Cục Bảo vệ thực vật sẽ hướng dẫn 1 cách cụ thể và tháo gỡ vướng mắc của địa phương về tạo mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu cho các đơn vị. Đặc biệt, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, bảo đảm chất lượng sản phẩm trồng trọt, truy xuất nguồn gốc và thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, bền vững và trách nhiệm. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi và minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu.
Đây là nội dung ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc tại chương trình Hội nghị “Phổ biến quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu” tổ chức tại TP. HCM ngày 20/4/2023. Sự kiện này nhằm triển khai văn bản chi đạo số 1776 /BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.
Hội nghị đã thu hút khoảng 300 khách mời đến từ các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNN; Trường Chính sách công và PTNT; các đơn vị thuộc Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh thành, Trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành phố; các Viện nghiên cứu, các Hiệp hội ngành nghề liên quan cùng với đại diện các vùng trồng, cơ sở đóng gói và các đơn vị xuất khẩu thạm dự.
Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu là đóng vai trò quan trọng đối với xuất khẩu nông sản do đây yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật (KDTV), an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Trong những năm vừa qua, công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sảnViệt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu; đồng thời cũng góp phần định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Bảo vệ thực vật sẽ báo cáo tình hình thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trong thời gian qua. Đồng thời, hướng dẫn triền khai văn bản số 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 và tập trung vào những điểm mới trong quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và & PTNT quy định trách nhiệm cụ thể cho Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh thành phố và Cục Bảo vệ thực vật, là các đơn vị liên quan đến quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng phổ biến quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Việc quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói không chỉ để đáp ứng yêu cầu đàm bảo tuân thủ đúng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩn của nước nhập khẩu, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc của nông sản xuất khẩu mà còn giúp thay đổi tập quán canh tác, nâng cao nhận thức sản xuất của nông dân theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch và trách nhiệm, qua đó nâng cao giá trị hàng hoá nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Mã số vùng trồng bị thu hồi chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận… phần lớn là nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc. Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Thu Hương – phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ tại Hội nghị, nguyên nhân mã vùng trồng bị thu hồi nhiều nhất do không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật. Khó hơn, hiện nay, các mã số vùng trồng không chỉ phải chịu sự giám sát của địa phương, Cục Bảo vệ thực vật mà còn phải chịu sự giám sát của cả nước nhập khẩu. Các nước nhập khẩu có tần suất giám sát khác nhau từ hằng tháng tới hằng năm. Riêng Trung Quốc, việc giám sát diễn ra định kỳ hằng tuần đối với các tỉnh có sản lượng nhập khẩu lớn hoặc các cá nhân từng có lịch sử vi phạm.
Thông qua Hội nghị, đây là dịp để các bên liên quan gồm các đơn vị xây dựng chính sách, cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, các Hiệp hội ngành nghề, các cá nhân/đơn vị sản xuất, xuất khẩu cùng nhau trao đổi, chia sẻ để nắm rõ quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Từ đó, các bên cùng nhau thực hiện và tuân thủ quy định này một cách hiệu quả, giúp cho việc dễ dàng theo dõi nguồn gốc sản phẩm.
Kết quả cuối cùng là để đảm bảo giảm thiểu các rủi ro về kiếm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, cũng như các hoạt động gian lận thương mại. Cục Bảo vệ thực vật tin tưởng các đơn vị liên quan cùng nhau phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao để bảo đảm hiệu quả cao trong công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Quang Trung