà trong đó có rất nhiều trí tuệ của người Việt Nam”, ông Bình nhấn mạnh.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế tư nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT.

Trong bối cảnh thế giới đang lo lắng AI sẽ lấy đi nhiều công ăn việc làm, ông Bình cho rằng Việt Nam cần tạo ra lực lượng lao động toàn cầu, không chỉ giỏi về quản trị, về chuyên môn xã hội và cả công nghệ thông tin.

Chủ tịch FPT cho rằng, trước đây, trong hệ thống giáo dục Việt Nam chủ yếu đào tạo các môn học chuyên môn như toán, lý, hóa, văn, sử, địa, tin học… giống như các nước khác. Tuy nhiên hiện nay, việc đào tạo nhân lực phải được cụ thể hóa, gắn với nhiệm vụ cụ thể của đất nước.

Đó là lý do Đại học FPT cùng các viện trường khác ra mắt Liên minh Nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW, ới mục đích góp phần xây dựng và phát triển một thế hệ nhân sự có năng lực chuyên môn tốt, am hiểu công nghệ, được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, sẵn sàng tham gia triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW.

Ông Trương Gia Bình ví von đội ngũ nhân lực được đào tạo từ liên minh này là các “kỹ sư 57”. Theo đó, nhân lực được đào tạo từ Liên minh này sẽ góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế; Thúc đẩy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hành chính công, lãnh đạo và quản lý nhà nước phù hợp với bối cảnh mới.

Được biết, tại sự kiện, Trường Đại học FPT đã công bố chương trình đào tạo lực lượng dự bị chiến lược gồm 8 khối kiến thức bổ sung, cần thiết cho sinh viên trong bối cảnh mới, như quản lý nhà nước và hành chính công; quản trị dữ liệu và an toàn thông tin; quản lý dự án và quản trị đổi mới; giáo dục và phát triển nhân lực số… Chương trình đào tạo này sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 5/2025.

Cao Tuấn